Theo dõi trên

Ngôi trường THPT công lập duy nhất dạy học môn âm nhạc

05/03/2024, 05:21

Năm học 2023-2024 là năm thứ 2 triển khai thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cấp THPT đối với lớp 10 và 11. Trong đó, môn âm nhạc và mỹ thuật trở thành môn học chính thức để học sinh lựa chọn nhằm góp phần phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực cho học sinh.

Chứng kiến tiết học âm nhạc của khối lớp 11 tại Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo do thầy Đoàn Ngọc Minh giảng dạy trong không khí vui tươi, đầy hứng khởi. Theo quan sát, giáo viên tận tình hướng dẫn học sinh âm hình tiết tấu để thể hiện bài hát đúng cao độ, trường độ, sắc thái. Không chỉ dạy lý thuyết, thầy Minh còn hướng dẫn học sinh thực hành trên nhạc cụ đàn Guitar làm cho những tiết tấu của bài hát trở nên sinh động và hay hơn. Sau đó, như một dàn đồng ca, cả lớp cất cao giọng hát hòa mình vào âm nhạc.

27327022-627f-4b16-8111-72f9b6e89b5b.jpeg
a27bd735-5181-45fd-ad74-2044173fb670.jpeg
Tiết học âm nhạc của khối lớp 11 do thầy Minh giảng dạy.

Âm nhạc là môn học thuộc lĩnh vực giáo dục nghệ thuật. Ở chương trình GDPT 2018, bên cạnh một số môn học bắt buộc, học sinh được tự chọn một số môn học, trong đó có môn nghệ thuật, bao gồm âm nhạc và mĩ thuật. Đây là 2 môn học nhận được nhiều sự đón chờ từ phía học sinh, sự tán thành từ các bậc phụ huynh, còn giáo viên và các chuyên gia giáo dục cũng đưa ra các quan điểm tích cực. Bởi việc đưa các môn nghệ thuật vào chương trình mới được kỳ vọng sẽ góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa trí, đức, thể, mỹ, cũng như phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Em Nguyễn Đình Vĩnh Khang - học sinh lớp 11 C2 Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo chia sẻ: Ngay từ lớp 10 khi biết có môn âm nhạc là môn tự chọn em rất vui và đã đăng ký tham gia học ngay. Bởi em rất thích âm nhạc, muốn theo học vừa phát huy khả năng âm nhạc của mình vừa là môn học giúp mình giải trí sau những giờ học chính khóa căng thẳng. Tương tự, em La Thành Chương – lớp 11 C3 cũng đăng ký chọn môn âm nhạc theo học để phát huy năng khiếu chơi đàn Guitar của mình.

395b2bce-7d86-4e81-a3ea-41b132cd3df3.jpeg
Thầy Minh hướng dẫn học sinh thực hành trên đàn Guitar.
d5257922-198c-4fe2-a4ba-8d24970a8986.jpeg
Học sinh thực hành.

Theo thầy Minh, thời lượng môn âm nhạc được thực hiện theo phân bố chương trình 70 tiết/năm học, vừa giảng dạy phần lý thuyết và thực hành đầy đủ. Qua 2 năm học triển khai môn âm nhạc, học sinh đã bắt nhịp tốt với chương trình và rất hào hứng khi được học môn âm nhạc. Môn học này giúp học sinh giải tỏa căng thẳng sau mỗi giờ học chính khóa, đồng thời phát hiện năng khiếu, từ đó có định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Tuy nhiên, theo thầy Minh khó khăn hiện nay khi triển khai dạy học bộ môn này là chương trình mới, sách mới, nhiều bộ sách khác nhau nên mỗi trường phải chọn sách học khác nhau. Mặt khác, giáo viên chưa được tập huấn của Bộ GD&ĐT với bộ môn này. Chương trình khá nặng so với các em học sinh THPT và đòi hỏi giáo viên phải có chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy. Mặt khác, hiện nay nhà trường chưa có phòng trang bị các thiết bị để giảng dạy âm nhạc, kinh phí mua nhạc cụ cũng rất khó khăn. “Bên cạnh đó, môn âm nhạc chỉ xét đạt mà yêu cầu của Bộ GD&ĐT muốn đạt học sinh giỏi phải có 6 môn đạt loại giỏi. Vì vậy, khi các em chọn môn nhạc sẽ bị thiệt hơn các em khác. Nếu các em chọn môn khác như công nghệ hay tin học thì điểm các em có thể đạt học sinh giỏi nhiều hơn. Vì vậy năm đầu triển khai các em đăng ký gần 2/3 số học sinh được tuyển vào khối 10. Tuy nhiên qua năm sau đăng ký còn lại 15 em học sinh lớp 10 do sự bất cập đó”, thầy Minh cho biết.

Theo Sở GD & ĐT, hiện nay toàn tỉnh có 28 trường THPT, trong đó có 26 trường công lập đều chưa có giáo viên âm nhạc, trừ Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo có 1 giáo viên. Vì thế năm học 2022-2023 và 2023-2024 môn âm nhạc chưa được triển khai tại các trường. Hiện nay, trong quá trình đi tư vấn tuyển sinh, Sở GD&ĐT luôn khuyến khích học sinh thi vào ngành sư phạm, sau này phục vụ quê hương nếu các em có đam mê. Đồng thời, chủ động phối hợp với các trường sư phạm trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên âm nhạc, mỹ thuật. Cùng với đó, xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển dụng giáo viên đảm bảo số lượng, chất lượng, cân đối cơ cấu đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình GDPT 2018.

THANH THUỶ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Khởi động Tháng Thanh niên 2024: “Áo xanh” tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng
Vào những ngày cuối tháng 2, Tháng Thanh niên năm 2024 với chủ đề “Tuổi trẻ Bình Thuận xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng” đã được Tỉnh đoàn – Hội LHTN Việt Nam tỉnh chính thức khởi động, bắt đầu cho một tháng 3 sôi động, nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngôi trường THPT công lập duy nhất dạy học môn âm nhạc