Chúng tôi biết có những tác giả chưa in một tập thơ nào, chỉ với những bài thơ được đăng trên các báo, tạp chí văn học... đã được nhiều người biết. Nguyễn Như Mây là một trong những trường hợp như vậy.
Nguyễn Như Mây, tên khai sinh là Nguyễn Dục, sinh năm 1949 tại Phan Thiết. Nguyễn Như Mây bước vào con đường sáng tác thơ ca từ những năm đầu theo học đại học. Anh có sở trường về sáng tác thể thơ lục bát, ngũ ngôn. Thơ anh nhẹ nhàng, tình cảm, thu hút bạn đọc. Hơi thở, cuộc sống, tình cảm của quê hương Phan Thiết bàng bạc trong thơ của anh:
Phan Thiết ra giêng em đi học
Khoác thêm áo lạnh, choàng thêm duyên
Ngã tư xe lửa un đầy gió
Chút lạnh ngày đông ráng lạnh thêm.
Phan Thiết ra giêng đường phượng nắng
Hoa còn sợ gió trốn môi em
Thị xã xưa, xưa tràn áo trắng
Mái lầu Tháp Nước đỏ dần lên.
Phan Thiết ra giêng em ôm cặp
Tụm ba tụm bảy nụ cười xuân
Em thầm nghiêng nón trên cầu sắt
Hỏi sông Mường Mán những buâng khuâng.
Phan Thiết ra giêng ai ngồi quán
Vờ tí co ro nhìn sân trường
Hình như gió bấc còn lãng mạn
Thả chút rêu phong lạnh dễ thương
Phan Thiết ra giêng nghe ngọt xớt
Gió bấc lang thang đời trẻ trung
Tưởng chừng gió tết bay còn sót
Thổi trong khói pháo đỏ rưng rưng
Phan Thiết ra giêng là hết tết
Em còn mực tím thả mênh mông...
(Bài thơ: Phan Thiết ra giêng)
Nguyễn Như Mây viết nhiều về chủ đề tình yêu. Người yêu thơ thật sự xúc động, cuốn hút bởi bài thơ "Thôi đã mười năm" của anh. Đây chính là tâm trạng của anh trong cuộc đời này:
Qua sông gió lạnh căm căm
Nước hoàng hôn đỏ âm thầm bóng mây
Cầu nghiêng mấy nhịp sương đầy
Bến tàn đông xám hàng cây tím chiều
Quê người thuyền đã buông neo
Ta còn phiêu bạt cho liều đường bay
Mười năm chưa được một ngày
Cười vui với chén rượu say quê nhà
Mười năm nở mấy mùa hoa
Những bông hoa tặng mẹ già ngày xưa
Mười năm vòng bánh xe mờ
Còn quay quay mãi giấc mơ xa vời
Còn đau nước mắt cuộc đời
Đổ lên trái đất tơi bời buồn vui
Khi về hoa trắng trên đồi
Chắc không còn biết có người lên thăm
Đêm nay ta lạnh chỗ nằm
Nhớ trăng quê cũ biết cầm tay ai
Mười năm qua mấy sông dài
Giờ ta mới gặp hình hài ta đau
Mười năm thôi đã mười năm
Xong cả cuộc đời ta.
Sau bao năm rong chơi với những cuộc tình, trải qua những đổi thay trong cuộc đời, thơ Nguyễn Như Mây cô đọng hơn, sâu sắc hơn. Bài thơ "Cỏ", "Núi"... là những trải nghiệm nổi bật của Nguyễn Như Mây:
Hồi nhỏ ở nhà bên núi
Lớn lên thấy núi bên nhà
Tới khi râu tóc đã già
Vẫn thấy núi còn chổ cũ...
Núi trong veo trong vắt
Nhìn thấy từng lá xanh
Nhưng không thấy được mình
Đang thả hồn trong ấy
Ở xa thấy núi thấp
Tới gần thấy núi cao
Chẳng giống như chiêm bao
Gần xa đều mất hết
Chưa lên núi thấy sợ
Núi cao vút tầng mây
Tới rồi ta mới hay
Lòng mình còn hơn núi
Mất bao ngày leo núi
Tìm mãi chưa gặp chùa
Bỗng nghe trong sương khói
Lòng đã tạnh gió mưa
Lâu, không lên chơi núi
Biết núi có già thêm
Nay nhớ, ta lại lên
Núi chê già.. không tiếp!
Ta tìm gì trong núi
Khói sương hay lòng mình
Sương khói thì bồng bềnh
Tìm chẳng bao giờ gặp
Lòng mình thì phơ phất
Như lau trắng đầy rừng.
Qua nội dung của "Núi", người đọc nhận thấy thơ Nguyễn Như Mây mang âm hưởng thiền của Phật giáo và nhận ra nhà thơ của chúng ta đã "ngộ".
Nguyễn Như Mây chưa in riêng tập thơ nào. Nhưng với những bạn bè thân tình chí cốt, anh cần mẫn ngồi nắn nót chép thơ bằng bút mực màu xanh, màu tím mồng tơi thành tập để tặng. Đây là một nét đẹp chơi thơ đáng yêu của Nguyễn Như Mây.
Trong những lần hiếm hoi, ngắn ngủi gặp Nguyễn Như Mây ở Phan Thiết, nghe anh đọc những bài thơ viết về tình yêu, về cuộc đời... Anh làm thơ rất nhanh. Khi chúng tôi ngồi hút thuốc chờ nghe, chỉ trong vòng vài hơi thuốc anh đã xong một bài thơ lục bát, nghe hương vị ngọt lịm và đầy sắc màu… bay bổng. Sau khi đọc thơ anh và được nghe anh đọc thơ, chúng tôi thầm nghĩ: Nguyễn Như Mây với những bài thơ nhuộm màu tím biếc thả vào mênh mông sẽ sống mãi trong lòng những người yêu thơ.
LÊ NGỌC TRÁC