Theo dõi trên

Người dân cần làm gì khi sổ hộ khẩu hết hạn sử dụng

21/03/2023, 05:24

Sổ hộ khẩu đã bị xóa bỏ từ ngày 1/1/2023. Đây là một bước tiến lớn trong cải cách hành chính, nhằm giảm bớt những phiền hà trong việc thực hiện thủ tục hành chính. Tuy nhiên, bước đầu việc xóa hộ khẩu còn một số khó khăn, vướng mắc cho người dân. Báo Bình Thuận có cuộc phỏng vấn Thượng tá Võ Xuân Bình, Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh xung quanh nội dung này.

20230214_102320.jpg
Người dân đến Công an xã xin giấy xác nhận nơi cư trú.

Sau khi sổ hộ khẩu hết hiệu lực, người dân sử dụng những phương thức nào khi thực hiện các thủ tục hành chính hay giao dịch dân sự, thưa ông?

Thượng tá Võ Xuân Bình: Theo Khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú năm 2020 sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp có giá trị đến ngày 31/12/2022. Ngày 21/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2022/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Tại Điều 14 của Nghị định quy định việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú để giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công được thực hiện bằng một trong các phương thức: Tra cứu, khai thác sử dụng thông tin cá nhân trực tuyến trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC); Sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử chứng minh thông tin cá nhân, nơi thường trú; Sử dụng thiết bị đọc mã QR-code trên thẻ CCCD có gắn chíp; Sử dụng thiết bị đọc chíp trên thẻ CCCD; Sử dụng thông tin tài khoản định danh điện tử mức 2 trên Ứng dụng VNeID; Công dân khi cần giấy xác nhận về nơi cư trú (Gửi yêu cầu xác nhận qua dịch vụ công trực tuyến; Trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú); Sử dụng thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong CSDLQG về DC do Công an xã nơi công dân cư trú cấp.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Công an, Công an tỉnh Bình Thuận đã tham mưu UBND tỉnh bằng văn bản, chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan phối hợp thực hiện và tuyên truyền đến rộng rãi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp biết và sử dụng các phương thức khai thác sử dụng thông tin công dân trên thay cho việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong thực hiện các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Hiện nay bộ phận giải quyết TTHC các cấp đang sử dụng phổ biến phương thức: Tra cứu, khai thác sử dụng thông tin cá nhân trực tuyến trong CSDLQG về DC; Sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử chứng minh thông tin cá nhân, nơi thường trú; Sử dụng thông tin tài khoản định danh điện tử mức 2 trên ứng dụng VNeID.

Với phương thức sử dụng thiết bị đọc mã QR-code trên thẻ CCCD có gắn chíp và sử dụng thiết bị đọc chíp trên thẻ CCCD, đơn giản thuận tiện, nhanh chóng. Tuy nhiên, hiện nay hầu như các cơ quan, tổ chức tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính vẫn chưa được trang bị các phương tiện, thiết bị chuyên dùng để thực hiện việc khai thác thông tin bằng 2 phương thức này. Thời gian tới, để đảm bảo quyền lợi cũng như thuận tiện nhất cho công dân, Công an tỉnh sẽ phối hợp các sở, ngành liên quan tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức trang bị các thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết để khai thác thông tin trên thẻ CCCD gắn chíp phục vụ công tác tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức.

Đối với giấy xác nhận về nơi cư trú (công dân trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú); Thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong CSDLQG về DC do công an xã nơi công an dân cư trú cấp, áp dụng khi nào. Hai cách này chỉ áp dụng nếu các phương thức trên không thể hoặc hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư và dữ liệu chuyên ngành khác chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được việc kết nối và việc trang bị cơ sở vật chất chưa đầy đủ.

Nên một số lĩnh vực vẫn yêu cầu công dân cung cấp giấy xác nhận về nơi cư trú hoặc thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong CSDLQG về DC do Công an xã nơi dân cư trú cấp để hoàn thiện hồ sơ thủ tục hành chính.

Việc người dân hiện vẫn phải sử dụng một số giấy tờ khác thay thế sổ hộ khẩu như: giấy chứng nhận nơi cư trú để xin việc làm, vay vốn ngân hàng, các thủ tục hành chính sang nhượng đất đai… như vậy có đúng, ông có thể giải thích thêm?

Thượng tá Võ Xuân Bình: Hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác như CSDL đất đai, ngân hàng… đang trong quá trình cập nhật và chỉnh sửa để hoàn thiện đồng bộ với DLQG về DC. Cụ thể là: Đối với các trường hợp xin việc làm do các công ty không khai thác được cơ sở dữ liệu dân cư, chưa được trang bị các thiết bị chuyên dùng như: thiết bị đọc chip trên thẻ CCCD; Việc thực hiện các thủ tục hành chính sang nhượng đất đai cần có xác nhận thông tin liên quan đến thành viên hộ gia đình, thời điểm đăng ký cư trú của cá nhân, hộ gia đình thì hệ thống chưa thể khai thác được. Đối với thủ tục vay vốn ngân hàng thì hệ thống ngân hàng vẫn chưa kết nối, khai thác với hệ thống CSDLQG về DC…

Vì thế, thời điểm hiện tại công dân vẫn sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú (bằng 2 cách đến trực tiếp cơ quan đăng ký cư trú hoặc gửi yêu cầu qua cổng dịch vụ công).

Những người lớn tuổi không rành về công nghệ thông tin, không biết chữ thì cần làm gì khi xóa bỏ sổ hộ khẩu?

Thượng tá Võ Xuân Bình: Đến nay 99,95% công dân trên địa bàn tỉnh đã được thu thập, cập nhật đồng bộ thông tin trong CSDLQG về DC, 96,53% công dân đủ điều kiện đã được cấp CCCD. Vì vậy khi thực hiện các giao dịch thủ tục hành chính thì cán bộ, công chức, viên chức, tra cứu khai thác thông tin công dân trên CSDLQG về DC hoặc sử dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử để hoàn thiện hồ sơ.

Các cơ quan có chức năng tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính phân công cho cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ đối với nhóm người lớn tuổi, người không biết chữ, người yếu thế không rành về CNTT… người dân thực hiện thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia trực tuyến nhanh chóng và thuận tiện ngay tại nơi tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính.

Hệ thống CSDLQG về DC quản lý thông tin sử dụng trên phạm vi cả nước, từ Trung ương đến cấp huyện, xã. Ở tỉnh ta sử dụng hệ thống này ổn định, thông suốt chưa thưa ông? Có khó khăn gì khác trong quá trình phục vụ tổ chức, cá nhân khai thác thông qua thẻ CCCD gắn chip?

Thượng tá Võ Xuân Bình: Hệ thống CSDLQG về DC quản lý thông tin công dân trên phạm vi cả nước, ở tỉnh ta Hệ thống CSDLQG về DC đã kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin “Một cửa” điện tử để thực hiện giải quyết TTHC và các yêu cầu chính đáng của cá nhân, tổ chức cũng như công tác quản lý dân cư, phòng chống tội phạm. Thời gian qua việc sử dụng hệ thống này tương đối ổn định. Tuy nhiên tại một số thời gian cao điểm hệ thống truy cập nhiều nên có lúc bị gián đoạn.

Việc khai thác thông tin qua thẻ CCCD gắn chíp điện tử phục vụ cá nhân, tổ chức thực hiện giao dịch cơ bản đạt yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, một số thông tin trong thẻ CCCD thiếu so với yêu cầu như họ, tên cha, mẹ, vợ/chồng, con.

Cảm ơn đồng chí!

NINH CHINH (THỰC HIỆN)


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bỏ sổ hộ khẩu: Có lo ngại dân tràn vào thành thị?
Nhiều người lo lắng, nếu bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân sẽ dẫn đến tình trạng người dân ở các tỉnh lẻ tràn vào các thành phố lớn, gây quá tải.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người dân cần làm gì khi sổ hộ khẩu hết hạn sử dụng