Ông Huỳnh Thanh Cảnh phát biểu tại kỳ họp Quốc hội. Ảnh minh họa |
Tại kỳ họp này, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh có 6/6 đại biểu dự họp, các vị ĐBQH đã dành thời gian nghiên cứu báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, các Bộ ngành có liên quan và báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, các dự án luật, nghị quyết của Quốc hội.
Tại phiên họp toàn thể tại hội trường, đại biểu Bố Thị Xuân Linh thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, với các nội dung:
Nhất trí với báo cáo của Chính phủ, nét nổi bật nhất của nền kinh tế có bước tăng trưởng đột phá, 8/13 chỉ tiêu đạt với chỉ số cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Điều này cho thấy Chính phủ, các ngành các cấp đã vào cuộc và có những nỗ lực lớn, tiến dần tới "Chính phủ kiến tạo".
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý khá kịp thời, quyết liệt nhiều vụ việc cụ thể, bức xúc nổi cộm, được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, tính bền vững trong phát triển kinh tế vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, đứng trước những khó khăn thách thức. Cụ thể: chất lượng phát triển chậm được cải thiện, năng suất lao động chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ trọng công nghiệp vẫn dựa vào vốn đầu tư và tăng trưởng số lượng doanh nghiệp, trong khi năng suất, chất lượng lao động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học còn hạn chế. Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước cuộc cách mạng 4.0, nếu chúng ta phụ thuộc vào vốn thì tính bền vững sẽ không cao. Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, bão lũ, VSATTP, sự cố môi trường, tệ nạn xã hội, ma túy, TNGT, cháy nổ...vẫn còn xảy ra nhiều địa phương, nhưng giải pháp đề ra chưa hiệu quả, gây bức xúc, tâm tư lo lắng trong nhân dân...
Tình hình biến đổi khí hậu diễn ra trên diện rộng như: hạn hán ở khu vực miền Trung, Nam Trung bộ; xâm nhập mặn ở Tây Nam bộ; sạt lở ở miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long; tỉnh Bình Thuận cũng là một tỉnh bị ảnh hưởng nặng bởi sạt lở, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Từ thực tế đó, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện về kinh phí hỗ trợ các địa phương, trong đó có tỉnh Bình Thuận để khắc phục tình trạng trên.
Tại các buổi thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường, 6/6 ĐBQH trong Đoàn đã có 26 ý kiến phát biểu tại tổ và 8 ý kiến phát biểu tại hội trường đóng góp các dự án luật, nghị quyết tại kỳ họp.
Tại các buổi chất vấn tại hội trường, các ĐBQH trong Đoàn đã gửi 10 câu hỏi chất vấn bằng văn bản với 7 nội dung liên quan Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Công Thương, Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng LĐ-TB&XH, Bộ trưởng TN-MT, Bộ trưởng KH-CN, Bộ trưởng VH-TT&DL, Bộ trưởng KH-ĐT, và Phó Thủ tướng Chính phủ với các nội dung: sinh viên ra trường không có việc làm; chế độ chính sách đối với ngành y; phòng cháy, chữa cháy; tình trạng lương của y bác sĩ; giải pháp quản lý người nghiện ma túy; quản lý môi trường tại nhiệt điện Vĩnh Tân. Đặc biệt có 2 đại biểu chất vấn trực tiếp tại hội trường đối với Bộ trưởng TN-MT, Bộ trưởng LĐ-TB&XH về tình hình ô nhiễm môi trường (khai thác titan) và vấn đề xử lý vật chất nạo vét của bến cảng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, sinh viên ra trường không có việc làm...
Tại kỳ họp này, các ĐBQH trong Đoàn đã trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí như: Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Truyền hình Việt Nam, Kênh truyền hình thông tấn xã Việt Nam, Kênh truyền hình Quốc hội, Báo Người đại biểu về những nội dung liên quan tại kỳ họp. Cũng tại kỳ họp này, lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia cùng với các đồng chí lãnh đạo tỉnh làm việc với Thủ tướng Chính phủ và một số bộ, ngành có liên quan để giải quyết các vấn đề bức xúc của tỉnh.
Tại kỳ họp này, các vị ĐBQH tỉnh đã kịp thời phản ánh những ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh nhà đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri, cũng như vấn đề bức xúc của tỉnh được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương ghi nhận và có văn bản trả lời cho các ĐBQH trong Đoàn.
Đ.D