Theo dõi trên

Ngư dân và Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

09/06/2017, 09:46

BT- 1. Những ngày nắng nóng này, các nhà máy sản xuất điện tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân đóng góp nguồn điện không nhỏ cho khu vực các tỉnh phía Nam. Dù vậy, theo thông tin của cơ quan chức năng hiện nguồn điện vẫn chưa đáp ứng đủ theo nhu cầu thực tế, tức điện vẫn thiếu, có nghĩa nếu không có lượng đóng góp tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân thì sẽ còn thiếu hơn. Tuy nhiên, điều ấy ít người chú ý hơn chuyện tình hình môi trường do các nhà máy này gây nên. Từ khinhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đầu tiên của Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân đi vào hoạt động đến nay, vùng Vĩnh Tân, Vĩnh Hảo đã trực tiếp chịu ảnh hưởng khí thải, khói bụi và những vấn đề khác.

                
Ảnh: N.Lân

Giữa cái được và mất này, ai cũng thấy cái chung được, tức được lớn, còn mất thì mất nhỏ, chỉ có người dân 2 xã Vĩnh Tân, Vĩnh Hảo gánh chịu, quá thiệt thòi cho họ. Làm sao để giúp người dân nơi đây ổn định cuộc sống trước mắt, chuyển đổi nghề nghiệp cũng như tái cơ cấu nghề nghiệp cho sinh kế lâu dài, nhiều ý kiến cho rằng ngoài những thiệt hại đã tìm được nguyên nhân rõ ràng phải đền bù thiệt hại cho dân, còn cần có một loại quỹ để trước hết đơn vị gây ra điều ấy đóng góp kinh phí gọi là hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp hay làm lại từ đầu ở nơi khác. Nhưng lâu nay chưa có hình thức quỹ này nên đơn vị nào có nhã ý đóng góp cũng rất khó, vì không có cơ sở. Đó là nguyên nhân khiến “mối quan hệ” giữa trung tâm nhiệt điện và người dân trong vùng chưa gắn kết.

2. Những ngày qua, khi Chính phủ trình dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) ra Quốc hội, một loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập đã được đề nghị hình thành. Nguồn tài chính hình thành quỹ này sẽ bao gồm tiền thu từ tổ chức, cá nhân khai thác nguồn lợi thủy sản và hoạt động trong các ngành nghề có ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài thủy sản; tiền bồi hoàn do làm suy giảm hoặc mất đi nguồn lợi thủy sản, khắc phục hậu quả sự cố môi trường tác động trực tiếp tới nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản... Vì thế, tên là quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, có vài ý kiến đề nghị cần cân nhắc trong thành lập quỹ này, vì lo ngại chuyện biên chế, hoạt động không hiệu quả…

Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Bình Thuận cho biết, việc ra đời quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại tỉnh là rất cần thiết. Một số doanh nghiệp, tổ chức xã hội hưởng lợi từ biển có tâm huyết rất hưởng ứng điều này, như thời gian qua Công ty xuất nhập khẩu Hải Nam đã chịu bỏ kinh phí để chi cục thực hiện dự án khôi phục lại nguồn điệp quạt trên biển Tuy Phong. Điều quan trọng là quỹ phải xây dựng được quy chế rõ ràng, minh bạch trong thu chi, chỉ chi cho các hoạt động liên quan đến bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chứ không chi cho những hoạt động khác. Nếu có quỹ này, có kinh phí, việc hỗ trợ ngư dân bị thiên tai, chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân, sắp xếp lại hoạt động của nghề cá, cụ thể là phân tuyến, phân vùng đánh bắt trong tỉnh sẽ thực hiện được, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân. Và trước mắt, người dân tại vùng Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân sẽ ổn định cuộc sống cũng như sinh kế lâu dài.

HẢo Chi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngư dân và Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản