Tỉnh trưởng Tamaki Denny, người được bầu trong cuộc bầu cử Tỉnh trưởng hồi tháng 9/2018 vừa qua, phản đối kế hoạch tái bố trí Căn cứ Không quân Futenma của Thủy quân Lục chiến Mỹ đến khu vực duyên hải Henoko ở thành phố Nago.
Người dân Okinawa phản đối sự tồn tại của không quân Mỹ. Ảnh: CNN |
Trước đó, ngày 31/10, tỉnh Okinawa thuộc phía Tây Nam Nhật Bản ra chỉ thị kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý về kế hoạch tái bố trí căn cứ Mỹ của chính quyền trung ương. Việc bỏ phiếu sẽ diễn ra trong vòng 6 tháng, tức là trước cuối tháng 4/2019.
Dự kiến 41 đơn vị hành chính trong tỉnh sẽ cung cấp nhân lực phục vụ trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, 4 thành phố, trong đó có thành phố Ginowan nơi có căn cứ Futenma, vẫn chưa công bố có tham gia hay không.
Giới chức của tỉnh đang nỗ lực phối hợp với 4 thành phố nói trên để tổ chức trưng cầu dân ý tại mọi đơn vị trong tỉnh.
Căn cứ Futenma từng gây tranh cãi liên quan đến việc 3 quân nhân Mỹ năm 1995 đã bắt cóc và cưỡng hiếp một bé gái địa phương 12 tuổi. Gần đây, năm 2016, một công nhân quốc phòng Mỹ đã cưỡng hiếp và giết hại một cô gái 20 tuổi. Cũng vào năm đó, Hải quân Mỹ bị cấm uống rượu sau khi một viên chức bị bắt vì lái xe quá tốc độ. Và năm 2017, một lệnh cấm khác đã có hiệu lực sau khi một lính Hải quân Mỹ say xỉn đã khiến một người đàn ông 61 tuổi thiệt mạng trong một vụ tông xe.
Những tai nạn này cùng với nhiều sự việc khác, một số sự việc trong đó liên quan đến những mảnh vỡ máy bay Mỹ rơi xuống khu vực Okinawa đã gây nên sự phản đối của người dân địa phương với sự hiện diện của 31 cơ sở quân sự lớn của Mỹ trên hòn đảo này. Dù vậy, mối quan hệ thân thiết giữa Tokyo và Washington là điều không dễ thay đổi. Tuy Nhật Bản vẫn đang nỗ lực củng cố lực lượng vũ trang nhưng Tokyo vẫn coi Washington là một đồng minh quan trọng khi đối mặt với những đe dọa từ phía Trung Quốc và Triều Tiên.
Bùi Hùng/VOV