Vất vả dạy trực tuyến
Mỗi ngày học sinh lớp 1 phải học 2 âm vần, sau tăng lên 3 đến 4 âm vần/ngày. Bên cạnh đó, còn ghép tiếng, từ, đọc câu ứng dụng, đọc bài dài, viết chữa hoa, chữ nhỏ… trong khi yêu cầu này ở chương trình cũ phải cuối học kỳ II mới phải học. Kiến thức nặng như thế nên dạy trực tiếp giáo viên đã phải vật vã khi kèm cặp học sinh. Ngoài học chính khóa, buổi 2 học sinh còn được ôn tập ở trường. Ngoài ra, phụ huynh còn phải cho con đi học thêm, kèm thêm ở nhà mới mong các em theo kịp kiến thức. Tuy nhiên, năm học này gần hết học kỳ I nhưng nhiều địa phương học sinh chưa được đến trường dù chỉ một ngày. Khi lớp 1 phải học online thì không chỉ giáo viên mà phụ huynh và chính các em học sinh cũng vất vả gấp bội phần.
Một tiết dạy trực tiếp 35 phút nhưng phần đông các giáo viên toàn “ăn gian” lên 60 phút, 70 phút thậm chí 80 phút mà vẫn chưa xong. Nay dạy online, yêu cầu mỗi tiết chỉ dạy từ 20 đến 25 phút đối với học sinh lớp 1 gần như là cưỡi ngựa xem hoa chứ chẳng mấy hiệu quả gì. Giúp học sinh cũng là giúp chính mình nên không thể thấy khó mà chùn bước. Nhiều giáo viên lớp 1 ở Bình Thuận đã chia sẻ với người viết về những biện pháp đã áp dụng để giúp các em biết đọc, biết viết khi học online.
Linh hoạt trong thời gian dạy học
Học sinh lớp 1 khác với nhiều lớp học khác là khả năng tự học chưa có. Nếu không có phụ huynh ngồi bên mà phải học online thì khẳng định luôn là không hiệu quả. Do nhiều phụ huynh đi làm cả ngày nên không thể ngồi bên kèm các con học. Giáo viên đã phải thống nhất với phụ huynh về thời gian dạy học trong ngày cho các em. Cho phụ huynh chọn thời gian, giáo viên sẽ sắp xếp hình thức dạy học phù hợp. Sẽ có nhóm học qua Google meet, nhóm học Zoom, nhóm học Zalo. Giáo viên áp dụng nhiều phương pháp dạy học như dạy tương tác cùng học sinh trên phần mềm, gửi bài dạy mẫu cho học sinh học trước, học sinh đọc bài quay clip gửi lại giáo viên. Kèm riêng trực tiếp những học sinh không có điều kiện theo học hình thức nào. Ngoài giáo viên dạy kèm, một số hiệu trưởng cũng phụ dạy vào một số buổi trong tuần.
Dạy kèm từng em suốt cả ngày, đêm
Hiệu quả nhất phải kể đến cách dạy kèm trên Zalo của cô giáo Nguyễn Thị Trà tại La Gi đã giúp học sinh lớp 1 tiếp thu bài tốt hơn. Tuy nhiên, theo cô Trà giáo viên phải chịu cực nhiều hơn. Do trường của cô thuộc vùng biển nên phụ huynh đi làm suốt ngày. Cô đã giao ước với phụ huynh, khi nào ba, mẹ về đến nhà (bất kể giờ nào) đều nhắn tin hoặc gọi điện để giáo viên dạy riêng cho học sinh ấy. Cô nói tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ huynh để họ tự do thời gian và thoải mái hợp tác.
Thế là, có em sẽ học buổi sáng, em học buổi trưa, em học buổi chiều, em học buổi tối. Mỗi lần học chỉ 1 em. Với em học nhanh chỉ cần 15 đến 20 phút đã học được 2 bài. Em chậm hơn thì học 30 phút đến 1 tiếng và chỉ học 1 bài. Cách dạy, cô giáo sẽ gọi Zalo và bấm vào nút đảo ngược, chọn hình thức chia đôi màn hình. Cô giáo sẽ nhìn thấy học sinh còn các em sẽ thấy trang sách tiếng Việt hoặc bảng ghi bài học. Thế là 2 cô trò tương tác với nhau như đang học trực tiếp.
Cô Trà khẳng định, cách dạy này khá hiệu quả nhưng giáo viên mệt vì gần như suốt ngày và cả tối đều phải dạy. Cùng lúc vận dụng nhiều hình thức, phương pháp dạy học giúp học sinh không bỏ bài giáo viên thật sự vất vả. Tuy nhiên, dù mệt nhưng nhiều thầy cô cho biết thấy các em học sinh đọc được, tiến bộ mỗi ngày cũng thấy vui. Điều mong muốn của nhiều thầy cô lúc này ngoài việc học sinh được tới trường thì rất mong phụ huynh nhiệt tình hợp tác. Có được sự chung tay của phụ huynh, chất lượng học tập của các em sẽ được cải thiện rõ rệt.