Những tâm trạng vui - buồn
Những niềm vui luôn là điều mong mỏi của nhiều người. Người ta có nhiều điều để thấy lòng phấn chấn khi gặp những cảnh: Việc nhà thuận lợi, con cái mạnh khỏe, học hành chăm chỉ, thi đậu, được bạn mến, cô thương; bản thân khỏe mạnh, việc làm ăn thành công, việc cơ quan trôi chảy, vợ chồng thuận hòa êm ấm, anh chị em trong đại gia đình thuận thảo… Những sự thuận buồm xuôi gió ấy dễ tạo cho bản thân sự vui vẻ, cảm giác dễ chịu, sự thanh thản trong lòng.

Song không chỉ có lúc phấn chấn bởi những niềm vui. Cuộc sống ngày nay, có bao điều bất trắc xảy ra, có tác động đến từng người. Bệnh đau ập xuống đối với bản thân hay người trong gia đình; cha mẹ, người thân qua đời; gia đình kinh doanh thất bát; sự cư xử của những người trong gia đình chưa tế nhị, có lúc người thân buông ra những lời nói nặng nề, thể hiện sự chưa hiểu lòng nhau, có khi chuyện cơ quan không thuận lợi… Vô vàn các chuyện không vui có thể đến với một người vào bất cứ lúc nào. Và có cả cảnh nhiều điều không vui đến một cách dồn dập như muốn thử thách độ gan lì, sức chịu đựng của một con người, một gia đình.
Trước những cảnh ngộ ấy, lòng người sao cảm thấy bình yên? Tâm trạng lo lắng, bất an, đầu óc rối bời, người ta dễ rơi vào những cơn u uất, quẩn trí.
Ảnh hưởng từ những tâm trạng vui - buồn
Khi lòng vui, rõ ràng, người ta có động lực để làm nhiều việc: Bản thân sẽ làm việc nhà, việc cơ quan hăng say hơn rất nhiều. Lòng vui, người ta sẽ suy nghĩ tích cực hơn, tươi sáng hơn. Lòng vui, bản thân ta sẽ thấy dễ cởi mở hơn với những người xung quanh, mong được tâm sự, sẻ chia niềm vui ấy với bạn bè, người thân, người giao tiếp với mình. Và với những sự phấn chấn tinh thần như vậy, hiệu quả việc làm sẽ tốt hơn, năng suất làm việc sẽ cao hơn hẳn.
Từ những niềm vui, người ta sẽ hăng hái làm việc xã hội, có người sẽ tham gia các hoạt động thiện nguyện, giúp ích cho cộng đồng, cho những cảnh đời khó khăn, vất vả quanh mình.
Đối lại, khi buồn, tâm trạng bất an, ảnh hưởng đến bản thân biết bao điều: Dễ cáu gắt với người xung quanh mình từ trong gia đình, đến bạn bè, lối xóm. Nhiều việc trong gia đình đã từng ấp ủ, nay bị gác lại, có khi ngay cả việc chăm lo sức khỏe, điều trị bệnh cho chính bản thân. Có lúc, bản thân hết muốn làm gì, chẳng hứng thú gì đến việc xã hội.
Giữ cân bằng cảm xúc
Với những người từng trải, chịu đựng những cảnh ngộ khác nhau trong đời, kể cả trẻ tuổi, lẫn đã không còn ở độ thanh xuân, nghĩ nhiều về những thành công và sự chưa thành công trong đời mình, người ta dễ nhận ra: Duy trì được tâm trạng vui vẻ, hân hoan, phấn chấn có lợi cho sức khỏe biết bao nhiêu!
Còn, dẫu phải đối mặt với những bất ổn trong đời, ta cần giữ tâm trạng bình tĩnh, không để sự xúc động quá mạnh, cảm xúc âm tính lấn át. Bởi sự quá xúc động, hay tâm trạng bị kích động quá mức, dễ dẫn đến những lời nói thiếu kiểm soát, những hành động không hay, không có lợi cho sức khỏe bản thân, lại dễ sanh bệnh, hoặc người đã có bệnh nền thì bệnh ấy dễ diễn biến xấu.
Tìm cách giải tỏa những khó khăn trong cuộc sống mà mình phải đối mặt, dần từng bước, có thể làm từng phần, hy vọng sao cho hiệu quả. Trước những điều dễ gây sự giận dữ, bản thân ta dằn lòng xuống, bình tâm hơn. Từ từ, lòng dịu, kềm chế lời bộc phát, sẽ bớt dần cơn giận. Thoát ra khỏi cảm xúc âm tính trong lòng, thoát ra khỏi tâm trạng buồn bã hay nóng giận, lòng người sẽ thấy nhẹ nhàng hơn, cảm giác khỏe hơn, dễ thở hơn, không còn quá nặng nề như lúc trước.
Và giữa những niềm vui, những điều hài lòng; với những nỗi buồn, những điều không ưng ý, ai trong chúng ta lại chẳng mong rằng mình được đứng ở bến bờ của những nỗi hân hoan?