Người Việt thờ sinh thực khí
Biểu tượng sinh thực khí được tìm thấy trong các di tích khảo cổ bằng đá, gốm, kim loại vô cùng phong phú và nhiều dạng thức khác nhau thể hiện sự sáng tạo của tiền nhân. Tiêu biểu là trong văn hóa khảo cổ Đông Sơn trên nắp của thạp đồng Đào Thịnh miêu tả từng cặp trai gái đang giao duyên, được miêu tả chân thực và sinh động. Cách đây hơn 2000 năm, người Việt cổ đã đúc tượng chính mình trong tư thế phồn thực tự nhiên: nam cởi trần, tóc xõa, đóng khố mà dây khố còn thấy vương hai vòng quanh eo. Trong lúc giao hoan mà bên hông người nam vẫn còn đeo dao găm.
Đó cũng là nghi lễ vòng đời ngày càng được hoàn thiện về ý nghĩa và nghệ thuật, được khắc lại thành hoa văn trên mặt trống đồng, chạm khắc trong đình và lan tỏa, truyền kỳ trong dòng chảy của văn hóa dân tộc như một thứ tín ngưỡng hơn cả một số tôn giáo du nhập vào sau này.
Cho đến ngày nay hình ảnh sinh thực khí vẫn xuất hiện trong nhiều lễ hội dân gian của các làng quê, mà thực chất là hình ảnh cơ quan sinh dục nam và nữ được hình tượng hóa, đặc trưng hóa thành các biểu tượng, được người dân gọi là nõ và nường. Những hình tượng sinh thực khí ở mỗi lễ hội, mỗi làng quê, được tạo ra khác nhau về vật liệu, chất lượng và kích thước nhưng chúng đều không nằm ngoài quy luật chung của biểu tượng âm dương mà tổ tiên đã ngầm định với nhau từ hàng ngàn năm nay.
Việc tôn thờ tín ngưỡng phồn thực trong các lễ hội dân gian của người Việt phong phú và có nhiều cách thức khác nhau. Có nơi, người ta đặt lên bàn thờ những biểu tượng âm dương rồi mang ra diễn trò khi tổ chức lễ hội; có nơi người dân chế tác những hình sinh thực khí to ngoại cỡ để làm lễ rước long trọng, hoặc người ta thờ bằng cách tổ chức rước, cướp hình sinh thực khí để cầu tự, cầu may.
Ở phía Bắc nước ta có hai lễ hội phồn thực nổi tiếng nhất là Linh tinh tình phộc (Phú Thọ), lễ hội Ná Nhèm (Lạng Sơn) mỗi lần tổ chức có hàng vạn lượt người đến tham dự lễ hội.
Lễ hội “Linh tinh tình phộc” hay còn gọi là “Lễ hội Trò Trám” được tổ chức thường niên vào các ngày 11 và 12 tháng giêng hàng năm tại xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Đúng 0 giờ, khoảnh khắc giao thời từ ngày 11 sang ngày 12, chủ tế miếu Trò sẽ làm lễ và mang 2 linh vật nõ - tượng trưng cho bộ phận sinh dục nam và nường – tượng trưng cho bộ phận sinh dục nữ ở trong cung xuống. Một đôi vợ chồng trong làng sẽ được chọn để thực hiện nghi thức lễ Mật. Để cho linh thiêng, khi tắt đèn, chủ tế hô vang “Linh tinh tình phộc”, 2 linh vật là nõ và nường sẽ đâm vào nhau. Nếu cả 3 lần nõ đều đâm trúng nường, người dân quan niệm cả năm đó sẽ được may mắn và làm ăn phát đạt.
Còn ở lễ hội Ná Nhèm (Lạng Sơn) bộ sinh thực khí nam (Tàng thinh) và sinh thực khí nữ (Mặt nguyệt) được rước từ đình ra miếu sau Tết Quý Mão vừa qua. Kích thước Tàng thinh dài khoảng 1,3m, đường kính 30 cm và nặng chừng 60 kg. Tàng thinh được các nghệ nhân chạm trổ y như thật, sơn màu hồng nhạt, thắt nơ. Nhiều cô gái đỏ mặt khi thấy linh vật được rước ra từ đình vào miếu, hàng trăm người dân địa phương và du khách vẫn cố sờ vào cầu cho may mắn trong năm, nhất là những người hiếm muộn.
Lễ hội Ná Nhèm được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2015 đã khẳng định tính độc đáo, hấp dẫn của hoạt động này. Dòng lễ hội này không chỉ thể hiện ước mơ về sự sinh sôi, nảy nở cầu mong cuộc sống đầy đủ no ấm mà sâu xa còn tượng trưng cho khát vọng được tự do yêu đương, vượt qua những hủ tục phong kiến hà khắc của người xưa.
Người Chăm thờ sinh thực khí
Với người Chăm việc thờ sinh thực khí được cụ thể ra dưới dạng linga - yoni, tổ tiên họ ví như cội nguồn sáng tạo, linga - yoni trở thành biểu tượng sống động về tín ngưỡng phồn thực, thể hiện sự hòa hợp âm dương nhằm cầu mong vạn vật sinh sôi nảy nở sung túc cùng khát vọng vạn vật luân hoàn.
Trên những vùng đất xưa của vương quốc Chămpa, bắt đầu từ Quảng Bình vào đến Bình Thuận, hầu như nơi nào cũng phát hiện được những bệ thờ linga – yoni trên những nền tháp hoang tàn. Tại Bình Thuận với nhiều biến động của lịch sử, đến nay số lượng linga - yoni còn lại không nhiều. Hiện có khoảng 10 bệ thờ như vậy có từ thế kỷ VIII, IX và X đa phần phát hiện trong khoảng 30 năm qua. Những biểu tượng này phản ánh đầy đủ và sinh động các kiểu dáng và quan niệm thẩm mỹ về tín ngưỡng phồn thực.
Khoảng một nửa như vậy có kích thước vừa phải, gọn gàng để đặt trong các tháp có kích thước vừa phải dạng như tháp Pô Dam (Pô Tằm). Số còn lại có kích thước khá lớn như bệ thờ linga – yoni ở tháp Pô Sah Inư, yoni có chiều dài mỗi cạnh của hình vuông 43 x 43 cm, cao 20 cm. Linga có chiều cao 35 cm, đường kính 20 cm. Ước khoảng 500 - 600 kg. Cá biệt bệ thờ linga – yoni phát hiện được ở đình làng Hòa Thuận, huyện Bắc Bình mặc dù bị mất phần đầu linga nhưng khi cẩu để đưa về bảo tàng có trọng lượng hơn 900 kg.
Tín ngưỡng và nghệ thuật điêu khắc Chăm kể từ thế kỷ XIV về sau chuyển qua một dạng khác về phồn thực: Việc thờ các vị vua chúa không còn ở dạng bệ thờ linga – yoni nữa mà thay vào đó là trong các đền thờ, thờ chính các vị vua đó. Không còn trụ linga chung chung gắn trên bệ yoni nữa, thay vào đó là tượng chính các vị vua được thờ.
Trường hợp này chúng ta thấy phần trước trụ linga ở tháp Pô Klong Garai không còn trơn như những trụ linga của các thế kỷ trước đó. Thay vào đó là khuôn mặt của vua Pô Klong Garai (1151 - 1205). Loại trụ linga như vậy gọi là Mukha – Linga được xem là sự kết hợp giữa vương quyền và thần quyền.
Từ thế kỷ XVII trở về sau loại bệ thờ truyền thống linga – yoni của người Chăm không còn nữa. Những vị vua thời kỳ này được tạc tượng chính mình nhưng phải gắn trên bệ yoni, như tượng vua Pô Nit, tượng vua Pô Klong Mơh Nai, tượng vua Pô Klong Khul được điêu khắc đầy đủ từ phần thắt lưng trở lên và gắn trên bệ yoni rất hoành tráng. Điều đó chứng tỏ rằng dù hình tượng linga thay đổi từ trụ linga sang mukha – linga rồi sang giai đoạn cuối là linga biến thành nguyên cả tượng người thì tín ngưỡng và nghệ thuật điêu khắc Chăm vẫn giữ nguyên ý nghĩa của tín ngưỡng phồn thực có gần 1.500 năm trước của tổ tiên.