Theo dõi trên

Nhớ trăng!

22/03/2024, 05:20

Ngồi dưới trăng, thức với trăng mà lại bảo nhớ trăng, chuyện mới nghe thấy hơi kỳ cục. Thực ra nhớ trăng đây là nhớ xưa, nhớ về những mùa thơ ấu.

Trăng thì muôn đời, muôn nơi vẫn vậy, vẫn cứ khuyết, cứ tròn, vẫn cứ màu sáng xanh dịu mát. Khác chăng, ấy sự thay đổi của nhịp sống hiện đại, của con người hiện đại.

image.daidoanket.vn-images-upload-vanmt-05182021-_15c.jpg

Ngày xưa, xa lắm, thời mẹ còn trẻ, những câu hát ru nghe vời vợi nỗi niềm: “Xin đừng ham đó bỏ đăng/ Ham lê quên lựu ham trăng quên đèn”. Trăng ngày ấy được ví như người con gái cao sang, quyền quý, sống nơi lầu son gác tía. Còn đèn, loại đèn tim se bằng vải, bằng bông gòn, thắp bằng dầu phộng, dầu hôi giống như thân phận quê mùa của người phụ nữ sống hẩm hiu nơi thôn dã. Nên mới có lời ca so sánh, trách cứ buồn tê lòng đến vậy!

Nhưng lời ca ấy nếu đem ru vào thời hiện đại này sẽ không còn phù hợp chút nào. Nàng trăng bây giờ không còn là nàng trăng của ngày xưa, trăng không còn là thứ ánh sáng xanh huyền diệu ngự trị ở trần gian, trong lòng người. Trăng vẫn đó nhưng lạc lõng lắm, bơ vơ lắm. Điện, đèn điện, chính thứ ánh sáng rực rỡ này đã làm lu mờ ánh trăng, soán ngôi chị Hằng.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, con người cứ dần dần xa lánh thiên nhiên, người ta say sưa với tiện nghi máy móc, với những lập trình định sẵn. Một chiếc điện thoại thông minh cũng đã dư sức lôi cuốn, gom tóm cả không gian và thời gian trong đó. Rồi thêm những áp lực kiếm tiền, áp lực học hành… cứ thế, quay cuồng, mệt mỏi, mấy ai còn để ý đến trăng, tuổi thơ cũng dần xa trăng, quên trăng!

Nhớ trăng, tôi lại nhớ đến những Bích Khê, Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử… Cũng may, đất nước mình hồi ấy chưa phát triển, con người sống hài hòa trong thiên nhiên, hoang dã, được hưởng những thứ tuyệt vời của trời đất ban cho. Nếu không, làm gì có những vần thơ say đắm màu trăng, quyến rũ hương trăng, bồng bềnh bến trăng, sờ soạn dưới trăng: “Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu/ Đợi gió đông về để lả lơi (HMT)” hay như, “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay”. Và còn nhiều, rất nhiều những trăng của ngày xưa!

Ngày nay trăng trong thơ cũng có, nhưng ít nhiều là màu trăng của vay mượn, của tưởng tượng, đôi khi như thứ gia vị! Giống như người ta xây lầu vọng nguyệt rồi thắp điện sáng trưng vậy mà!

Nhớ trăng, tôi lại nhớ những mùa thơ ấu, nhớ con đường làng sáng ngập ánh trăng, nhớ những trò chơi dân dã như u mọi, trốn tìm… say mê đến trăng lên chót vót.

Nhớ trăng, tôi nhớ những mùa trâu đạp lúa, nhớ người gánh nước dưới trăng, nhớ những đêm trăng theo cha ra đồng câu cá…

Trăng và tuổi thơ ngày xưa sao nó thanh bình êm ái quá!

Và bây giờ, nhớ trăng, những đêm rằm, mười sáu có khi mười chín, hai mươi, tôi mở cửa sau, nơi còn mảnh đất nhỏ với vài cây bạch đàn, nơi không có ánh sáng điện chen vào, tôi tìm trăng trong kẽ lá, trong tiếng tắc kè kêu đêm và ở đó, bao la một trời kỷ niệm!

NGÔ VĂN TUẤN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Cuộc thi ảnh, video “Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam”
Sáng 20/3, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức lễ phát động cuộc thi ảnh, video “Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam”. Chương trình được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại Bình Thuận có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và các cơ quan truyền thông.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhớ trăng!