Tượng đài cá ba sa được dựng lên ở Châu Đốc nhằm mục đích tôn vinh loài cá này, đồng thời tôn vinh những con người đã có công thuần dưỡng một loài cá da trơn có giá trị kinh tế, giúp người dân địa phương thoát nghèo, vì vốn dĩ cửa sông Châu Đốc là nơi có nghề nuôi cá ba sa hình thành đầu tiên ở nước ta. Được đánh giá cao cả về tính mỹ thuật và ý nghĩa nội dung, nhất là tính văn hóa cộng đồng, công trình tượng đài cá ba sa đã trở thành một biểu tượng đẹp, một địa điểm tham quan du lịch thú vị ở Châu Đốc.
Câu chuyện trên khiến chúng ta liên tưởng đến trường hợp trái thanh long của Bình Thuận. Với gần 30.000 ha, Bình Thuận hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích trồng thanh long, và là “thủ phủ” của loại nông sản này với sản lượng trên 500.000 tấn/ năm.Thanh long trở thành cây trồng lợi thế của tỉnh, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp, giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Nhìn chung, ở Phan Thiết nói riêng và Bình Thuận nói chung hiện nay, vẫn còn thiếu những điểm nhấn đô thị đặc sắc. Ngoài Tháp nước Phan Thiết, nhiều người dân địa phương vẫn kỳ vọng về những biểu tượng văn hóa mới từ những công trình kiến trúc công cộng, cảnh quan đô thị…, mà tượng đài là một ví dụ. Trong lúc có nhiều ý kiến chuyên môn về sự “nghèo nàn”, “đơn điệu” của các công trình tượng đài ở các địa phương, thì hình ảnh trái thanh long, cành nhánh thanh long, hoa thanh long, hay những người nông dân trồng thanh long… hoàn toàn có thể trở thành một “ngân hàng chủ đề” phong phú cho những thiết kế, sáng tạo độc đáo.
Thực ra, ý tưởng về một tượng đài thanh long ở Bình Thuận không mới. Gọi trái thanh long với cái tên thuần Việt là “rồng xanh”, và dưới góc nhìn của một người tâm huyết với du lịch tỉnh nhà, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours, cũng là một người con quê Bình Thuận, từng trăn trở chia sẻ: “Rồng xanh đổi đời (cho người dân Bình Thuận) như vậy nhưng việc làm tượng đài rồng xanh ở Hàm Thuận Nam hay Bình Thuận dù được bàn luận từ lâu và ai cũng thống nhất, nhưng vẫn chưa thể thực hiện vì lý do “thiếu kinh phí”? Sao Nhà nước và nhân dân không cùng làm? Mỗi doanh nghiệp góp một ít”. Tin rằng cũng có nhiều người đồng cảm với ông Mỹ về những suy tư gợi mở này.
PHÚC THỊNH