Theo dõi trên

Người truyền lửa văn nghệ dân gian Chăm

15/05/2018, 16:13

BTO- Đến Trung tâm văn hóa – Thể thao huyện Bắc Bình vào những ngày cuối tuần hay những buổi tối, bạn sẽ bắt gặp những hình ảnh đẹp. Từng nhóm thiếu nhi người Chăm quây quần bên nhau để hòa mình vào các điệu múa, các nhạc cụ của dân tộc mình. Nam thì tay trống, tay chiêng, nữ thì múa quạt tạo nên một không gian văn nghệ rất nhộn nhịp.

Cửu Đặng Long An – Một nghệ sỹ đang công tác tại Trung tâm văn hóa huyện Bắc Bình là người khởi xướng và cũng là người truyền lửa cho các em thiếu niên, nhi đồng nơi đây. Sinh ra và lớn lên tại thôn Bình Hiếu, từ lúc còn ấu thơ, Long An thừa hưởng tình yêu nghệ thuật của cha là ông Cửu Lạc, khá nổi tiếng trong số người đánh đàn dân tộc. Khi lớn lên, An tham gia văn nghệ của trường, văn nghệ của thôn trong những dịp lễ hội Kate của người Chăm và cứ thế niềm đam mê văn nghệ lớn dần trong anh. Thưởng thức âm thanh riêng biệt của từng nhạc cụ dân tộc trong các nghi lễ: Richaprong, Richa nugar, tận mắt nhìn thấy những điệu múa của dân tộc mình nên giờ đây anh đã là một nghệ sỹ sau khi tốt nghiệp trường đại học văn hóa.

Với mong muốn truyền lại niềm đam mê và những kiến thức về các nhạc cụ dân tộc, những vũ điệu Chăm, anh đã rong ruỗi khắp nơi để tìm kiếm những hạt nhân phong trào văn nghệ nhí rồi tập hợp thành những đội nhóm. Từ những đội nhóm ấy, giữa năm 2017, Trung tâm văn hóa thể thao huyện Bắc Bình đã thành lập câu lạc bộ văn nghệ dân gian Chăm dành cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng

Cửu đặng Long An tâm sự: trẻ em nông thôn thiếu sân chơi, những ngày hè thường lấy ruộng lúa làm sân đá bóng, lấy dòng sông làm niềm vui cho những buổi chiều nóng nực, nhưng tắm sông rất nguy hiểm. Vì vậy, tôi tập hợp các em  tham gia vào các lớp năng khiếu như múa, chơi trống ghi năng, Paranưng. Nói thì dễ nhưng để tập hợp các em cũng rất khó khăn vì nhà xa,  phụ huynh nhiều khi không đồng ý. Phải đến từng nhà phân tích, phải truyền cho các em sự đam mê yêu thích mới duy trì sinh hoạt tại câu lạc bộ.

Với quyết tâm cao, Long An bằng những nhiệt huyết của mình, đã khiến các em mê luôn những nhạc cụ dân tộc. Em Minh Nhật Tân tham gia từ ngày đầu thành lập câu lạc bộ cho biết, cách đây 3 năm, em đi chơi cùng với Long An tại các chương trình văn nghệ, lễ hội Ka tê, Ramưwan. Em nghe tiếng đàn, tiếng trống của dân tộc mình rồi mê luôn, bây giờ em đã là một trong những hạt nhân văn nghệ chuyên về  nhạc cụ dân tộc Chăm.

Em Dụng Thị Tuyết Sương – Một nữ sinh dân tộc Chăm cũng  cảm thấy hứng thú khi cùng bạn bè hòa vào những điệu múa của dân tộc mình. Từ khi được đạo diễn Long An truyền đạt những kiến thức về các vũ đạo, về các loại nhạc cụ nên em rất thích. Khi tham gia vào đội múa em cảm thấy rất tự hào về dân tộc mình – Tuyết Sương tâm sự

Ngoài nhiệm vụ chính là một tuyên truyền viên, là một đạo diễn trong những chương trình văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Chăm huyện Bắc Bình, Long An đã đem hết những tài năng, những hiểu biết về các loại hình văn nghệ dân gian truyền lại cho các thế hệ sau tiếp nối. Dù vất vả, nhưng đó như là trách nhiệm, là niềm vui của Long An.

Ngọc Tỵ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người truyền lửa văn nghệ dân gian Chăm