1. Cháu bé khoảng 9, 10 tuổi cùng mẹ đi mua thức ăn sáng. Người phụ nữ đẩy xe bán bánh bèo bán ở một lề đường, lối vào bên hông chợ Phan Thiết. Mẹ cháu đứng ngoài xe. Cháu vào nhận 3 hộp bánh bèo. Đứng gần quan sát, tôi thấy cháu nhận túi bánh bèo từ người bán bằng hai tay. Cháu đưa tiền cho người bán và nhận tiền thối lại cũng bằng hai tay. Cháu có hơi cúi đầu.
Tại một cửa hàng bán bánh mì gần nhà tôi ở, tôi vào mua bánh. Chủ tiệm đang đứng làm bánh. Một cháu gái độ 7, 8 tuổi đang trực cửa hàng cùng người thân. Cháu giao bánh cho khách. Cháu đưa túi bánh cho khách bằng một tay, tay phải. Nhưng kèm theo đó, bàn tay trái cháu để dưới cùi chỏ của cánh tay phải khi cháu đưa bánh, thối tiền. Cử chỉ ấy là một cách nhẹ nhàng nhưng rất lễ độ của cháu, dẫu cháu chỉ làm như vậy, và không nói một lời nào.
Một lần khác, tôi đến một hàng bán thức ăn sáng. Có cháu độ tuổi học cấp trung học cơ sở phụ mẹ bán hàng. Cháu đưa hộp bánh từ tay mẹ chuyển qua để giao cho khách, cháu đưa bằng hai tay. Cháu nhận tiền từ khách và nói: “Con cảm ơn!”.
2. Đến nhà một người quen do tôi có công việc. Hôm ấy, nhà anh có ba vợ anh ở quê lên thăm. Ông ngồi chơi trước sân nhà. Con anh chủ nhà đi học về, cháu ở độ tuổi học cấp trung học phổ thông. Cháu vào nhà, lẳng lặng, không thấy nói gì với ngoại. Cháu học tiểu học về sau, vừa bước vào nhà, cháu đã lễ phép, vui vẻ chào ông ngoại. Rồi cháu mới ra phía sau kể một vài mẩu chuyện ở trường cho mẹ nghe.
3. Một vài cử chỉ của các cháu ở độ tuổi còn rất nhỏ, là thoáng qua. Là người mua, nhìn thấy cử chỉ của cháu khi giao gói bánh, hộp thức ăn một cách lễ độ, nhã nhặn, tôi cảm thấy rất hài lòng. Còn đối với cháu nhận gói bánh từ người bán lớn tuổi bằng hai tay, cháu thật lễ phép. Những cử chỉ ấy, phần nào thể hiện điều cha mẹ, thầy cô đã dạy cho các cháu.
Đã từ rất lâu đời, việc chào người lớn tuổi, ông bà, chú bác, việc đưa, nhận vật gì từ người lớn bằng hai tay đã thể hiện sự lễ phép của các cháu nhỏ. Song ngày nay đã có hơi khác.
Quan sát các cháu có những biểu hiện khác nhau khi tiếp xúc với người lớn tuổi, tôi nghĩ về ý thức văn hóa của các cháu nhỏ khi sống giữa cộng đồng. Cử chỉ lễ phép ấy của những cháu khi gặp người lớn tuổi, người thân biểu lộ ra ngay, như từ trong tiềm thức của các cháu. Bởi, lúc ấy, tôi không nghe một lời dặn nào, lời nhắc nhở nào từ cha mẹ các cháu cả. Việc dạy dỗ ấy, có lẽ đã từ rất lâu trước đó. Để khi gặp người lớn tuổi, các cháu có những cử chỉ lễ phép một cách rất tự nhiên.
Cử chỉ lễ phép ấy, là một trong những dạng biểu hiện rõ rệt của văn hóa, dẫu là chỉ ở một khía cạnh. Bởi những cháu, ở độ tuổi còn rất nhỏ, đã ý thức được điều ấy là rất đáng khen. Từ khi còn nhỏ, các cháu đã có những lời nói, những cử chỉ lễ phép trước người lớn, thì tôi tin rằng, các cháu sẽ còn làm những điều tốt hơn nữa về sau.