Từ các mô hình tự quản, tự phòng
Nổi bật là toàn huyện đã triển khai thực hiện kêu gọi, đấu tranh tố giác tội phạm trong nhân dân, qua đó nhiều xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị đã phát động xây dựng và nhân rộng các mô hình ”tự quản, tự phòng”, giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Trong đó tập trung xây dựng nhiều tuyến đường ánh sáng an ninh, tuyến đường thanh niên tự quản, lắp đặt camera an ninh... góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn dân cư.
Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn đã xây dựng và duy trì hoạt động 9 mô hình về an ninh trật tự. Điển hình như mô hình: Khu dân cư phòng, chống ma túy ở xã Hồng Liêm, Hồng Sơn; Quỹ giúp đỡ người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng đảm bảo an ninh trật tự ở Hồng Sơn; Khu dân cư an toàn về an ninh trật tự ở Hàm Đức, La Dạ. Mô hình Tổ xung kích trong phong trào bảo vệ an ninh trật tự ở Hàm Đức; Tuyến đường phố an ninh xanh, sạch đẹp ở thị trấn Phú Long. Mô hình Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hàm Thắng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm. Ngoài ra trong năm 2024, Mặt trận cùng đoàn thể chính trị - xã hội các xã, thị trấn trong huyện đã tiếp nhận quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ 23 thanh niên lầm lỗi, chậm tiến. Hiện nay, Mặt trận các xã, thị trấn đang phối hợp cùng các tổ chức thành viên đang đảm nhận quản lý 140 thanh niên lầm lỗi, chậm tiến.
Đến mô hình bảo vệ môi trường
Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn đã xây dựng, duy trì 14 mô hình về bảo vệ vệ sinh môi trường. Mô hình thu gom, xử lý rác thải ở Hồng Sơn, Hàm Thắng, Ma Lâm, Thuận Hòa, Đa Mi. Mô hình khu dân cư đảm bảo vệ sinh môi trường ở Hồng Liêm, Hàm Liêm, Hàm Chính, Hàm Trí, Hàm Phú, Đông Tiến, Đông Giang. Mô hình Tổ tự quản dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp tại Hàm Hiệp. Từ các mô hình đã tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật về công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, nắm chắc tình hình liên quan đến vệ sinh môi trường để kịp thời phản ánh, báo cáo cho chính quyền xử lý. Cũng qua đó nhắc nhở nhân dân chấp hành tốt vệ sinh môi trường tại khu dân cư và đề nghị chính quyền giải quyết các yêu cầu chính đáng của nhân dân về vệ sinh môi trường. Đồng thời tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định về thu gom rác thải, quản lý tốt các hộ đăng ký thu gom rác thải, khảo sát vận động các hộ chưa đăng ký thu gom tham gia đăng ký.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường trực Huyện ủy đối với việc nhân rộng mô hình lò đốt rác ở những nơi chưa thực hiện thu gom rác. Vận động nhân rộng mô hình xây lò đốt rác tại hộ gia đình, trong năm 2024 đã xây dựng được 547 lò, trị giá 619,4 triệu đồng. Trong đó các hộ gia đình là đảng viên, công chức, viên chức… tích cực hưởng ứng và đi đầu trong xây dựng lò đốt rác, lan tỏa đến đa số hộ dân còn lại trong cộng đồng dân cư. Các cơ quan, đơn vị, trường học tại các khu vực vùng cao, vùng hẻo lánh cũng đã xây dựng lò đốt rác để góp phần giữ gìn môi trường xanh, sạch,
Để nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình, tổ chức quần chúng, thời gian tới, huyện cần thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các mô hình hoạt động hiệu quả, đẩy mạnh các phong trào thi đua trong từng mô hình ở cơ sở. Đặc biệt, các địa phương nơi có các mô hình đang hoạt động cần chú trọng chăm lo đến đời sống của các hội viên, thành viên có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó giúp họ ổn định cuộc sống, có việc làm, thu nhập và có thời gian tham gia hoạt động của các câu lạc bộ, các tổ dân phố. Chính những thành viên của các tổ bảo vệ của mô hình, các CLB hay các tổ tự quản… là nòng cốt, là cơ sở vững chắc trong lòng dân trong các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.