Sau khi tái lập tỉnh Bình Thuận, Trường Trung học Sư phạm Bình Thuận được thành lập theo Quyết định số 298/QĐ-UBBT ngày 13/8/1992 của UBND tỉnh Bình Thuận, trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận. Mặc dù ngôi Trường Trung học Sư phạm chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian rất ngắn, hơn 8 năm, từ ngày 13/8/1992 đến ngày 12/12/2000, với sứ mệnh là đào tạo giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học bao gồm hệ 9+3 và 12+2, nhưng đã để lại thành quả vô cùng to lớn. Minh chứng là các thế hệ sinh viên (lúc ấy gọi là giáo sinh) được đào tạo trong khoảng thời gian đó phần đông thầy cô giờ đã là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên dạy giỏi các cấp… Có thể nói gần như họ đang làm chủ hoàn toàn hệ thống giáo dục mầm non và tiểu học tỉnh Bình Thuận hiện nay.
![](https://bbt.1cdn.vn/2024/10/31/202410310417371.jpeg)
Lớp sư phạm 9+3 (1994 - 1997). Tác giả ngồi hàng cuối thứ 2 trái qua.
Nói là tri ân “Dưỡng dục” của thầy cô ở mái Trường Trung học Sư phạm Bình Thuận ngày ấy hoàn toàn đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trong khuôn khổ của dòng tâm tư, xin nói về quá trình đào tạo giáo viên hệ 9+3 cả mầm non lẫn tiểu học mà bản thân người viết là những nhân vật chính trong chiếc nôi đào tạo “Ba trong một” của thầy cô giáo là giảng viên trường trung học sư phạm ngày ấy. Khi ấy, vào nhập trường học để làm thầy cô giáo trong tương lai đa phần là các cô bé, cậu bé tuổi mười lăm, ăn chưa no lo chưa tới, cũng chưa một lần ra khỏi xóm, khỏi làng. Vừa học xong lớp 9, thi đậu vào trường, được người lớn dẫn tới làm thủ tục nhập học là giao khoán trắng cho thầy cô dạy dỗ. Phải nói rằng, cả nước vừa thoát khỏi chế độ bao cấp, tỉnh ta cũng vừa được tái lập, tất cả còn đói khổ, khó khăn chồng chất khó khăn. Vậy mà tại ngôi trường đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học của tỉnh, vừa mới thành lập, lại có một tập thể giảng viên là những thầy cô trên mọi miền Tổ quốc cùng hội tụ về đây với chung một sứ mệnh thiêng liêng là đào tạo “người gieo chữ”, giúp tỉnh nhà khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng của những ngày đầu tái lập. Ngày nay, chúng ta thấy rằng, việc đào tạo bậc học trung học phổ thông đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của cả ba môi trường giáo dục mà đôi lúc còn khó khăn, bất cập. Vậy mà hồi đó, gia đình giao gửi đứa trẻ mười lăm tuổi cho trường nuôi dưỡng, đào tạo trong ba năm trở về đã thành thầy giáo, cô giáo tự tin đứng lớp đảm bảo chất lượng giáo dục của hai cấp học đầu tiên. Trong thời gian ba năm, để hoàn thành được sứ mệnh cao cả Đảng trao Dân gửi đó, thầy cô Trường Trung học Sư phạm Bình Thuận đã thực hiện một giáo trình đào tạo “Ba trong một” và chắc chắn không thể có lập lại trong lịch sử “đào tạo giáo viên” hiện nay. Dạy làm người, thầy cô phải dạy cách đi đứng, ăn nói, sinh hoạt… ngày nay chúng ta khái niệm đó là dạy kỹ năng sống. Dạy văn hóa, tất cả mới học xong chương trình lớp 9, do đó thầy cô phải bổ túc kiến thức của chương trình Trung học Phổ thông cho đủ trình độ. Dạy làm thầy, đây là khâu gian nan nhất của thầy cô nhưng bằng tình thương, trách nhiệm, thầy cô dạy trẻ cách cầm phấn, cách viết bảng, cách đi, cách nói… đúng nghĩa của một nhà mô phạm.
![](https://bbt.1cdn.vn/2024/10/31/202410310417382.jpeg)
Giảng viên khoa sư phạm- Trường Cao đẳng Bình Thuận hiện nay (Nguồn Trường CĐBT).
Hơn ba mươi năm, một chặng đường dài miệt mài với nghề gieo chữ, cùng rất nhiều đồng môn, đồng nghiệp giờ đã là cán bộ quản lý, “Cảo thơm lần giở”, bản thân người viết vô cùng cảm phục, biết ơn sự nhẫn nại, hy sinh và giảng dạy đầy sáng tạo của quý thầy cô đã đào tạo mình năm xưa. Thầy cô Trường Trung học Sư phạm ngày ấy đã đóng trọn, làm tròn “cả ba vai” đó là: Vai “Cha mẹ” dạy bảo dưỡng dục, tâm sự cùng trò những lúc chúng nhớ nhà, nhớ cha mẹ và đám bạn cùng chăn trâu đá bóng- tuổi mười lăm mà! Vai trò trọng tâm nhất là vai người thầy để dạy trò làm thầy! Vai “người học trò” ngồi dưới lớp để trò tập dạy làm thầy. Từ tận đáy lòng nghĩ suy, nhờ có tập thể thầy cô tâm huyết ngày ấy mới có em cùng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, quý thầy cô ưu tú của hai bậc học mầm non, tiểu học đang độ chín của tỉnh Bình Thuận hôm nay. Từ sâu thẳm con tim, em thấu hiểu, món quà mà quý thầy cô mong đợi nhất nơi học trò chắc chắn chính là sự trưởng thành, nỗ lực vươn lớn, cống hiến hết mình cho nghiệp “Trồng người”. Em rất tự tin khẳng định mình đã, đang và sẽ làm tốt điều đó.