Đang cho những chú thỏ trắng xinh ăn loại cây cỏ dại mọc ven đường nhưng là món yêu thích và giàu dinh dưỡng của chúng, anh Trọng tươi cười cho biết: Quê anh ở Quảng Nam. Năm 1979 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc anh hăng hái lên đường nhập ngũ và chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Trong những năm tháng chiến đấu ác liệt tại đây, anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được xuất ngũ vào năm 1982; Lập gia đình năm 1985; Năm 1990, gia đình đã quyết định vào định cư tại khu phố Lạc Hưng 2, thị trấn Lạc Tánh. Với hai bàn tay trắng, 2 con còn nhỏ dại, cuộc sống lúc bấy giờ rất khó khăn, thiếu trước hụt sau. Thế nhưng, bằng ý chí và nghị lực của người lính Cụ Hồ, không khuất phục khó khăn, gian khổ, vợ chồng đã suy nghĩ, bàn bạc, phân công nhiệm vụ để xoay chuyển cái khó, cái khổ. Anh Trọng đã lần lượt thực hiện nhiều mô hình chăn nuôi như nuôi heo, nuôi gà, nuôi chim cút và kể cả nuôi rắn để phát triển kinh tế. Cũng nhờ các mô hình này, kinh tế của gia đình dần ổn định. Đầu năm 2022, từ nguồn vốn xoay vòng 21 triệu đồng của Chi Hội Cựu chiến binh khu phố Lạc Hưng, thị trấn Lạc Tánh, anh Trọng thực hiện mô hình nuôi thỏ theo chuỗi liên kết. Ban đầu nuôi 10 cặp thỏ giống Newzealand. Thỏ giống sinh con anh để nuôi tiếp. Mỗi tháng thỏ mẹ sinh sản 6 thỏ con. Nhờ có kinh nghiệm trong chăn nuôi nên khi thực hiện mô hình theo chuỗi liên kết đã không gặp bất cứ khó khăn gì. Qua gần 2 năm anh đã xuất bán được 300 thỏ thương phẩm, mỗi con có trọng lượng 2kg, với giá 70.000 đồng/1kg. Ngoài ra, còn bán 100 thỏ con giống cho bà con và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Hiện tại, trong chuồng có 40 con thỏ giống, 160 thỏ thương phẩm và nhiều thỏ con giống.
Anh Kim Trọng chia sẻ: Thỏ New Zealand có nhiều ưu điểm như khả năng sinh trưởng, phát triển, sinh sản nhiều, năng suất cao, thịt thơm ngon và cân nặng tối đa có thể đạt tới 6kg/con. Tuy nhiên, vì thực hiện theo chuỗi liên kết nên khi thỏ được 2 kg là hợp tác xã đến thu mua. Bên cạnh đó, để giúp thỏ sinh trưởng và phát triển tốt nhất thì phải tiêm thuốc định kỳ và phun thuốc sát trùng, rắc vôi bột, tẩy rửa chuồng trại hàng tuần để hạn chế dịch bệnh.
Với kinh nghiệm nhiều năm thực hiện các mô hình chăn nuôi với nhiều loài động vật khác nhau, anh Trọng đã tận dụng rất hiệu quả phế phẩm của các loại vật nuôi theo hướng khép kín. Phân thỏ dùng để nuôi trùn quế và bón cho cây trồng. Trùn quế dùng cho gà, cá, heo rừng lai ăn. Nhờ vậy trong khu vực chăn nuôi của gia đình tuy diện tích nhỏ nhưng đảm bảo vệ sinh môi trường. Từ mô hình chăn nuôi tổng hợp khép kín, mỗi năm gia đình anh Kim Trọng thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Cũng nhờ mô hình này kinh tế của gia đình hiện nay đã ổn định. Hai người con của anh đã có việc làm ổn định. Con gái đầu đã có việc làm ở ngoài tỉnh, đứa con trai là giáo viên cấp 3 ở huyện.
Bằng ý chí và nghị lực của người lính bộ đội Cụ Hồ, từ khó khăn anh Kim Trọng đã vươn lên có cuộc sống ổn định. Đồng thời, tích cực tham gia sinh hoạt và có nhiều đóng góp cho chi hội Cựu Chiến binh ở khu phố. Gia đình anh Trọng là một trong những gia đình tiêu biểu ở khu phố Lạc Hưng 2, thị trấn Lạc Tánh.