BT- Lê Huân, tác giả loạt bài này đã tìm hiểu nhiều nguồn tư liệu, gặp gỡ những nhân vật liên quan, nhờ vậy tìm thấy nhiều điều bất ngờ, thú vị về cụ Nguyễn Thông với vùng đất Bình Thuận.
Nguyễn Thông là nhà văn, nhà thơ yêu nước, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng nửa sau thế kỷ XIX. Ông sinh trưởng ở Gia Định và mất ở Bình Thuận. Ông đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc khảo sát, khẩn hoang vùng đất phía Tây Bình Thuận. Hiện nay tại Bình Thuận vẫn còn nhiều di tích gắn bó với cuộc đời ông như: Nhà thờ Nguyễn Thông, Ngọa du sào…
![]() |
![]() |
Sông Phan Thiết xưa. |
Nguyễn Thông (sinh năm 1827), nếu tính thời gian từ khi ông trưởng thành, thi đậu cử nhân lúc 22 tuổi (Kỷ Dậu 1849) đến khi ông mất năm Giáp Thân 1884, thì trong vòng 35 năm ấy, Nguyễn Thông có một phần ba cuộc đời gắn bó với Bình Thuận, nơi như là quê hương thứ hai của ông.
Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Trương Quốc Minh, năm 1859, Nguyễn Thông khi ấy đang đảm nhận một chức quan văn tại kinh đô Huế bàng hoàng khi nghe tin thực dân Pháp đánh Gia Định rồi chiếm đóng Sài Gòn. Nguyễn Thông vội xin từ nhiệm trở về quê nhà tòng quân dẹp giặc.
Nguyễn Thông nhanh chóng được thống đốc quân vụ Tôn Thất Cáp nhận và giao cho trông coi Vụ Cơ mật trong quân đội, rồi sung chức Phó đề đốc chỉ huy khoảng 2.500 quân. Nhưng rồi, Nguyễn Thông bất mãn khi quân đội được lệnh của triều đình án binh bất động, nên ông đã tìm về quê Tân An tham gia nghĩa quân Trương Định. Đến cuối năm 1861, tình hình càng bi đát hơn, các tỉnh Định Tường, Biên Hòa lọt vào tay quân Pháp. Lực lượng nghĩa quân mà Nguyễn Thông tham gia bị tổn thất, phải phân tán khắp nơi.
Mùa xuân năm Nhâm Tuất 1862, Nguyễn Thông từ quê hương Nam kỳ khói lửa trở ra miền Trung "lánh nạn" và dừng chân tại Phan Thiết.
Vùng đất tỵ địa
Theo nhiều tài liệu có được, Phan Thiết - Bình Thuận lúc bấy giờ chưa bị Pháp chiếm nhưng lại nằm sát với miền Đông Nam kỳ nên chịu ảnh hưởng mạnh phong trào kháng Pháp đang diễn ra sôi nổi.
Khi Sài Gòn bị đánh chiếm, hơn 500 quân chính quy của Bình Thuận đã hăng hái lên đường vào bảo vệ Biên Hòa. Những năm 1862 - 1863, Phan Thiết là nơi tập kết số vũ khí do Hồ Huân Nghiệp liên lạc với Hội Trường Phát, một Hội của người Hoa ở Chợ Lớn để tóc dài chống chế độ Mãn Thanh, nhờ bí mật mua giúp vũ khí từ Singapore chuyển về bằng tàu, rồi từ Phan Thiết dùng ghe chở vào Vàm Láng cung cấp cho lực lượng nghĩa quân của Trương Định ở Gò Công. Do vậy, trong thời gian này, tàu Pháp thường xâm nhập các cửa biển của Bình Thuận để điều tra, thăm dò và chặn bắt các chuyến ghe chở vũ khí.
Sau khi triều đình Huế ký "Hòa ước 1862" nhượng 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và đảo Côn Lôn cho Pháp thì những người yêu nước ở Nam kỳ thường ra Bình Thuận tìm kế chống giặc. Trong số những người này có Võ Duy Dương (tức Thiên Hộ Dương) chỉ huy nghĩa quân hoạt động mạnh ở 3 tỉnh miền Tây. Năm 1866 bị Tự Đức ra lệnh bắt theo yêu cầu của Pháp, Võ Duy Dương lánh ra Bình Thuận nhưng không may gặp tai nạn đắm thuyền giữa biển khơi.
Năm 1865, khi vua Tự Đức chịu sức ép của quân Pháp cấm người dân Nam kỳ lục tỉnh không được lập nghĩa quân, thì Phan Trung người quê Phan Thiết, vẫn tiếp tục chỉ huy nghĩa quân của mình hoạt động ở vùng rừng núi Biên Hòa, Gia Định chống giặc. Ông còn cho 500 người khai khẩn đồn điền ở Tánh Linh, vùng giáp ranh khu vực Pháp chiếm đóng để tự túc lương thực, đến tháng 9/1866 mới ngưng do bị triều đình cấm đoán.
Vùng Hàm Tân - Suối Kiết trước đây được gọi là Giao Loan nằm giữa Biên Hòa và Bình Thuận với rừng lá buông bạt ngàn cũng là nơi được Trần Tuấn tức Phan Chánh, người tự xưng là "Bình Tây Phó Nguyên Soái" và Lê Quang Quyền một nghĩa quân của Trương Định xây dựng thành căn cứ tích lũy lương thực, rèn đúc khí giới để chờ thời.
Nhắc lại những sự kiện trên để thấy rằng Bình Thuận vốn có mối quan hệ mật thiết với các phong trào chống Pháp ở Lục tỉnh Nam kỳ ngay từ buổi đầu kháng chiến. Nhiều nhà yêu nước lúc bấy giờ đã nhìn thấy vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh Bình Thuận để kháng chiến chống Pháp. Ông Nguyễn Xuân Ôn khi làm quan án sát ở Bình Thuận đã làm mấy câu thơ "Cần hải, Mai sơn cấn vị thanh. Tam Phan tông thử Kiến bang bình", tạm dịch: "Biển Cần, non Mai bụi chưa sạch. Ba Phan (Phan Thiết, Phan Rí, Phan Rang) từ nay trở thành bình phong cả nước".
Những điều này đã lý giải tại sao Nguyễn Thông đã chọn Bình Thuận làm quê hương mới trong thời gian "tỵ địa" của mình.
Những ngày đầu bén duyên
Lần đầu tiên đến Phan Thiết, trên chiếc thuyền con đậu trên sông (sông Cà Ty ngày nay) giữa đêm khuya đầy trăng, chàng thanh niên Nguyễn Thông ngắm nhìn cảnh vật chung quanh không khỏi liên tưởng đến dòng sông Hưng Hòa (tức sông Vàm Cỏ Tây) của quê nhà Tân An. Rồi chàng thi sĩ tức cảnh làm bài thơ tứ tuyệt "Phan giang dạ bạc" (Đêm trên sông Phan) với câu cuối rất đẹp "cô chu thoa lạp nguyệt minh trung" (thuyền đơn nón lá ngợp ánh trăng). Có lẽ Nguyễn Thông là người đầu tiên đã có ý thơ rất hay về cảnh đẹp của dòng sông Cà Ty.
Nhưng Nguyễn Thông chỉ ở lại Phan Thiết khoảng vài tháng trong năm 1862 thì phải quay về Vĩnh Long nhậm chức Đốc học theo bổ nhiệm của triều đình Huế.
Đến khi toàn bộ 6 tỉnh Nam kỳ mất trọn vào tay Pháp ông mới cùng một số sĩ phu theo đường biển trở ra Bình Thuận vào năm 1867.
Lúc này Nguyễn Thông chưa được triều đình Huế bổ nhiệm chức vụ gì, nhưng khi đến Bình thuận, ông không mưu tìm cảnh sống yên ổn, thanh nhàn. Với tầm nhìn xa của mình, quan sát vùng núi non Bình Thuận, Nguyễn Thông đã có ngay ý thức chuẩn bị kế hoạch xây dựng căn cứ chống Pháp lâu dài. Mặc dù cơ thể ốm yếu, bệnh tật nhưng Nguyễn Thông đã mở cuộc thám hiểm, trèo đèo lội suối đến vùng thượng nguồn sông La Ngà. Cả một vùng rừng núi bao la này của Bình Thuận giáp với địa phận tỉnh Biên Hòa bị Pháp chiếm đóng cũng rất thuận tiện cho việc bắt mối liên lạc với số nghĩa quân của Trương Định đã rút về căn cứ Giao Loan để đón đợi thời cơ. Rõ ràng chính Nguyễn Thông là người đầu tiên phát hiện được tiềm lực, khả năng kinh tế dồi dào và vị trí quân sự quan trọng của vùng rừng núi phía Tây Bình Thuận.
Qua những ngày gội nắng, dầm mưa giữa vùng núi non hiểm trở, Nguyễn Thông được tiếp xúc với đồng bào các dân tộc ít người (khi ấy gọi là người Thượng) thật thà, chất phác và nhanh chóng gây được cảm tình với họ do phong cách giản dị, gần gũi của ông. Một số người sau đó đã theo ông phục vụ cho đến cuối đời.
Lê huân
Kỳ tới: Lập "Đồng Châu Xã" và xin khai khẩn đồn điền.