Sử dụng cờ Đảng đúng quy định
Theo đó, Quy định số 99-QĐ/TW về cờ Đảng Cộng sản Việt Nam và việc sử dụng cờ Đảng là quy định có ý nghĩa rất quan trọng. Cờ Đảng (Đảng kỳ) là biểu tượng thiêng liêng, cao quý của Đảng Cộng sản Việt Nam. Lá cờ Đảng luôn gắn liền với những sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, là niềm tin, niềm tự hào, là động lực để cán bộ, đảng viên, nhân dân ta phấn đấu, rèn luyện, cống hiến vì mục tiêu lý tưởng cao đẹp của Đảng và dân tộc. Thời gian qua, cờ Đảng được sử dụng trong trang trí khánh tiết các hoạt động, sinh hoạt của Đảng, kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử, chính trị - xã hội quan trọng của Đảng, đất nước; trang trí trụ sở các cơ quan ở phòng họp, phòng tiếp khách, phòng truyền thống và khuôn viên (trong và mặt ngoài trụ sở cơ quan, tổ chức), tại nơi công cộng… Trong hội nghị quán triệt các quy định mới, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai, cho rằng: “Tuy nhiên, cho đến nay chưa có quy định hay hướng dẫn về sử dụng cờ Đảng nên việc sử dụng cờ Đảng, hình ảnh cờ Đảng chưa thống nhất ở nhiều địa phương, đơn vị, thậm chí có hiện tượng thiếu chính xác, gây phản cảm trong dư luận, bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động chống phá. Quy định số 99 ban hành ngày 27/2/2023 bao gồm 5 chương, 26 điều, nêu rõ quy cách cờ Đảng, nguyên tắc, đối tượng sử dụng, thời gian treo cờ Đảng; trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc tổ chức thực hiện quy định này; góp phần tạo sự thống nhất trong sử dụng cờ Đảng, hình ảnh Đảng kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện sự trang nghiêm của Đảng. Qua đó giáo dục, bồi dưỡng niềm tin, lý tưởng đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân”.
Nguyên tắc sử dụng cờ Đảng đúng mục đích, quy cách, phù hợp tính chất sự kiện. Cờ Đảng luôn treo sát cùng với cờ Tổ quốc khi trang trí khánh tiết: Cờ Đảng ở bên trái, cờ Tổ quốc bên phải nhìn từ dưới lên hoặc nhìn từ ngoài vào; kích thước, độ mới của 2 cờ phải tương đương và đặt ngang bằng nhau; biểu tượng “Búa - Liềm” của cờ Đảng phải hướng lên phía trên. Vị trí, địa điểm treo cờ Đảng cần bảo đảm mỹ quan, trang trọng, đồng bộ với không gian chung.
Nâng cao công tác quản lý báo chí, xuất bản
Trong khi đó, Quy định số 85- QĐ/TW về việc cán bộ, đảng viên thiết lập, sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội được ban hành, với mục tiêu nâng cao hơn nữa trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cán bộ, đảng viên. Quy định nhằm phát huy tính tiên phong, gương mẫu về sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên môi trường mạng, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa; góp phần đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xây dựng môi trường internet, mạng xã hội Việt Nam văn minh, lành mạnh, an toàn.
Cùng đó, Quy định số 100- QĐ/TW và 101-QĐ/TW về trách nhiệm quyền hạn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản được Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành, thay thế 2 quyết định trước đây. Quy định số 100 - QĐ/TW và 101-QĐ/TW có nhiều điểm mới, đáng chú ý về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục bổ nhiệm cũng như khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản, phù hợp xu hướng báo chí hiện đại. “Việc ban hành 2 quy định này tiếp tục khẳng định, làm rõ vai trò lãnh đạo trực tiếp, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ cơ quan báo chí, nhà xuất bản. Đây là cơ sở chính trị để sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016, Luật Xuất bản 2012, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cơ quan báo chí, nhà xuất bản có bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức để xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại”, ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho hay.
Trong hội nghị quan trọng này, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo, nhấn mạnh, phải nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tổ chức triển khai thực hiện 4 quy định trên trong thực tế với tư cách là một bộ phận cấu thành quan trọng của công tác tuyên giáo. Trên cơ sở hội nghị, các tỉnh, thành phố, đơn vị tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung quy định với nhiều hình thức phù hợp, giúp các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên hiểu rõ, vận dụng đúng các quy định. Đồng thời, cần xác định rõ đây không phải là nhiệm vụ riêng của ngành Tuyên giáo, mà là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên, của từng cơ quan báo chí, xuất bản. Các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện các quy định trên; kịp thời thông tin, báo cáo kết quả thực hiện ở các cấp theo từng quý, từng năm; kịp thời biểu dương, khen thưởng các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên thực hiện tốt. Qua đó, nhắc nhở, phê bình, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả; kịp thời báo cáo, phản ánh những khó khăn, vướng mắc về Ban Tuyên giáo Trung ương để có chủ trương chỉ đạo kịp thời, sát hợp tình hình thực tế.