Theo dõi trên

Những kỷ vật còn lại dưới hầm bí mật

02/02/2024, 05:46

Ngoài những sưu tập tài liệu, di vật trong kháng chiến chống Pháp gắn liền với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Bình Thuận dưới sự lãnh đạo của Đảng đang lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh, còn có tài liệu và kỷ vật liên quan đến 2 đồng chí lãnh đạo của Trung ương Đảng là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ trong thời gian hoạt động ở xã Bình Thạnh và xã Chí Công, huyện Tuy Phong.

Kỷ vật gắn với đồng chí Lê Duẩn ở xã Bình Thạnh

Trong kháng chiến chống Pháp, Bình Thạnh là một trạm của đường giao thông liên lạc của Đảng. Đã có rất nhiều đoàn cán bộ của Đảng bí mật ra, vào trên đường dây giao thông liên lạc đều dừng chân ở xã Bình Thạnh, trong đó có đoàn của đồng chí Lê Duẩn vào tháng 6/1947(1). Thời gian này địch đánh phá ác liệt và cho quân lùng sục thường xuyên, vì thế đoàn công tác và đồng chí Lê Duẩn chưa thể vào chiến khu Ô Rô để từ đó đi tiếp vào Nam. Việt Minh và Ủy ban xã Bình Thạnh giao cho gia đình bà Phạm Thị Nhường và chồng bà là ông Huỳnh Tiếng trực tiếp nuôi dưỡng và bảo vệ an toàn, tuyệt mật. Đây cũng là cơ sở mật của Khu 6.

bia.jpg
Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong.

Nhà bà Phạm Thị Nhường có căn hầm bí mật khá rộng, phía dưới có một chiếc giường nhỏ và đồ dùng sinh hoạt. 15 ngày ở đây, đồng chí Lê Duẩn được gia đình bà Phạm Thị Nhường nuôi dưỡng và bảo vệ an toàn cho đến khi vào chiến khu Ô Rô. Những khi địch càn quét, lùng sục, đồng chí Lê Duẩn trú ẩn dưới hầm bí mật trong nhà cụ Nhường và được bảo vệ an toàn. Trong thời gian lưu lại ở Bình Thạnh, đồng chí đã trực tiếp bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị cho cán bộ địa phương và giúp giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc trong chỉ đạo kháng chiến của huyện Tuy Phong lúc bấy giờ(2). Khi tình hình yên ổn, theo đường dây giao liên đoàn đi dần vào Nam. Đồng chí Lê Duẩn được Đảng, nhân dân tin cậy, giao phó nhiều trọng trách: Là Bí thư Xứ ủy Nam bộ, rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam; năm 1951, là Ủy viên Bộ Chính trị; từ năm 1960 là Bí thư thứ Nhất, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí Lê Duẩn một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhà lãnh đạo kiệt xuất, nhà lý luận xuất sắc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam.

Nắp hầm bí mật nơi đồng chí Lê Đức Thọ trú ở xã Chí Công

Một sưu tập tài liệu và kỷ vật khác liên quan đến hoạt động cách mạng của Trung ương Đảng ở Bình Thuận trong kháng chiến chống Pháp, đang được lưu giữ và bảo quản tại Bảo tàng tỉnh là nắp hầm bí mật và chiếc ù đèn đốt bằng dầu cá của bà Nguyễn Thị Tỵ ở làng Hà Thủy, xã Chí Công. Đây là nắp hầm bí mật nơi đồng chí Lê Đức Thọ ở và hoạt động cuối năm 1948, trên đường vào Nam công tác.

Theo lý lịch tài liệu và hiện vật: Tháng 9/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng đã cử một phái đoàn lớn gồm 30 cán bộ của Trung ương Đảng, Chính phủ và quân đội vào kiểm tra và chi viện cho chiến trường miền Nam. Đoàn do đồng chí Lê Đức Thọ - Ủy viên Thường vụ Trung ương dẫn đầu. Trong đoàn có bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Thứ trưởng Phủ Thủ tướng - Trưởng phái đoàn Chính phủ; đồng chí Dương Quốc Chính (Thiếu tướng Lê Hiến Mai), Trưởng phái đoàn của Bộ Tổng chỉ huy(3).

Từ căn cứ miền Bắc, sau hơn nửa năm đi bộ, băng rừng, lội suối vượt qua những khó khăn, thử thách, sự truy đuổi của kẻ thù đoàn đã đến ven biển Bình Thuận. Huyện ủy Tuy Phong được thông báo là đoàn sẽ ghé tại bãi Xép (phía ngoài bãi Gành Son). Huyện ủy Tuy Phong đã cử cán bộ cơ sở xã Chí Công ra đón đoàn về ở tại nhà bà Nguyễn Thị Tỵ, là hội mẹ chiến sĩ và là gia đình hoạt động cơ sở của Đảng ở làng Hà Thủy, xã Chí Công.

nap-ham-1.jpg
Nắp hầm bí mật nơi đồng chí Lê Đức Thọ trú ẩn năm 1948. (Ảnh Bảo tàng tỉnh cung cấp)

Có một sự trùng hợp thú vị là cũng tại làng Hà Thủy, cụ nghè Trương Gia Mô - một sĩ phu yêu nước và là nhà thơ Việt Nam ở những năm đầu thế kỷ XX sinh sống ở đây nhiều năm. Năm 1910, người thanh niên Nguyễn Tất Thành được cụ Trương Gia Mô viết thư giới thiệu với ông Hồ Tá Bang - một trong các sĩ phu sáng lập viên của Liên Thành Thương Quán và Trường Dục Thanh. Sau đó, ông Hồ Tá Bang đã cho người ra đón Nguyễn Tất Thành vào dạy học tại Trường Dục Thanh và trở thành người thầy dạy học ở đây.

Xã Chí Công thời điểm này có gần 300 hầm bí mật. Hầm bí mật nhà bà Nguyễn Thị Tỵ khá rộng và chắc chắn. Thời gian đồng chí Lê Đức Thọ ở Chí Công đã có các cuộc làm việc với tỉnh, huyện về phong trào kháng chiến chống Pháp. Những cuộc họp như vậy được canh gác nghiêm ngặt. Một lần quân Pháp từ bên Duồng đi tuần qua làng Hà Thủy, đoàn của Trung ương đã xuống hầm bí mật được an toàn.

Sau thời gian ở làng Hà Thủy, đồng chí Lê Đức Thọ và phái đoàn Trung ương đã vào tới căn cứ của Trung ương cục miền Nam tại Đồng Tháp Mười. Năm 1949, đồng chí được bầu làm Phó Bí thư Xứ ủy Nam bộ - một trong những lãnh đạo chủ chốt của cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân miền Nam.

Tư liệu, hiện vật về đồng chí Lê Duẩn và Lê Đức Thọ được Ty VHTT sưu tầm gần nửa thế kỷ qua đang lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh, là một trong những sưu tập quý giá kể về sự hoạt động của lãnh đạo Đảng trong giai đoạn khó khăn của lịch sử dân tộc. Đó là những kỷ vật sắt son của những bà mẹ và cán bộ đảng viên xã Bình Thạnh, xã Chí Công cùng Huyện ủy Tuy Phong trong lịch sử đấu tranh kiên cường, bất khuất luôn có niềm tin với Đảng. Những kỷ vật này đang được bảo quản một cách tốt nhất và đang góp phần quan trọng, thiết thực trong việc giáo dục, nâng cao tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ hôm nay.

Tài liệu tham khảo: 1. Lịch sử Tuy Phong tập I (1930 -1954). 2. Hồ sơ khoa học: Di tích LSVH nhà tưởng niệm đồng chí Lê Duẩn xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong. 3. Lý lịch tài liệu và kỷ vật đồng chí Lê Đức Thọ, năm 1977, Ty Văn hóa Thông tin Thuận Hải.

NGUYỄN XUÂN LÝ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thăm, chúc tết các tập thể, cá nhân huyện Bắc Bình
Mới đây, đồng chí Bố Thị Xuân Linh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã có chuyến thăm và chúc tết các tập thể, cá nhân trên địa bàn huyện Bắc Bình.
Nổi bật
Về miền Tây thăm “Vườn ông Sáu Dân”
Vừa qua, trong chuyến công tác tại một số tỉnh miền Tây, ghé Vĩnh Long, chúng tôi được giới thiệu tham quan khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay còn gọi là “Vườn ông Sáu Dân”. Với kiến trúc không gian mở, thiết kế hiện đại, ứng dụng công nghệ số, khu lưu niệm đã tạo nên nét riêng, dung hòa giữa sự trang trọng, thành kính, sâu lắng và sự thân thiện, gần gũi để từ đó truyền tải thông điệp về quê hương, gia đình, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn, quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những kỷ vật còn lại dưới hầm bí mật