Theo dõi trên

Nhiều vướng mắc trong thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình

07/08/2019, 09:43

BT- Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ)2014 với 9 chương, 133 điều có hiệu lực thi hành đầu năm 2015, thay thế Luật HN&GĐ 2000, đã thể hiện được những điểm tiến bộ rõ nét và tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, khi triển khai đi vào cuộc sống còn những hạn chế, vướng mắc.

 Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thi hành Luật HN&GĐ do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây. Qua báo cáo, tham luận của các bộ, ngành, địa phương cho biết công tác xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật HN&GĐ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đưa luật đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc do luật chưa dự liệu, điều chỉnh được hết những tình huống phát sinh trong thực tiễn.

 Nhiều vướng mắc

Luật HN&GĐ vẫn còn thiếu tính khả thi, đặc biệt là trong áp dụng tập quán; chưa đồng bộ, thống nhất, minh bạch trong đăng ký tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng… Một số quy định có tính tiến bộ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nhưng do còn chịu ảnh hưởng bởi yếu tố tập quán, văn hóa truyền thống nên còn có nhận thức khác nhau trong triển khai thi hành.

Qua thực tiễn giải quyết các vụ việc về HN&GĐ, ông Nguyễn Văn Vụ, đại diện Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) cho biết: Các vụ việc về HN&GĐ ngày càng tăng về số lượng cũng như mức độ phức tạp, gay gắt, đặc biệt diễn ra ở các cặp vợ chồng trẻ (độ tuổi từ 28-35). Tính chất gay gắt, phức tạp chủ yếu liên quan đến các tranh chấp về tài sản chung – riêng như bất động sản, cổ phần, cổ phiếu trong các công ty… hoặc về con chung, mức độ cấp dưỡng. Các tranh chấp về HN&GĐ có nguyên nhân chủ yếu do bất đồng về quan điểm, lối sống, khó khăn về kinh tế… Khi áp dụng pháp luật trong quá trình thi hành Luật HN&GĐ để giải quyết gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Chẳng hạn, Điều 59 của luật quy định, tài sản của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố: Lỗi của mỗi bên trong phạm vi quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Điều này được hiểu nếu bên nào “có lỗi” thì khi ly hôn tài sản được chia sẽ ít hơn. Quy định này khó áp dụng trong thực tế, vì căn cứ để xác định vợ hay chồng được chia tài sản nhiều hơn được quy định khá cụ thể, còn việc xác định lỗi của vợ hoặc chồng là khá trừu tượng.

Liên quan đến vấn đề giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài, đại diện Liên đoàn Luật  sư Việt Nam - luật sư Hà Hải khẳng định đây là vấn đề xuất hiện trong thực tiễn, nhất là theo quy định của Việt Nam thì những trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài, nếu muốn được công nhận tại Việt Nam phải làm thủ tục ghi chú ly hôn. Một số trường hợp cô dâu Việt có giấy tờ ly hôn ở nước ngoài thì khi nộp hồ sơ xin ghi chú lại vướng yêu cầu bổ sung giấy tờ hộ tịch bên chồng. Đây là điều gặp nhiều khó khăn vì theo quy định, vụ việc ly hôn còn phải có ý kiến hoặc có mặt người chồng, mà người chồng nước ngoài (đã ly hôn hợp pháp ở nước họ) thì không trả lời hoặc không về Việt Nam tham dự phiên tòa theo yêu cầu của tòa án.

Ngoài ra, còn những vấn đề khác như việc mang thai hộ, trường hợp cho người nước ngoài mang thai hộ thì giải quyết hệ quả của vấn đề pháp lý thế nào khi người đó trở về đất nước họ? Rồi vấn đề tặng, cho, thừa kế thì luật cũng chưa đề cập tới. Tảo hôn là vấn đề không phải mới, dù đã có nhiều biện pháp, giải pháp can thiệp, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến không chỉ ở khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, mà nay đang có xu hướng tăng ở các khu vực thành thị...

Tại tỉnh ta khi thi hành luật này cũng nhận thấy nhiều bất cập, chẳng hạn luật không quy định về quyền yêu cầu tuyên bố vô hiệu đối với việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân và quyền yêu cầu tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu. Tuy nhiên, Thông tư số 01/2016/TTLT- TANDTC-VKSNDTC-BTP có hướng dẫn quyền yêu cầu tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu, bao gồm: “Vợ, chồng hoặc vợ chồng đã thỏa thuận về chế độ tài sản; người bị xâm phạm, người giám hộ của người bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp do có thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng”. Song lại không hướng dẫn gì về quyền yêu cầu tuyên bố việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân bị coi là vô hiệu.

 Tiếp tục hoàn thiện

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhận định đúng là còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thi hành Luật HN&GĐ và ghi nhận nhiều đề xuất của các đơn vị, địa phương. Đối với công việc cần tiến hành trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ. Theo đó, tiếp tục quán triệt, phổ biến, nâng cao nhận thức về Luật HN&GĐ, đảm bảo các cơ quan từ Trung ương đến địa phương thống nhất trong cách hiểu, từ đó áp dụng thực hiện; đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa Luật HN&GĐ với các văn bản pháp luật khác điều chỉnh các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo tính khả thi của các quy định trong đời sống kinh tế - xã hội…

Thứ trưởng cũng đề nghị TANDTC nghiên cứu kịp thời ban hành những văn bản hướng dẫn áp dụng hoặc công bố án lệ đã được thống nhất xem xét áp dụng trong ngành tòa án; các ban, bộ, ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp hơn nữa nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực thi các quy định của luật, để giúp những quy định của luật phát huy hiệu quả trong thực tế.

Lê Ninh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cử tri xã Phan Điền:
Kiến nghị các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số
BTO-Chiều 23/12, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Thuận ông Lê Quang Huy - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Nguyễn Hữu Thông, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Phan Điền (Bắc Bình), thông báo kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan, lãnh đạo huyện Bắc Bình và xã Phan Điền.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều vướng mắc trong thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình