Theo dõi trên

Người thầy “truyền lửa” đam mê âm nhạc

24/02/2023, 05:56

Chương trình “Giáo dục phổ thông năm 2018” theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT triển khai thực hiện đến nay gần tròn bốn năm học.

Tỉnh Bình Thuận đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, chuẩn hóa thiết bị dạy và học, xây dựng đội ngũ, tăng cường chuyển đổi số cơ sở dữ liệu phục vụ. Trong yêu cầu mới buộc đội ngũ giáo viên phải có sự linh động, đổi mới phương pháp giảng dạy. Xu thế dạy học tập trung phát triển năng lực học sinh, đặc biệt là năng lực tự chủ và tự học, hợp tác và giao tiếp... đã thực sự là thách thức lớn đối với giáo viên. Thực tế trên địa bàn toàn tỉnh có nhiều thầy cô đã trở thành tấm gương không ngừng học tập và sáng tạo, phát huy tốt vai trò của mình trên bục giảng, trong đó có thầy Hà Minh Tú, Tổ phó Cốt cán Chuyên môn Âm nhạc tỉnh Bình Thuận, giáo viên âm nhạc Trường TH-THCS Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam.

minh-tu.jpg
Thầy giáo Hà Minh Tú đang dạy tiết âm nhạc cho học sinh lớp 7.

Qua tiết dạy chuyên đề cấp tỉnh môn âm nhạc cấp THCS

Thầy giáo Hà Minh Tú sinh ngày 22/1/1982 trong một gia đình nông dân ở giáo xứ Hòa Vinh, thị trấn Thuận Nam. Từ nhỏ, khi còn học lớp 5, thầy đã tham gia ca đoàn nhà thờ, tự học chơi đàn organ và chính thức đánh đàn cho nhà thờ ba năm sau đó. Thầy tốt nghiệp loại giỏi Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa Âm nhạc, năm 2015; không chỉ giảng dạy thầy còn là người có nhiều đóng góp cho hoạt động văn nghệ tại địa phương. Nhiều học trò của thầy đi theo con đường âm nhạc, có người đã thành ca sĩ, chẳng hạn như em Nguyễn Hoàng Hành Tiên, đang là sinh viên năm cuối Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, em Thu Tuyết đạt quán quân Giải Bolero Bình Thuận, em Trần Mỹ Kiều, quán quân cuộc thi đơn ca do Đài Truyền hình GCTV thành phố Hồ Chí Minh tổ chức…

Hiện thầy Tú đang công tác tại Trường TH-THCS Hàm Cường, Hàm Thuận Nam. Thầy có hai năm liền đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” cơ sở. Ngoài việc dạy học thầy Tú còn thường xuyên tham gia dàn dựng chương trình văn nghệ cho địa phương, nhiều tiết mục tham gia cấp tỉnh đạt giải cao như Liên hoan đàn organ Bình Thuận 2022...

Ngày 10/2/2023, chúng tôi được tham dự một tiết thao giảng của thầy Tú tại Trường TH-THCS Hàm Cường, đây là tiết dạy mẫu trong phạm vi Hội nghị Chuyên đề Âm nhạc cấp trung học cơ sở, năm học 2022 – 2023. Trước sự chứng kiến, dự giờ của hơn 60 thầy cô giáo âm nhạc toàn tỉnh (là những giáo viên cốt cán môn âm nhạc cấp huyện hoặc tổ trưởng môn âm nhạc cấp THCS), 45 phút dạy và học đã hoàn thành, đạt yêu cầu cao. Với sự hướng dẫn của thầy, tiết dạy âm nhạc lớp 7: “Đọc nhạc, luyện quãng theo mẫu; Bài đọc nhạc số 5 - Nhạc cụ: Hòa tấu” đã trở nên sôi nổi, hào hứng, mức độ tương tác giữa thầy và trò diễn ra một cách tự nhiên. Việc thực hành chuẩn xác, nhịp nhàng của học sinh là kết quả của một quá trình truyền thụ kiến thức âm nhạc bằng phương pháp đổi mới của một thầy giáo tâm huyết với nghề. Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với cách sáng tạo tự chế dụng cụ học tập của học sinh. Với sự hướng dẫn sáng tạo của thầy, các em đã tự làm hai thanh phách bằng tre, lục lạc bằng các khoen nắp chai bia, maracas làm bằng đậu xanh và chai nhựa (gọi là nhạc cụ xanh), trống làm bằng lon sữa lớn hoặc hộp bánh, hộp thuốc...

Cô Nguyễn Thị Toàn Thắng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Bình Thuận trao đổi với chúng tôi: “Thầy giáo Hà Minh Tú là tấm gương không ngừng học tập và sáng tạo trong giảng dạy môn âm nhạc. Qua tiết dạy và quá trình dạy học nhiều năm cho thấy thầy Tú rất vững vàng về chuyên môn. Ngoài ra, thầy còn tham gia nhiều hoạt động của ngành, là Tổ phó cốt cán Âm nhạc tỉnh Bình Thuận, là thành viên giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền. Thầy có nhiều sáng tạo trong dạy học bộ môn âm nhạc: Hướng dẫn học sinh làm nhạc cụ tự chế cho môn âm nhạc khối 6, 7 để dạy tiết chuyên đề Âm nhạc cấp tỉnh đổi mới phương pháp dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 được các giáo viên trong và ngoài tỉnh quan tâm và đánh giá cao; làm nhiều MV mẫu (học liệu mẫu) làm tư liệu dạy học bộ môn âm nhạc sử dụng trong toàn tỉnh... Thầy giáo Hà Minh Tú là một nhà giáo có trách nhiệm, có đam mê, có tinh thần đổi mới và sáng tạo trong công tác chuyên môn của mình; không ngừng tự học, tự nghiên cứu để nâng cao chất lượng bài dạy; nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp. Thầy giáo Hà Minh Tú là một nhà giáo có uy tín và đáng tuyên dương trong đội ngũ các nhà giáo hết mình vì sự nghiệp trồng người của ngành giáo dục tỉnh nhà”.

tu.jpg

Cô Nguyễn Thị Hương - Phó Trưởng phòng Giáo dục Hàm Thuận Nam cũng đánh giá cao những đóng góp của thầy Tú và chia sẻ: Thầy luôn sáng tạo trong cách dạy học và truyền đạt cảm hứng cho học sinh yêu mến môn âm nhạc. Thầy còn là giáo viên dạy mẫu chuyên đề Âm nhạc địa phương tại tỉnh Bình Thuận và đã tạo ra nhiều học liệu video clip để các giáo viên trong và ngoài huyện có thể sử dụng làm tư liệu dạy học môn Âm nhạc. Nhờ những nỗ lực và tâm huyết của thầy, nhiều học sinh có năng khiếu âm nhạc đã được thầy định hướng theo đuổi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp và đã gặt hái được những thành tích trong sự nghiệp.

Tương tác và lan tỏa

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là một trong những chương trình mới được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam, được xây dựng trên quan điểm coi mục tiêu giáo dục phổ thông là giáo dục con người toàn diện, giúp học sinh phát triển hài hòa về đức, trí, thể, mĩ...

Tại Hàm Thuận Nam, chương trình này đã, đang được triển khai và bước đầu thu được những thành quả nhất định. Mục tiêu tập trung vào phát triển kỹ năng tự học, tư duy sáng tạo và trách nhiệm cá nhân cho học sinh. Điều này giúp cho học sinh có thể học tập hiệu quả hơn, cải thiện khả năng giải quyết vấn đề và đưa ra những ý tưởng mới mẻ.

Đội ngũ giáo viên tại Hàm Thuận Nam đã nỗ lực tạo ra một môi trường học tập tích cực và sáng tạo.

Với vai trò Tổ trưởng tổ Cốt cán môn Âm nhạc tại huyện Hàm Thuận Nam, thầy Tú đã tham gia tích cực vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương và đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi như Hoa Phượng Đỏ cấp tỉnh, Liên hoan đàn organ cấp tỉnh và nhiều cuộc thi khác.

Các tiết dạy đầy tính sáng tạo của thầy Tú được thầy quay video đưa lên các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo nhận được sự tương tác rất lớn, có những clip lên đến bốn, năm ngàn người xem và chia sẻ.

Thầy Đỗ Thanh Hiên - Tổng chủ biên sách Âm nhạc bộ sách Cánh Diều, sau khi xem qua tiết dạy của thầy Hà Minh Tú tại Trường TH-THCS Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, trong phạm vi “Hội nghị Chuyên đề môn Âm nhạc, cấp trung học cơ sở”, ông đã xin phép đăng lại trên trang của mình và nhận xét: “Tôi theo dõi trang của thầy Tú đã lâu, thầy ấy là một giáo viên giỏi chuyên môn, tâm huyết với nghề, để đạt được kết quả như vậy là phải có cả quá trình dạy học sinh rất cẩn thận và luôn tạo được hứng thú cho các em. Thầy cũng có nhiều sáng tạo trong dạy học. Đối với chương trình sách giáo khoa mới, bước đầu đạt được như vậy là quá tốt và là cả một sự nỗ lực lớn (vì cơ sở vật chất còn chưa được trang bị đầy đủ theo Thông tư 38 của Bộ GD-ĐT về Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu; đồng thời lứa học sinh này cũng chưa phải là lứa học sinh được học theo chương trình mới từ tiểu học lên). Vì vậy không chỉ tiết thao giảng này, với các tiết dạy trước đó, tôi cũng thường xin phép thầy Tú đăng lại trên trang mình như một minh chứng cho sự thành công của bộ sách”.                                        

Thầy Nguyễn Trọng Nghĩa, Tổ trưởng tổ Cốt cán chuyên môn Âm nhạc tỉnh Bình Thuận nhận xét: “Thầy Hà Minh Tú là một thành viên cốt cán âm nhạc có tâm, nhiệt tình, yêu nghề, có nhiều đóng góp cho công tác chuyên môn của tỉnh, là một trong những thầy giáo tiên phong áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Thầy Tú ham học hỏi, tìm tòi các phần mềm làm đồ dùng dạy học, hướng dẫn học sinh sáng tạo nhạc cụ phục vụ chương trình thay sách 2018 khi chưa được cung cấp nhạc của chương trình đổi mới. Về phương pháp dạy học, thầy Tú luôn tích cực để truyền đạt kiến thức đến học sinh, luôn sáng tạo một cách hiệu quả trong các bước lên lớp nên những tiết dạy của thầy luôn tạo hứng thú cho học sinh học tập, học sinh thêm yêu thích môn âm nhạc.  

Thầy Nguyễn Thành Trung - Tổ trưởng Tổ Giáo viên Cốt cán môn Âm nhạc huyện Đức Linh nói về các tiết dạy của thầy Tú đã được đưa lên mạng: “Thầy Tú tổ chức tiết học sinh động, hiệu quả. Học sinh tiếp thu kiến thức tốt, phát huy được phẩm chất và năng lực của mình. Trong phần kiểm tra, đánh giá, học sinh thực hiện rất tốt yêu cầu giáo viên đặt ra. Học sinh vừa trải nghiệm, vừa phát huy khả năng sáng tạo của mình. Hầu hết các tiết, cả tiết thao giảng đạt kết quả rất tốt”.

Không chỉ được đồng nghiệp đánh giá cao và quý mến, thầy Tú còn được học trò kính trọng. Chúng tôi nối điện thoại đến em Nguyễn Hoàng Hành Tiên, đang là sinh viên năm cuối Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, em tự hào nói: Thầy Tú luôn tận tụy, hết lòng vì học trò. Các tiết dạy của thầy luôn tạo cho chúng em sự thích thú vô cùng, thầy sáng tạo, vui vẻ, yêu thương… Em còn nhớ những ngày còn học dưới mái trường phổ thông, tụi em cứ trông đến tiết của thầy…”. Bằng tình yêu âm nhạc và yêu nghề thầy Hà Minh Tú đang từng ngày miệt mài truyền ngọn lửa đam mê âm nhạc đến các thế hệ học trò. Nhưng để có được sự toàn tâm toàn ý đó phải có một chỗ dựa vững chắc là gia đình. Nghĩ vậy nên chúng tôi ghé thăm nhà thầy, đó là một ngôi nhà nhỏ, đơn sơ tọa lạc ở xã Hàm Minh. Vợ thầy Tú, cô giáo Lê Nguyễn Trân Nhi, hiện công tác tại Trường THCS Thuận Nam tâm sự: “Chúng em cùng là đồng nghiệp và cùng dạy âm nhạc nên dễ dàng thông cảm và chia sẻ với nhau những khó khăn. Em ủng hộ chồng bằng tất cả những yêu thương mà mình có được!” Vợ chồng thầy Tú sống yên ấm, hạnh phúc, họ có hai con Hà Lê Uyên Như và Hà Lê Gia Linh, cả hai đều học giỏi và có năng khiếu ca hát, cũng đã đạt nhiều giải thưởng dành cho học sinh. 

Có động lực, đam mê, năng khiếu thôi chưa đủ, truyền được ngọn lửa đam mê âm nhạc và dìu dắt nhiều thế hệ học sinh say mê âm nhạc là một lựa chọn không dễ dàng gì. Trên con đường nhiều trăn trở đó, thầy Hà Minh Tú như người đưa đò bền bĩ, dốc toàn tâm toàn lực cho từng chuyến đò mình yêu thương. Và giá trị đó đã được lãnh đạo, đồng nghiệp, học trò nhiều thế hệ ghi nhận, lan tỏa.

NGUYỄN HIỆP


(13) Bình luận
Bài liên quan
Tục thờ sinh thực khí trong tín ngưỡng phồn thực
Tín ngưỡng phồn thực là tín ngưỡng cầu sinh sôi, nảy nở cho cây trồng, vật nuôi và sự no đủ của cư dân nông nghiệp thời cổ đại. Một số dân tộc kéo dài tín ngưỡng này đến ngày nay, trong đó có người Việt và người Chăm dưới hai dạng biểu hiện là thờ cơ quan sinh dục nam, nữ được coi là thờ sinh thực khí biểu thị sự tái tạo muôn loài, sự bảo tồn nòi giống và vạn vật của vũ trụ.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người thầy “truyền lửa” đam mê âm nhạc