Tôi đi tìm một bản nhạc Valse ít người biết, mà nếu không nhắc tới, sẽ có ngày nó trôi vào lãng quên, với trí nhớ được mất, tôi nhớ một bài rất quen từ những ngày bước chân vào ngôi trường làng trong thời chiến tranh năm 1955: Nhạc phẩm Hồ Lãng Bạc của Xuân Tùng mang giai điệu Valse:
“Thuyền bơi reo lướt trên hồ đầy nước trong/ Bọt tung theo sóng kêu dạt dào/ Buồm căng nặng gió mang thuyền đi lướt nhanh/ Én nhào trên sóng nước long lanh…/ Hồ Tây – đây chốn tranh hùng Trưng Nữ vương/ Khiến người như thấy bâng khuâng…”.
Thời xưa, nhạc viết về con sông nó gắn liền với lịch sử. Sông Việt Nam là những chứng tích một thời vang bóng. Bây giờ nhạc sĩ cũng viết về sông, nhưng đó là những kỷ niệm của một con sông quê, của những ngày tháng cũ, vì điều gì đó mà người ta bỏ quê, bỏ dòng sông của một thời bồi, lở, hẹn hò.
Một điều rất lạ là nhạc sĩ Xuân Tùng và Tô Vũ đều chọn Valse khi viết về sông, về chiến tích và sự đau buồn của Hai Bà Trưng.
Hãy nghe lại nhạc phẩm “Ngày xưa” của Tô Vũ:
“... Dòng sông Hát nước xanh mờ sâu/ Êm đềm trôi về bến nơi đâu/ Sóng đưa lăn tăn con thuyền ai xuôi/ Theo gió khơi tiếng ca âm thầm trầm rơi/ Ngày xưa kia nơi đây đã từng vang hình bóng/ Đôi quần thoa đem máu đào hòa nước sông nhà/ Hồn linh thiêng sống trong muôn trùng sóng
Những khi nào chiều vắng, trầm đưa lên tiếng ca”…
Đúng là nó xưa thật! Ngày xưa của Tô Vũ, khi nghe lại bài hát này, người nghe như thấy được một miền sông nước mênh mông, lặng lờ xuôi chảy... Và hình ảnh Hai Bà Trưng chợt thoáng hiện trong tâm tưởng chúng ta, mặc dù lịch sử đã đi qua biết bao biến cố, thăng trầm, đã đi qua biết bao nhiêu thế kỷ khuất lấp, xa mờ… Nhạc phẩm Ngày xưa nói về sự trầm mình ở dòng sông Hát của Hai Bà Trưng để giữ vẹn khí tiết, còn nhạc phẩm Hồ Lãng Bạc của Xuân Tùng ghi lại trận đánh giữa quân sĩ Hai Bà với quân Mã Viện.
Sống và chết, sông và hồ có khác nhau, nhưng hai nhạc phẩm này giống nhau ở giai điệu Valse. Có lẽ dụng ý của tác giả là dùng Valse (mà hình như chỉ có Valse) mới lột tả được trọn vẹn hai trường hợp, hai hoàn cảnh khác nhau của hai nhạc phẩm này?
Sông Hát, chỗ sông Đáy tiếp vào sông Hồng, một con sông bình thường như mọi dòng sông, chỉ khác ở chỗ là sông Hát đã nhuộm máu cách đây hàng ngàn năm khi Trưng Trắc, Trưng Nhị trầm mình tuẫn tiết.
Theo sử gia Lê Văn Hưu, Hai Bà Trưng là người phụ nữ anh hùng nổi lên đánh lấy sáu mươi thành trì, lập quốc rồi xưng vương. Hai Bà đã chọn Mê Linh làm nơi chiêu mộ, dấy binh, khởi nghĩa rồi đóng đô.
Hơn nửa thế kỷ qua, những bài lịch sử ca vẫn còn đó như: Hùng Vương, Trưng Nữ Vương (Thẩm Oánh), Bóng cờ lau (Hoàng Quý), Gò Đống Đa (Văn Cao). Hồ Lãng Bạc (Xuân Tùng), Hội nghị Diên Hồng, Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng (Lưu Hữu Phước)... Học và đọc lịch sử quả là khô khan, nhưng nếu lịch sử được viết lại bằng những ca khúc thì những ai lười và dốt lịch sử sẽ thích lịch sử hơn, thay vì học và đọc lịch sử người ta hát lịch sử!
Riêng về sử ca, có lẽ Hai Bà Trưng được các nhạc sĩ nhắc đến công đức của Hai Bà nhiều nhất: Năm nhạc phẩm! Điều này chứng tỏ rằng bất cứ ở thời đại nào người phụ nữ cũng được tôn vinh, nhất là những người phụ nữ đứng lên đánh đuổi quân ngoại xâm.
Nói về sử ca Việt Nam, người ta nhớ nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, ông là bậc thầy về sử ca. Đặc biệt ông đã viết một ca khúc mặc niệm bất hủ đó là Hồn tử sĩ:
“Đêm khuya âm u ai khóc than trong gió đàn/ Sóng cuốn Trưng Nữ Vương gợi muôn ngàn/ Bên nước tràn hồn ai đang thổn thức trên sông/ Hồn quân Nam khóc đang khóc non sông”…