Hiện trường vụ cháy cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP. Phan Thiết. |
Khuya ngày 5/6, tại căn nhà ở kết hợp kinh doanh đồ điện tại phường Chánh Lộ, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi bất ngờ xảy ra cháy làm 4 người chết. Ngày 7/5, ngôi nhà ở, sản xuất keo sáp, đèn cầy trên địa bàn phường 1, quận 11, TP. Hồ Chí Minh cũng xảy ra cháy lớn làm chết 8 người. Trước đó, rạng sáng ngày 4/4, tại ngôi nhà ở kết hợp kinh doanh đồ sơ sinh ở phố Tôn Đức Thắng, TP. Hà Nội cũng xảy ra hỏa hoạn làm 4 người tử vong. Đáng chú ý, yếu tố dẫn đến chết người là do cháy thường xảy ra vào ban đêm trong lúc mọi người còn ngủ nên chậm phát hiện. Trong khi đó, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chứa nhiều vật dụng, hàng hóa dễ cháy, ngọn lửa phát triển rất nhanh nên không kịp thoát nạn. Hầu hết nhà không có lối thoát nạn thứ hai và không có phương án để mở lối thoát dự phòng khi xảy ra cháy; không có các phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Tại Bình Thuận, thời gian qua cũng xảy ra nhiều vụ cháy. Thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) cho thấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh xảy ra 37 vụ cháy, làm 3 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 2,8 tỷ đồng. Mặc dù số vụ cháy giảm (giảm 16 vụ so với cùng kỳ) nhưng cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp, thiệt hại rất khó lường. Trong 37 vụ cháy thì có 8 vụ cháy nhà ở và nhà ở kết hợp kinh doanh làm 3 người bị thương (trong đó có 1 vụ/1 nạn nhân đã tử vong sau khi đến bệnh viện), thiệt hại tài sản gần 270 triệu đồng. Có nhiều nguyên nhân xảy ra cháy, nhưng chủ yếu là do ý thức, kiến thức về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của một bộ phận người dân còn hạn chế, xem nhẹ công tác phòng cháy. Ngoài ra, qua kiểm tra tại 769 cơ sở, lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện 1.987 thiếu sót về phòng cháy chữa cháy.
Thường xuyên diễn tập chữa cháy để kịp thời ngăn chặn, làm giảm thiệt hại do cháy. |
Theo Ban Chỉ đạo phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tỉnh, nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra cháy, không để xảy vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản thì người dân phải nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động kiểm tra, rà soát các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt, lưu ý các vị trí thường phát sinh cháy nổ như đường dây điện đi nổi, cầu giao, ổ cắm, các thiết bị điện luôn ở trạng thái duy trì nguồn điện (tủ lạnh, ti vi, quạt điện, đèn thờ, máy đun nước... ); khu vực đun nấu, hệ thống bếp gas. Vật dụng, hàng hóa phải sắp xếp bảo đảm an toàn, cách ly với nguồn có thể gây cháy, không để hàng hóa trên cầu thang thoát nạn, không trữ chứa hàng hóa nguy hiểm cháy nổ. Cải tạo tách biệt hệ thống điện phục vụ sản xuất, kinh doanh với hệ thống điện của nhà ở để cô lập, đóng ngắt khi cần thiết và khi không hoạt động; có giải pháp ngăn khói, ngăn lửa giữa gian kinh doanh và khu ở của gia đình.
Ban Chỉ đạo tỉnh cũng đề nghị các ngành, Mặt trận, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy; chỉ đạo, hướng dẫn lắp đặt thiết bị cảnh báo cháy sớm, phát hiện rò rỉ khí gas, thang thoát nạn, dụng cụ phá dỡ (búa, rìu, xà beng); có phương án thoát nạn dự phòng khẩn cấp trong trường hợp xảy ra cháy mà lối ra duy nhất của nhà bị lửa ngăn chặn. Đồng thời đề nghị công an các địa phương tiến hành điều tra, lập hồ sơ quản lý phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh.
TẤN THÀNH