Những cán bộ ở cơ sở là những cánh tay nối dài của cấp ủy, chính quyền địa phương với người dân. Ảnh: N.Lân |
Trọn gánh “2 vai”
Thôn 6, xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh hôm nay đã có nhiều đổi thay. Nhà cửa, đường sá trở nên khang trang sạch đẹp, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5 hộ. Thành quả đó là sự cố gắng nỗ lực của toàn thể nhân dân và cũng không thể không nhắc đến vai trò của ông Nguyễn Đức Lập, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn.
Năm 2018, sau khi nghỉ hưu ở xã, ông Lập chính thức đảm nhận “2 vai” cùng lúc là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn 6. Ông Lập cho biết: Mặc dù có kinh nghiệm trong công tác ở xã đã nhiều năm nhưng ông không tránh khỏi áp lực. “Nếu như trước đây, 2 việc này sẽ do 2 người đảm nhiệm, cùng trao đổi, cùng bàn bạc để thống nhất triển khai. Thì giờ đây, bản thân tôi phải trực tiếp gánh vác, đi sâu, đi sát ở cơ sở để nắm bắt tình hình chính trị tư tưởng, việc chấp hành chính sách, pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân... Từ đó, có những chỉ đạo, điều hành phù hợp, sát thực tiễn và đảm bảo tính khả thi cao”, ông Lập chia sẻ.
Đảm nhận cùng lúc 2 chức danh nên ông Lập luôn ý thức rõ trách nhiệm và thận trọng trong từng công việc. Đặc biệt những ngày qua khi dịch Covid-19 bùng phát tại địa phương thì vai trò, trách nhiệm của bí thư kiêm trưởng thôn càng thể hiện rõ nét. “Chúng tôi đã thành lập 9 tổ Covid cộng đồng, mỗi tổ 3 thành viên phân công giám sát từng địa bàn để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng; thực hiện 5K. Bên cạnh đó, chúng tôi lập danh sách hộ nghèo, hộ khó khăn, người thất nghiệp nhận chế độ chính sách, phát phiếu đi chợ, phát gạo Chính phủ hỗ trợ và còn nhiều việc khác nữa”, ông Lập cho hay.
Chính sự gương mẫu, nhiệt tình và trách nhiệm của người bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, nhân dân trên địa bàn thôn đã thấu hiểu, đồng thuận và đoàn kết chống dịch.
Ông Nguyễn Công Hoan – Phó Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh cho biết: Đến nay xã đã nhất thể hóa 2 chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn tại 3/6 thôn của xã. Ông Hoan cho rằng, việc thực hiện mô hình này đã phát huy được tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu ở cơ sở. Bên cạnh đó, việc đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân ở địa phương được nhanh chóng, kịp thời. Nhờ đó, mọi công việc từ xã xuống đến thôn đạt hiệu quả hơn.
Qua tìm hiểu tại một số xã trên địa bàn tỉnh, việc thực hiện nhất thể hóa 2 chức danh trên cũng đã mang lại nhiều hiệu quả. Cụ thể ở Chi bộ khu phố Lạc Tín, thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh sau khi hợp nhất 2 chức danh bí thư - trưởng khu phố, hầu hết các vấn đề quan trọng tại khu phố được chi bộ chỉ đạo kịp thời. Ông Huỳnh Văn Hiến, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng khu phố Lạc Tín, thị trấn Lạc Tánh cho biết: Nếu như trước đây, để nghị quyết được ban hành, đi vào cuộc sống thì phải tổ chức nhiều cuộc họp, hiện nay đã giảm một nữa. Chi bộ đã ban hành nhiều nghị quyết lãnh đạo bám sát thực tế và nhu cầu của nhân dân.
“Bản thân tôi phải sắp xếp thời gian cho phù hợp, đồng thời phân rõ lúc nào là việc của bí thư chi bộ, lúc nào là việc của trưởng thôn để triển khai thực hiện tốt nhất”, ông Hiến chia sẻ.
Khó tìm người gánh vác
Mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu phố đã được nhiều địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện, qua thực tế cũng đã khẳng định được tính ưu việt và hiệu quả của nó. Thế nhưng quá trình triển khai thực hiện cũng gặp không ít những vướng mắc, bất cập, nhất là trong công tác nhân sự, bởi không dễ tìm được người gánh vác cả “2 vai”.
Đảng bộ thị xã La Gi có 9 xã, phường, trong đó có 68/68 bí thư chi bộ thôn, khu phố. Thế nhưng hiện nay chỉ có 9/68 chi bộ thôn, khu phố thực hiện việc nhất thể hóa bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu phố. Địa phương này cũng khẳng định rằng: Mô hình này có tác dụng tốt như dễ lãnh đạo, sâu sát thực tế, nắm tình hình địa bàn và dân cư… từ đó có sự chỉ đạo điều hành phù hợp, đảm bảo tính khả thi cao. Đây là cách làm hiệu quả trong việc cơ cấu lại chức danh không chuyên trách hiện nay.
Thế nhưng, cũng theo địa phương, việc bố trí bí thư đồng thời là trưởng thôn, khu phố khó tìm chọn được nhân sự phù hợp để bố trí, vì đa phần lớn tuổi. Bên cạnh đó, trưởng thôn, khu phố đương nhiệm đã qua nhiều nhiệm kỳ, có uy tín nhưng đa số chưa là đảng viên, nhất là trong khu vực đông đồng bào có đạo.
Những khó khăn mà thị xã La Gi đưa ra, cũng là tình hình chung của nhiều địa phương trong toàn tỉnh. Không nói đâu xa, khi 2 trường hợp bí thư kiêm trưởng thôn, khu phố được nêu ở trên đều là những người có tinh thần trách nhiệm, có năng lực, hiểu biết và nhất là có sự cống hiến nhưng đã lớn tuổi. Về lâu về dài, tìm những người thay thế họ là điều không đơn giản.
“Việc tìm người vừa am hiểu công tác đảng, vừa có uy tín trong dân là điều không dễ. Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu phố là những cánh tay nối dài của cấp ủy, chính quyền địa phương với người dân. Do đó, họ có vai trò rất quan trọng. Bởi vậy, chúng tôi phải thật sự thận trọng trong công tác nhân sự, để họ thật sự là những người dân tin, đảng cử”, ông Nguyễn Công Hoan – Phó Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh cho biết.
Việc nhất thể hóa bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã được các địa phương quan tâm. Nếu như năm 2016, toàn tỉnh có 11/703 đồng chí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu phố (chiếm tỷ lệ 1,56%), thì đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 122/691 đồng chí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu phố (chiếm tỷ lệ 17,66%, tăng 16,1% so với năm 2016). Hiện nay, các đồng chí bí thư đa số là cán bộ hưu trí, lớn tuổi, đảm đương nhiệm vụ bí thư chi bộ có nhiều nỗ lực cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Để khắc phục những khó khăn trên, đồng thời phát huy hiệu quả của mô hình này, thì yếu tố nhân sự là điều quan trọng nhất. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương phải làm tốt công tác chuẩn bị về nhân sự, có quy trình chặt chẽ, phù hợp và đảm bảo sự đồng thuận trong nhân dân, trong tổ chức đảng. Song song đó, mỗi địa phương cần quan tâm đến việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận ở cơ sở, nhất là cán bộ trẻ. Lớp kế cận này hội tụ các yếu tố như có trình độ, năng lực, giàu nhiệt huyết sẽ thực sự là cầu nối giữa người dân với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Ngọc Diệp