Theo dõi trên

Người mê chim thôn Quảng Thuận

02/12/2022, 05:38

Nhà của ông bà Nguyễn Ánh, Nguyễn Thị Gái là tiệm sửa xe đạp lâu năm ở thôn Quảng Thuận, xã Đức Thuận, huyện Tánh Linh. Hơn 25 năm qua, người dân quanh vùng ai cũng biết đến ông chủ tiệm với biệt danh “Ánh Chim” vì thú mê tiếng hót của chim đến lạ lùng của ông. Và thú đam mê ấy đã lần hồi lan truyền sang các thành viên trong gia đình.

Nhà ông Ánh cách khu rừng Núi Ông khoảng 30 cây số, cứ cuối tuần là ông mang cơm nước lên chiếc xe honda cà tàng rong ruổi vào rừng. Ông lang thang nghe chim hót, nhìn ngắm chúng nên thuộc lòng từng khu vực, tập tính và đường bay quen thuộc của từng loài chim.

choi-chim.jpg
Ảnh minh họa.

Tiếp chúng tôi ngay trong khu vườn ríu ran tiếng chim hót của mình, ông Ánh say sưa nói về tiếng hót, về nhịp điệu hót của từng loài chim, hay nhất là ông thao thao về tập tính của các loài, các nhóm loài bay, chạy, bơi.

Ông nói: “Nhìn mỏ chim có thể biết thức ăn của chúng, mỏ ngắn, khỏe thường ăn hạt, mỏ cong, sắc thường ăn thịt… Nhìn cách bay có thể đoán từ xa đó là loài chim gì, chẳng hạn đập cánh liên tục thuộc nhóm sẻ, chích chòe, bay lượn thuộc nhóm diều hâu, cú muỗi, bơi lặn thuộc nhóm vịt trời, cốc, le le… Hoặc vào rừng nhìn thấy lông chim cũng có thể đoán được một số điều, ngoài những loài chim săn mồi lớn thay lông một lần trong năm, đa phần còn lại là thay hai lần. Hầu hết chim thay lông lần lượt theo kiểu ly tâm, trong trước ngoài sau, nhưng cũng có loài thay toàn bộ cùng lúc, (nên có thời gian chúng không bay được, rất dễ bị các loài khác tấn công), hay nhìn thấy lông bụng của chim rụng nhiều là biết có tổ gần đó vì chim ấp phải rụng lông bụng để tạo thành “vết ấp” dưới bụng….”.

Ông Ánh dẫn chúng tôi đi quanh cả một khu vườn rộng (ngoài nghề sửa xe đạp, nguồn thu nhập chính của gia đình ông là khu vườn điều, sầu riêng và sào rưỡi ruộng), từ dưới đất đến tít trên các nhánh cây cao, đâu đâu cũng có các lồng chim to nhỏ khác nhau. Ông Ánh và bà Gái phải luôn miệng gọi tên từng loài cho chúng tôi nhận dạng: Con này là khướu, nhóm này là chích chòe, hai lồng dưới thấp là “than bông”, trên cao là “đất”, “lửa”; còn đây là mấy con chào mào, bồ chao. Quanh quanh cây sầu riêng này là các loài chim sâu, con này “thanh tím”, con này “hột mít”, con này “đầu đỏ”, con kia “đầu xanh”. Mấy lồng treo gần đường đi này là nhồng, sáo đá, sáo sậu, cưỡng. Chỗ hai cây điều lớn là 27 con cu đất. Bên bờ ao là mấy em “cuốc”, “gà nước”…

Ông Ánh rót thêm một lượt trà cho chúng tôi (cùng đi với tôi là ông Trần Duệ, người địa phương), đoạn ông tâm sự: Vợ con thương mình nên chiều theo rồi lâu dần cũng mê theo luôn, chớ cái nỗi đam mê này cực lắm. Hiện thằng con trai chuyên lo tìm thức ăn cho chim, ngoài cám, thóc còn phải đi vợt cào cào, châu chấu. Bà xã thì ở nhà phụ tôi đưa lồng chim ra vườn và đưa vào khi trời chuyển mưa. Thật ra, nếu tôi bán thì cũng có tiền bù đắp, đằng này mình thương quá không bán được, đưa chúng nó từ rừng về khi chúng bị rơi, bị thương, bệnh tật, chăm nuôi cho chúng khỏe mạnh lại thả vào rừng cho chúng sinh sôi, nảy nở. Nuôi để thả mà! Cái vòng tròn lặp đi lặp lại ấy làm cho quanh năm suốt tháng, cả nhà tôi cứ tất bật. Vất vả và nghèo một chút nhưng cứu được đám chim trong lòng vui lắm. Kệ! Nhiều người nói tôi khùng tôi chỉ cười trừ. Nhìn cánh chim khỏe mạnh bay vụt về rừng, nghe tiếng hót lảnh lót, điệu nghệ của chúng trong góc rừng xanh tốt là lòng tôi lâng lâng hạnh phúc rồi. Chẳng phải đó là phần thưởng sao?!

“Nuôi để thả”, ngay cả khi viết xong bài ghi chép này, tôi cũng chỉ lý giải được câu chuyện “nuôi để thả” của ông “Ánh Chim” và cả vợ con ông, đó là câu chuyện về tình yêu thiên nhiên vô bờ bến. Ông bà Nguyễn Ánh - Nguyễn Thị Gái là những người nông dân chân chất, mộc mạc, họ âm thầm làm tất cả vì tình yêu thiên nhiên của mình mà không để tâm đến lời khen chê của người đời. Câu chuyện nho nhỏ ấy làm cho tôi cảm động nên giữ bàn tay thô ráp của ông thật lâu trong tay mình khi từ giã. Hôm nay tiếp chúng tôi ông Ánh vui lắm, tôi đã vài lần thấy ánh mắt người đàn ông 55 tuổi này sáng lên, long lanh, chợt ông khe khẽ: “Ngày nào không có tiếng chim hót chịu không nổi ông à!”. Quả thật yêu tức không toan tính được mất và tất nhiên đó cũng chính là lẽ sống. Nuôi chim khỏe mạnh để rồi lại thả chim về rừng, đó là lẽ sống của ông bà “Ánh Chim” thôn Quảng Thuận mà trong chuyến đi này bởi “duyên lành” nên tôi được gặp.

GHI CHÉP: NGUYỄN TÂN HẢI


(1) Bình luận
Bài liên quan
Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh
Di sản “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vừa được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) thông qua và ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào tối 29/11. Như vậy, đây là nghề thủ công truyền thống đầu tiên của Việt Nam được đề cử và ghi danh.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người mê chim thôn Quảng Thuận