Bãi sau thuộc phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết vào một buổi sáng cuối vụ cá Nam vẫn rất đông tàu đánh cá cập bờ. Từng giỏ cá cơm đang còn tươi rói nhanh chóng được chủ tàu và bạn chài đưa xuống thúng. Từng tốp người đợi chờ để khuân, vác đưa cá vào bờ. Khi cá được đưa vào bờ, tiếng nói, tiếng chào, trả giá rôm rả cả một vùng biển. Sau khi thỏa thuận giá, từng giỏ cá cơm được bốc lên xe vận chuyển đến các lò hấp hay các cơ sở chế biến nước mắm tại thành phố Phan Thiết.
Theo nhiều ngư dân nơi đây, mỗi chuyến biển bắt đầu từ khoảng 2 - 3 giờ sáng và vào bờ lúc 7 giờ cùng ngày. Những ngày gần đây, trung bình ngư dân đánh bắt được 200 - 300 kg cá cơm/chuyến. Cá cơm có nhiều loại, nhiều tên như, cơm than, cơm nồi, cơm ba lài, cơm ngần, cơm sùng, cơm đỏ, cơm trắng, cơm săn….Hiện tại, giá cá cơm tại bến dao động từ 13.000 - 15.000 đồng/kg, tùy theo lớn nhỏ; trừ chi phí, các tàu thu được trên dưới 4 triệu đồng sau mỗi chuyến biển.
Cuối vụ, thế nhưng lượng cá cơm vẫn không giảm. Nguồn nguyên liệu dồi dào nên các cơ sở lò hấp cá cũng đang hoạt động hết công suất. Hằng trăm lao động biển cũng có việc làm thời vụ nhờ phơi cá cơm thuê cho doanh nghiệp, mỗi ngày công khoảng 150 ngàn đồng/ người. Các vựa này cho biết, để làm ra được 1kg cá cơm khô cần 3,5 kg cá tươi; thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc. Tuy nhiên, giai đoạn này, do tình hình dịch bệnh, nên việc vận chuyển cũng bị ảnh hưởng. Mặc dù khâu tiêu thụ đang có phần chậm, nhưng giá bán cá cơm vẫn đang ổn định.
Nhận định luồng cá cơm vẫn còn dồi dào, nên sau khi đưa cá lên bờ, các tàu lại chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo. Có thể nói, được mùa cá cơm ở cuối vụ Nam đã góp phần tạo việc làm, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho bà con ngư dân, góp phần trang trải các chi phí của những chuyến biển đầu năm không được thuận lợi.
Thanh Nhàn – Ngọc Lân