Theo dõi trên

Người “giữ lửa” cho tiếng Raglai

03/08/2018, 09:04

BT- Chị Mẫu Thị Bích Phanh đã dành gần trọn cuộc đời mình tâm huyết “giữ lửa” tiếng nói của đồng bào dân tộc Raglai ở các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận... rộng ra là Nam Trung bộ.

Đến thăm chị tại nhà riêng ở thôn Ma Hoa (Phước Đại, Bác Ái, Ninh Thuận), chúng tôi thấy chị đang nghiên cứu, đối chiếu tài liệu biên soạn các câu giao tiếp phổ thông từ tiếng Raglai sang mẫu tự La-tinh. Chị sử dụng bộ tài liệu “Sách học tiếng Raglai” và “Từ điển Việt - Raglai” do Sở Khoa học - Công nghệ Ninh Thuận phối hợp Viện Từ điển học và Bách Khoa thư Việt Nam thực hiện. Chị cũng tham chiếu tài liệu “Bài học tiếng Raglai” do Viện Chuyên khảo ngữ học miền Nam ấn hành, để biên soạn tài liệu bồi dưỡng tiếng Raglai cho cán bộ công tác ở các xã miền núi có người Raglai sinh sống. Nội dung tài liệu được thiết kế theo nhóm chủ đề: Đảng và Bác Hồ, gia đình, dòng tộc, làng xã, thiên nhiên, môi trường, văn hóa dân tộc, đất nước, con người, lao động - sản xuất, khoa học và giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ Tổ quốc. Hoàn thành khóa học với thời lượng 450 tiết, học viên có thể nghe hiểu và trao đổi với đồng bào Raglai một số vấn đề phổ thông trong cuộc sống.

                
Chị Mẫu Thị Bích Phanh tâm huyết nghiên    cứu, biên soạn tài liệu giảng dạy tiếng Raglai.

Trao đổi với người phụ nữ tâm huyết với tiếng Raglai, chúng tôi được biết từ năm 1960, khi vừa tròn 12 tuổi, chị được tổ chức đưa ra Hà Nội học tập tại Trường học sinh miền Nam. Sau khi tốt nghiệp THPT, chị thi đỗ vào ngành bác sĩ đa khoa của Trường Đại học Thái Nguyên, niên khóa 1970 - 1976. Sau khi tốt nghiệp, chị Phanh trở về quê hương làm bác sĩ điều trị rồi làm Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn kiêm Trưởng Phòng Y tế huyện. Chị được nhân dân tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa VIII, nhiệm kỳ 1987 - 1992. Sau khi nghỉ hưu vào cuối năm 2004 tới nay, chị dành trọn quỹ thời gian cho công tác nghiên cứu, sưu tầm tiếng nói Raglai và biên dịch từ tiếng Raglai sang tiếng Việt bộ sử thi Cakalang VangPơt- Cakalang VangPơ. Người Raglai ở Việt Nam có khoảng 122.245 nhân khẩu, sinh sống tập trung  ở các tỉnh Khánh Hòa 45.915 người, Ninh Thuận 58.911 người, Bình Thuận 15.440 người. Chị Phanh đã tham gia biên soạn tài liệu La-tinh hóa tiếng nói Raglai cho 2 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận. Chị sẵn sàng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nếu tỉnh Bình Thuận có nhu cầu dạy tiếng Raglai cho cán bộ, giáo viên công tác vùng đồng bào Raglai.

 Chị Mẫu Thị Bích Phanh cho biết thêm, trong thời gian tới chị tiếp tục dành thời gian nghiên cứu, sưu tầm bổ sung từ vựng, lời hát ru, tục ngữ vào kho tàng tiếng nói Raglai ngày càng phong phú. Tiếng nào đồng bào Raglai có thì gìn giữ đưa vào giao tiếp trong đời sống cộng đồng; tiếng nào chưa có thì phải mượn tiếng Việt để sử dụng. Vì tình cảm thiết tha với tiếng mẹ đẻ, chị mong muốn tiếng nói Raglai được bảo tồn và ngày càng phát triển tạo nên sự phong phú trong đời sống văn hóa  của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

 Sơn Ngọc



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người “giữ lửa” cho tiếng Raglai