Theo dõi trên

Nghị quyết số 58/NQ-CP: Khơi thông các điểm nghẽn với phương châm "sớm nhất, hiệu quả nhất"

27/04/2023, 16:07

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

Với các giải pháp xử lý những khó khăn, vướng mắc trước mắt, trong ngắn hạn cũng như trong trung và dài hạn của doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, nghị quyết sẽ góp phần khơi thông các điểm nghẽn, huy động, giải phóng các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

Xử lý nhanh các thủ tục đầu tư, xây dựng đối với các dự án bất động sản

Tại Nghị quyết, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quyết liệt, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững cả về số lượng, chất lượng, thực sự trở thành lực lượng quan trọng đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế.

Trong đó, quan điểm được nêu rõ là quán triệt thực thi đầy đủ và hiệu quả các nghị quyết, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến khích phát triển doanh nghiệp; bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo Hiến pháp và pháp luật; kiến tạo phát triển và kiểm soát rủi ro, lành mạnh hóa môi trường đầu tư kinh doanh; không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật; củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân; bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực và chính sách.

Nghị quyết nêu rõ quan điểm “tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Khơi thông các điểm nghẽn với phương châm "sớm nhất, hiệu quả nhất", huy động, giải phóng các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, mở rộng hợp tác quốc tế”.

Bảo đảm tính ổn định, nhất quán, dễ dự báo, rõ ràng, minh bạch, hiệu quả và thực chất của chính sách; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, thuận lợi, an toàn và thân thiện, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế; đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, minh bạch, hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước….

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Nghị quyết nêu rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai trong ngắn hạn và dài hạn.

Cụ thể, trong ngắn hạn phải khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện rà soát, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư đã được cấp phép, chưa triển khai hoặc đang triển khai nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế; đẩy mạnh công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

anh-bat-dong-san-cov-2-1671018437725106060252820230421204521.jpg
Chính phủ yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn về pháp lý, thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án bất động sản.

Rà soát, tạo điều kiện xử lý nhanh các thủ tục đầu tư, xây dựng đối với các dự án bất động sản trên địa bàn đã đáp ứng đủ điều kiện để các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng sớm triển khai theo quyết định đầu tư được phê duyệt để sớm hoàn thành, đưa sản phẩm ra thị trường.

Bộ Xây dựng và UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn về pháp lý, thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án bất động sản; tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động của thị trường bất động sản và việc huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng; nghiên cứu bổ sung quy định về tỷ lệ an toàn tài chính huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2023.

Giảm dần sự khác biệt giữa chính sách thuế của doanh nghiệp và hộ kinh doanh

Đối với Bộ Tài chính, Chính phủ giao chỉ đạo Tổng cục Hải quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đơn giản hóa tối đa các quy trình hành chính hiện tại hoặc xem xét áp dụng các quy trình xuất, nhập khẩu ưu tiên để hỗ trợ các doanh nghiệp tối ưu thời gian, chi phí ở các khâu thực hiện trong nước nhằm đẩy nhanh quy trình, thủ tục nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu và đẩy nhanh xuất khẩu các sản phẩm nông sản, các nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ đạo.

Tiếp tục thực hiện cải cách quản lý thuế đối với hộ kinh doanh cá nhân nhằm giảm dần sự khác biệt giữa chính sách thuế của doanh nghiệp và hộ kinh doanh; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2023.

Theo dõi, đánh giá tình hình hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 08/2023/NĐ-CP.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích hình thành lực lượng doanh nghiệp tư nhân có vai trò dẫn dắt trong một số lĩnh vực, ngành kinh tế trọng điểm, có lợi thế cạnh tranh; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2024.

Tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất

Về hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, tại Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác dự báo, phối hợp hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, tài khoá với các chính sách vĩ mô khác và cân đối nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ một số đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của giá xăng dầu.

Tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã được các cấp có thẩm quyền ban hành để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tập trung nghiên cứu, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền quyết định để sớm triển khai vào thực tế các giải pháp giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức; tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, hiệp hội rà soát trình Chính phủ điều chỉnh mức thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất.

Khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước vốn chi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, hoàn thành trong tháng 4 năm 2023.

Rà soát, đánh giá các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và kiến nghị giải pháp tháo gỡ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2023.

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp giảm chi phí nguyên liệu, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản, đặc biệt thức ăn chăn nuôi.

sanxuat20230421204522.jpg
Chính phủ yêu cầu tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã được các cấp có thẩm quyền ban hành

Bộ Xây dựng hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quản lý dự án, quản lý chi phí, định mức xây dựng, vật liệu xây dựng, quản lý chất lượng thi công và hợp đồng xây dựng; hướng dẫn, kiểm tra các địa phương công bố giá các loại vật liệu xây dựng phổ biến trên địa bàn theo quy định của pháp luật trong quý II năm 2023.

Đối với Bộ Công Thương, Chính phủ giao tăng cường theo dõi, chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối, phân phối kinh doanh xăng dầu thực hiện đúng quy định về dự trữ lưu thông, không để thiếu nguồn cung mặt hàng xăng dầu; chủ động tính toán, có giải pháp để tự chủ nguồn cung trong nước.

Nghiên cứu đề xuất sửa đổi Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, nghiên cứu bổ sung đối tượng "cơ sở lưu trú du lịch" áp dụng giá bán lẻ điện bằng với giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất theo tinh thần của Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2023.

UBND các tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai phương án giảm tiền sử dụng nước cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Công bố giá các loại vật liệu xây dựng phổ biến trên địa bàn theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; kiểm tra, rà soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng;…

Cùng với đó, Chính phủ cũng giao các nhiệm vụ cụ thể khác cho các bộ, ngành theo từng lĩnh vực quản lý để triển khai khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước; hỗ trợ doanh nghiệp tạo cơ hội, ổn định việc làm cho người lao động; đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, đào tạo…

Về nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong trung và dài hạn, Nghị quyết của Chính phủ cũng giao các nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương theo các mục tiêu: tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.

Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 21/4/2023 và thay thế Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Phấn đấu đến năm 2025 đạt 1,5 triệu doanh nghiệp
Nghị quyết đặt mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025 đạt 1,5 triệu doanh nghiệp; 8.000 -10.000 hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65 - 70% GDP cả nước, khoảng 30 - 35% tổng việc làm trong nền kinh tế, 98 - 99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Khoảng 35 - 40% tổng số doanh nghiệp có hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
100% cơ sở kinh doanh bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 30.000 cơ sở kinh doanh được hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số. Mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được xếp vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới.
100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
80% doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo.

H LAN (TỔNG HỢP)


(0) Bình luận
Bài liên quan
Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội: Đề xuất đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh cá thể
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian.
Nổi bật
Vào mùa sen Đức Linh
Đức Linh mùa này không chỉ có những vườn cây trái trĩu cành với hương thơm trái ngọt, cánh đồng bát ngát lúa chín vàng ươm mà đến với huyện miền núi này người ta còn muốn dạo chơi trên những ao, hồ rộng lớn thưởng ngoạn những đóa sen hồng ngát hương tỏa bay trong gió. Đang vào mùa sen nở nên đây là thời điểm tốt nhất để chúng ta khám phá, thưởng thức hương thơm dịu mát của sen hồng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghị quyết số 58/NQ-CP: Khơi thông các điểm nghẽn với phương châm "sớm nhất, hiệu quả nhất"