“Tổng biên tập – Chuyện người trong cuộc” là một trong những cuốn sách ghi lại những ý kiến, kinh nghiệm của các tổng biên tập báo, tạp chí, đài phát thanh - truyền hình thuộc nhiều thế hệ… với nội dung phong phú, đa dạng, đã để lại trong tôi những suy nghĩ khó quên về nghề báo và việc viết báo. Cuốn sách do Nhà xuất bản Trẻ xuất bản quý II năm 2021, tập hợp ý kiến của 34 tổng biên tập, cùng phần phụ lục với bài viết của 3 tác giả khác.
Đôi nét khắc họa khái quát về công việc của tổng biên tập qua tập sách
Những thực tế từng trải của các tổng biên tập báo, đài, tạp chí đã được các anh, chị trải lòng trên những trang viết, trả lời phỏng vấn. Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Tổng Biên tập Báo Hà Nội mới, hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, đã có rất nhiều ý kiến sâu sắc về công việc của tổng biên tập, của nghề báo. Ông đã chia sẻ: “Tổng biên tập chính là người quyết định chất lượng, sức hấp dẫn của tờ báo, quyết định nó là một tờ báo hay hoặc không hay trong lòng công chúng và đồng nghiệp”. Cũng từ thực tế trong vai trò Tổng Biên tập nhiều năm một tờ báo lớn ở thủ đô, ông đã rút ra được rằng: “Người thầy của tổng biên tập chính là đời sống báo chí, đời sống xã hội, là sự trải nghiệm, là những bài học thành công và thất bại, và còn là công chúng báo chí nghiêm khắc, khó tính, khe khắt, nhiều đòi hỏi…”.
Ông Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, một người rất nổi tiếng trong báo giới, đã từng là người quản lý đài với nhiều đơn vị trực thuộc, cùng đội ngũ nhân lực 3.000 người (gồm phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, nghệ sĩ, nhân viên) đã xác định rõ ràng rằng: “Chỉ đạo, quản lý nội dung là công việc quan trọng thường trực đối với lãnh đạo cơ quan báo chí, nhất là người đứng đầu. Nội dung là trái tim của tòa soạn, của cơ quan báo chí và là yếu tố quyết định sự sống còn, phát triển của cơ quan báo chí, tạo nên uy tín, thương hiệu của cơ quan báo chí”. Ông cũng đã ý thức về vai trò của công chúng quan trọng như thế nào đối với một tờ báo, đối với cơ quan báo chí: “Nhưng chúng ta cũng ý thức sâu sắc rằng sự đón đợi của công chúng, sự tiêu dùng của công chúng quyết định đến sự tồn tại và phát triển của chính cơ quan báo chí. Không có công chúng thì hoạt động báo chí là vô nghĩa. Công chúng ở đây bao gồm từ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cho đến những người lao động bình thường trong xã hội”.
Một nhà báo nữ, bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Tổng Biên tập Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh, đã nêu những kinh nghiệm thực tiễn của mình trong việc điều hành tờ báo: “Anh là tổng biên tập thì anh có trách nhiệm cùng với đội ngũ của mình làm ra một tờ báo tốt. Tờ báo ấy phải được tổ chức chuyên trang, chuyên mục, có đường nét và giọng điệu riêng. Công tác đầu tiên và tối quan trọng là phải tổ chức được những cây bút”. Và cùng với đó, là: “Không gian làm nghề tốt và chính sách tốt thì tờ báo sẽ liên kết được các cây bút đa dạng (viết tốt, biên tập tốt) để tồn tại và phát triển. Điều đáng phải quan tâm theo kinh nghiệm của tôi là cố gắng thực hiện chính sách phát triển cộng tác viên chủ lực, thường xuyên”.
Nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang, nguyên Tổng Biên tập Báo Đại đoàn kết, cũng đã có sự nhìn nhận về công việc của một tổng biên tập: “Ghế tổng biên tập nào cũng là ghế nóng, nhất là khi muốn tờ báo phát triển mà vẫn muốn giữ các tiêu chí đạo đức”.
Ngoài phần nội dung là phần chính của tờ báo, có những tổng biên tập đã rất chú ý đến những hoạt động xã hội, các hoạt động sau mặt báo (như các Giải Việt dã, Cúp bóng đá, Học bổng khuyến khích tài năng trẻ, Quỹ hỗ trợ đền ơn đáp nghĩa…). Ông Dương Xuân Nam, nguyên Tổng Biên tập Báo Tiền Phong – Tờ báo tổ chức Cuộc thi Hoa hậu đầu tiên của cả nước từ năm 1988 – đã từng viết: “Tôi nói thêm điều này là để minh chứng cho các hoạt động sau mặt báo là rất quan trọng, nó làm tăng uy tín cho tờ báo rất nhiều, nó thực sự thu hút đông đảo bạn đọc đến với tờ báo, mà với người làm báo, nhất là tổng biên tập báo, mục đích cuối cùng vẫn là bạn đọc, tất cả vì bạn đọc thân yêu của mình…”.
Điểm qua một số những ý kiến của các tổng biên tập dày dạn kinh nghiệm trong công các quản lý, chỉ đạo trực tiếp cơ quan báo chí để thấy những điều các anh chị ấy quan tâm chính là nội dung tờ báo và công chúng, độc giả. Và với thời đại ngày nay, đó còn là những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong việc làm báo.
Một vài điều trong việc viết báo rút ra từ tập sách
Nếu nội dung là trái tim của tòa soạn báo, thì những bài báo chính là những yếu tố cấu thành, góp phần tạo nên nhịp đập của trái tim ấy. Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, đã quan tâm đến chất lượng bài báo: “Một bài báo phải có chi tiết hay, ý tưởng mới”.
Nhà báo Hồ Quang Lợi vẫn xác định tính chân thực, tính xây dựng cùng tài năng của người cầm bút trước những vấn đề của xã hội: “Tôi vẫn tin rằng, nếu mình nói đúng điều cần nói, đúng mực, xây dựng và sâu sắc, mà lại có ích, thì cho dù ai đó ở đâu đó, có thể chưa quen nghe, chưa đồng tình, nhưng dần dần giá trị của sự thật vẫn có sức mạnh riêng của nó”.
Nhà báo Nguyễn Khắc Cường, Tổng Biên tập Báo Khăn Quàng đỏ, cũng đã có những trải nghiệm thực tế khi điều hành một tờ báo dành cho thiếu nhi của thành phố Hồ Chí Minh. Ông đã viết: “Nghề báo là một nghề cực nhọc”, “Có những nhà báo… chỉ cần bài của họ đến với độc giả, hay nói đúng hơn, họ chỉ cần viết ra được những gì trái tim, khối óc họ mách bảo là đã đủ vui sướng, đủ năng lượng lao tiếp vào đề tài khác”. Ông cũng đã xác định rõ ràng, như một lời tự nhắc nhở mình, nhắc nhở đồng nghiệp, những người tham gia viết báo: “Người viết báo phải trân trọng câu chữ của mình”.
Đọc những dòng của nhà báo Hồng Thanh Quang, độc giả thấy được niềm đam mê viết báo đến mức cháy bỏng của ông, với sự trình bày rất chân thật: “Với tôi, được làm báo là một khoái cảm đặc biệt, đó là cơ hội để tôi bộc lộ những gì mình suy nghĩ và lôi kéo những người xung quanh tin vào điều mình cho là đúng. Nghề báo trao cho tôi nhịp cầu giao cảm với xã hội một cách tích cực nhất. Mỗi bài báo mình tâm huyết được hiện hình từng chi tiết, tôi luôn cảm thấy cực kỳ sung sướng, thậm chí như ngẩn ngơ”. Tôi tin rằng, nhà báo Hồng Thanh Quang đã nói đúng với những cảm xúc rất thật trong sâu thẳm đáy lòng ông trước một bài viết mới được in của mình. Mà ông đã là một nhà báo chuyên nghiệp. Và còn là những ý kiến về công việc viết báo của những tổng biên tập khác trải trong tập sách.
Là một cộng tác viên của Báo Bình Thuận quê nhà, tôi cũng có những niềm vui nho nhỏ khi những bài viết của mình gởi, được Ban Biên tập duyệt, cho đăng. Viết báo đối với tôi, là niềm yêu thích, song lại là một công việc tốn không ít thời gian, không ít vất vả. Bởi, để hình thành được một bài viết, tôi phải liên tục suy nghĩ tìm đề tài, tìm tư liệu, tìm nguồn tin. Đó còn là sự chuẩn bị để phỏng vấn nhân vật, tìm hiểu về công việc của nhân vật đã làm. Đó còn là sự sắp xếp các ý bài, thể hiện ra bản thảo, sửa chữa.
Hiểu phần nào công việc viết báo, làm báo, trách nhiệm nặng nề của Tổng Biên tập báo, tôi càng trân trọng hơn nghề báo. Tôi cũng cân nhắc hơn với câu chữ của mình, sao cho đúng với nội dung mình cần muốn gởi đến bạn đọc, sửa kỹ, trước khi ấn nút gởi bài viết của mình đến tòa soạn.