Theo dõi trên

Nhiều địa phương, cả tỉnh không có một chuyên gia an toàn thông tin

09/05/2022, 15:12

Với tình hình các mối đe dọa về an ninh thông tin ngày càng gia tăng, việc chuyển đổi số sẽ không thể thành công hay duy trì bền vững nếu thiếu một chiến lược bảo mật phù hợp.

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã thúc đẩy xu hướng chuyển đổi số của các doanh nghiệp, tổ chức với việc chuyển dịch nhiều hoạt động lên môi trường trực tuyến.Tuy nhiên, điều này cũng làm tăng rủi ro đối với an toàn thông tin.

nhieu.jpg
(Ảnh minh họa: KT)

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt xác định quan điểm bảo đảm an toàn thông tin mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, là thành phần xuyên suốt không thể tách rời của chuyển đổi số. Theo đó, mọi thiết bị, sản phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin dự án đầu tư về công nghệ thông tin (CNTT) buộc phải có cấu hình an toàn an ninh mạng ngay từ khâu thiết kế.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (ATTT), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) yêu cầu này khi thực thi trong thực tế hầu hết các dự án đều làm rất hình thức.

“Tất cả thiết kế của các dự án này đều có về an toàn thông tin nhưng lại mang tính hình thức. 100% các dự án lần đầu tiên chúng tôi thẩm định đều phải trả về để làm lại hết. Có dự án phải thẩm định đến lần thứ 4, thứ 5 mới đạt yêu cầu về an toàn thông tin trong khâu thiết kế”, ông Phúc cho hay.

Thêm vào đó, vấn đề nhân lực phục vụ ATTT tại Việt Nam vẫn là khâu rất yếu. Một trong những mục tiêu chiến lược là mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có tối thiểu 1 đơn vị chuyên nghiệp bảo vệ ATTT; hình thành lực lượng bảo vệ an toàn thông tin mạng tại các bộ, ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Song, theo khảo sát của Bộ TT&TT, mỗi tỉnh, thành trung bình chỉ có khoảng 2,8 người làm công tác ATTT.

“Con số này chỉ là người làm ATTT, còn nếu tính là chuyên gia ATTT thì một số tỉnh, thành phố lớn may ra có được 1 người. Đây là điều rất đáng buồn mà chúng tôi sẽ thúc đẩy khắc phục mạnh mẽ trong thời gian tới”, đại diện Cục ATTT nhấn mạnh.

Tính đến nay, Việt Nam vẫn chưa có chuẩn kỹ năng để các cơ sở đào tạo có thể đưa ra chương trình đào tạo hợp lý, người học cũng chưa biết học thế nào để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và người sử dụng lao động khi tuyển dụng sẽ căn cứ vào cái gì để lựa chọn… Thông tư 17 về tiêu chuẩn nhân lực ATTT chuyên nghiệp của Việt Nam được Bộ TT&TT ban hành có hiệu lực từ ngày 1/6/2022 tới được kỳ vọng sẽ là giúp giải quyết vấn đề này.

Tại Phiên họp thứ hai của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng nhìn nhận những hạn chế về nguồn nhân lực trong khi khối lượng công việc rất lớn và nguồn lực dành chuyển đổi số cũng có hạn.

Chính phủ xác định năm 2020 là năm khởi đầu về chuyển đổi số quốc gia, năm 2021 là năm tổng diễn tập chuyển đổi số và năm 2022 được xác định là năm tổng tiến công về chuyển đổi số. Tuy nhiên, nếu như người sử dụng Internet không có kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin, không tin tưởng vào môi trường mạng thì Việt Nam khó có thể chuyển đổi số thành công.

Thời gian qua, Việt Nam đã liên tục tăng hạng về chỉ số GCI (báo cáo xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu của Liên minh Viễn thông quốc tế), từ vị trí 100 thế giới vào năm 2017 lên xếp thứ 50 năm 2019 và tiếp tục tăng 25 bậc để vươn lên vị trí thứ 25 thế giới vào năm 2021.

Điều này được đánh giá là những tiến bộ vượt bậc, nhưng đồng thời là thách thức rất lớn để duy trì vị trí với thứ hạng từ 25 - 30 thế giới của Việt Nam thời gian tới. Nếu duy trì được thứ hạng cao, chúng ta sẽ đảm bảo được niềm tin của các nhà đầu tư với môi trường số của Việt Nam.

Với người dân, các mục tiêu đặt ra cho giai đoạn đến năm 2030 là 90% người sử dụng Internet có cơ hội tiếp cận hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng và công cụ bảo đảm an toàn thông tin mạng; mỗi người dân có “hiệp sĩ” bảo vệ an toàn thông tin.

Bộ TT&TT đang triển khai chương trình phổ cập giải pháp bảo đảm an toàn thông tin cho từng người dân. Tới đây trên smartphone, iPad, máy tính cá nhân... của mỗi người sẽ được trang bị phần mềm bảo vệ an toàn thông tin với chi phí thấp, dự kiến giai đoạn đầu sẽ miễn phí sử dụng các tính năng cơ bản và sẽ trả mức phí rất thấp với những tính năng nâng cao. “Việc này giúp cho người dân yên tâm khi giao dịch trên môi trường số”, đại diện Cục ATTT cho hay./.

VOV.VN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Thương mại điện tử tăng đột biến trong đại dịch Covid-19
Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và quốc tế khi tổng số quỹ đầu tư hiện có tại Việt Nam tăng tới 60% - so với năm 2019 và 2020 - chủ yếu là các nguồn quỹ từ Singapore, Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều địa phương, cả tỉnh không có một chuyên gia an toàn thông tin