Theo dõi trên

“Nhà khoa học của nhà nông” đam mê nghiên cứu giống lúa

21/10/2024, 05:01

Sau hơn 24 năm gắn bó với ngành nông nghiệp của tỉnh, thạc sĩ (Ths) Trần Thị Vũ Phương – Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Thuận, đã lai tạo, chọn lọc các giống lúa có năng suất, phẩm chất tốt như ML 202, ML214, ML232, ML215… góp phần nâng cao năng suất chất lượng lúa, gạo thương phẩm cho bà con nông dân. Mới đây, chị Phương là 1 trong 56 người đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là “nhà khoa học của nhà nông” lần thứ V năm 2024.

Gắn bó với nông dân, đồng ruộng

Sinh ra và lớn lên ở huyện Hàm Thuận Bắc, thuở nhỏ chị thường theo ông bà cha mẹ ra đồng làm ruộng. Cái khó, cái khổ của người nông dân trồng lúa được chị thấu hiểu sâu sắc. Đó cũng là cơ duyên, khi nghề nghiệp gắn với niềm đam mê đã thúc đẩy chị đến với nghiên cứu lai tạo giống lúa.

ee0ac7838c2e35706c3f.jpg
Ths. Trần Thị Vũ Phương (ngoài cùng bên phải) cùng đồng nghiệp nghiên cứu giống lúa.

Hiện nay, với vai trò là Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bình Thuận, chị Trần Thị Vũ Phương lãnh đạo nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đó là các lĩnh vực về giống, lai tạo, khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định chất lượng giống, phục tráng và sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng tốt phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, xây dựng hệ thống tổ chức sản xuất và kinh doanh các loại giống cây trồng, vật nuôi phục vụ sản xuất của địa phương. Cá nhân chị Phương trực tiếp tham gia làm cộng tác viên, đồng tác giả trong công tác nghiên cứu lai tạo và chọn giống lúa từ năm 2000 đến nay với kết quả nhiều giống lúa được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận như ML54, ML232, ML215… Trong năm 2021 đã chọn tạo ra giống lúa ĐL221 tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Thuận lần thứ X năm 2023 - 2024 (nhóm tác giả đạt giải nhì). Tất cả các giống lúa nghiên cứu được đều chuyển giao trực tiếp đến nông dân trong và ngoài tỉnh.

87ae9c538e24377a6e35.jpg
Chị Phương tại lễ tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” mới đây.

Chị Phương tham gia với vai trò là đồng tác giả giống lúa ML54, đã được Hội đồng Khoa học kỹ thuật của Cục trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận đưa vào sản xuất thử tháng 9/2018. Đồng thời, đơn vị đã đăng ký bảo hộ với thời hạn 20 năm kể từ năm 2017. Đây là một trong những kết quả đạt được của nữ thạc sĩ khoa học cây trồng, sau những năm tháng gắn bó với nông dân, đồng ruộng của quê hương.

603dd86393ce2a9073df.jpg
Chị Phương nghiên cứu ngoài giờ làm việc tại gia đình.

Đam mê nghiên cứu

Gắn bó với nông dân, đồng ruộng lâu năm, không ít bà con đã quen thuộc với hình ảnh của chị Phương lăn xả ngoài đồng lúa dưới nắng gắt để hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt. Anh Lê Phụng Hoàng – nông dân khu phố Nà Bồi, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: “Chị Phương rất quan tâm đến nông dân và đồng ruộng, tận tình chỉ bảo, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm để bà con nông dân đạt hiệu quả, năng suất cao trong sản xuất lúa. Đặc biệt, các giống lúa do đơn vị lai tạo đều phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu, thời tiết khắc nghiệt của tỉnh Bình Thuận, năng suất cao, chất lượng cơm trung bình khá và cao, thích hợp cho chế biến”.

3b856a0921a498fac1b5.jpg
Chị Phương cùng đồng nghiệp hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân tại cánh đồng lúa giống Ma Lâm.

Đề cập đến công việc nghiên cứu giống lúa, chị Phương chia sẻ: Trong thực tế việc nghiên cứu, chọn lọc hay thực hiện thành công một đề tài khoa học để tạo ra một giống mới, một tiến bộ khoa học mới đã khó, nhưng việc chuyển giao thành tựu ấy đến với sản xuất hoặc mở rộng đại trà còn khó hơn. Đối với đơn vị, việc chuyển giao kết quả nghiên cứu trong thời gian qua được thực hiện trên cơ sở thương mại hóa. Các giống lúa do đơn vị chia sẻ bản quyền cho các đơn vị sản xuất kinh doanh giống đều thuộc các tỉnh Duyên hải miền Trung và Tây nguyên. Đây là cách bảo hộ thương hiệu, đồng thời liên kết với một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh “chia sẻ bản quyền” liên kết khai thác giống lúa, trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Phú Hoàng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận, chị Phương là một trong những người đã dày công nghiên cứu, tạo ra giống lúa mới, phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu của địa phương và đã triển khai ở các vùng trồng trên địa bàn toàn tỉnh. Việc đem lại giống lúa mới này đã góp phần tăng năng suất, chất lượng và giá trị khi tiêu thụ. Qua đó, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh chị Trần Thị Vũ Phương là “nhà khoa học của nhà nông” lần thứ V năm 2024.

Nhân dịp 20/10 – kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam là dịp tôn vinh, động viên lực lượng phụ nữ, đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của đất nước. Cùng với nhiều chị em phụ nữ trong và ngoài tỉnh, chị Trần Thị Vũ Phương đã và đang không ngừng hăng say lao động, sáng tạo. Riêng với chị Phương, với đặc thù nghề nghiệp của mình, chị luôn cần mẫn, đam mê với công tác lai tạo các giống lúa mới như “con ong” chăm chỉ, mang lại mật ngọt cho đời.

K. HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nuôi thiên địch hướng đến nông nghiệp an toàn, bền vững
Việc lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp đã và đang trở thành một thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường. Để giải quyết vấn đề này, nhất là trong bối cảnh nông nghiệp hiện đại, việc áp dụng mô hình nuôi thiên địch được coi là một giải pháp bền vững, không chỉ giúp kiểm soát các loại sâu bệnh hiệu quả mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Nhà khoa học của nhà nông” đam mê nghiên cứu giống lúa