Theo dõi trên

Những ngày tháng 7

15/07/2022, 08:30

Những cơn mưa dầm tháng 7 làm dịu cái hanh hao của mùa nắng hạn. Cây cỏ trong vườn vươn mầm non hồi sinh, lòng người cũng dịu đi sau những lo toan vất vả mưu sinh.

Hoàng hôn đổ dài phía chân trời, treo lơ lửng chút nắng cuối cùng trên tán cây gỗ chiều, rồi tắt lịm. Đêm buông màn ru vạn vật tìm vào giấc ngủ. Một ngày bình yên sắp sửa trôi qua.

mua.jpg
Ảnh minh họa.

Tháng 7 giao nhau giữa mùa hạ và thu nên khí trời ẩm ương khó chiều. Thoắt nắng rồi thoắt mưa. Mà đã mưa là mưa dầm đó. Mưa từ đêm vắt qua ngày rồi lại vắt sang đêm, có khi vài ba ngày mới tạnh. Bầu trời sa một màu nâu sẫm sũng nước trông buồn nao nao.

Đang độ nghỉ hè nên không phải bận rộn kèm cặp con cái học hành, cơm nước xong là xích võng hóng gió. Không gian tịch mịch miền quê cộng thêm hơi gió hiu hiu mát làm lòng tôi nhen nhóm một nỗi buồn nhớ nhà không thôi. Hồi trước, thể nào vào những tối mát trời chị em tôi cũng trải chiếu trước hiên nằm hóng gió, huyên thuyên kể những chuyện trên trời dưới đất cho tới tận khuya lơ khuya lắc mới chịu vô giường đi ngủ. Dĩ nhiên mẹ cũng nằm cùng chúng tôi, lại bắt đầu “hồi trước”, “ngày trước”, “ở quê”… Mẹ hay kể những chuyện từ hồi mẹ còn con gái về cái xứ sở tôi chưa bao giờ nhìn thấy chỉ có thể hình dung qua lời kể của mẹ. Với chúng tôi mẹ là một người bạn rất lạ kỳ, có thể la mắng, rồi lại âu yếm dịu dàng ngay được, có lúc chúng tôi sợ một phép nhưng cũng có khi cười đùa thoải mái như bạn bè bằng vai phải lứa.

Từ hồi lấy chồng, mỗi khi nghĩ về mẹ lòng tôi lại rưng rưng một nỗi buồn. Có ai đi lấy chồng xa nhớ cha nhớ mẹ mà vui bao giờ. “Chiều chiều chim bịp kêu chiều, bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau”. Thiệt tình mỗi khi nghĩ đến cha mẹ già yếu ở quê thì mắt lại sa nước vì thương. Bao nhiêu năm lặn lội làm thuê làm mướn lo cho con ăn học, ra trường nghề nghiệp ổn định đã theo chồng mất biệt, cả năm mới về mỗi dịp tết. Tính ra chưa kịp trả hiếu cho cha mẹ đã rũ cánh bay đi mất rồi. Chỉ nghĩ vậy thôi mà ruột gan đứt từng đoạn, thương mẹ cha tuổi già cô đơn, bệnh đau chẳng người chăm sóc.

Vào những ngày mưa dầm nỗi nhớ lại kéo tới dày hơn. Mưa thì làm được gì, chỉ ăn lại nằm, hết nằm lại ăn, rồi ngắm mưa. Thể nào cũng ước ao giá như ở gần nhà thế nào cũng đội mưa chạy về ngoại đổ bánh xèo ăn chơi, còn không thì bẻ bắp nướng như hồi còn nhỏ. Chỉ mới nghĩ vậy thôi là nước mắt chực tuôn rơi. Sao lạ kỳ vậy không biết, càng có tuổi lại càng hay nhớ nhà. Trái ngược hẳn hồi còn trẻ, chỉ muốn nhanh nhanh học hết 12 để vô thành phố, bay nhảy chỗ này chỗ nọ, nghỉ lễ có thời gian du lịch đó đây. Bây giờ càng có tuổi lại càng chỉ muốn trở về nhà để nghe mẹ kể chuyện vẩn vơ về người họ hàng nào đó xa lắc xa lơ, về con ông bà này ông bà kia làm ăn thành đạt dữ lắm. Hồi đó mỗi lần nghe mẹ khen con người ta thì âm thầm giận dỗi trong lòng vì nghĩ mẹ ngầm chê mình, còn giờ sao thích nghe mẹ kể mấy chuyện tầm phào đó. Mẹ còn kể được nghĩa là mẹ còn mạnh khỏe lắm, không vui sao được.

Nhỏ em gọi điện hẹn hò hè này cả đại gia đình sẽ đi Phú Quý chơi cho biết. Tôi hào hứng huyên thuyên về cảnh đẹp ở xứ biển quê chồng. Từ hồi nhỏ tới giờ tính ra cả gia đình chưa đi chơi cùng nhau lần nào, giờ tổ chức đi cũng là hợp lý. Ba mẹ già rồi, bệnh đau mấy năm nay, cũng nên tổ chức đi chơi cho ông bà khuây khỏa bớt. Mấy đứa con nít thì khỏi nói, nghe tin vui còn hơn tết về. Đi chơi biển mà đứa nào chẳng thích. Thế là mấy chị em phân chia nhau, người lo tham khảo thông tin lên kế hoạch đi những đâu, ăn món gì, người lo đặt vé phòng, vé tàu, người thì lo áo quần đồng phục cho đại gia đình…

Ai cũng háo hức chờ mong chuyến du lịch đầu tiên của đại gia đình. Đùng cái mẹ lâm bệnh thế là kế hoạch đành tạm thời gác lại tập trung lo điều trị cho mẹ. Nằm trong phòng bệnh, mẹ cứ kể hoài chuyện hồi còn nhỏ, hồi còn trồng mãng cầu na, cứ mùa mưa dầm vầy lại lo na thúi không bán được, đội mưa đi bao từng trái. Rồi mẹ kể về nồi bắp nếp còn bốc khói những ngày mưa không đi làm mướn được nên bẻ bắp luộc ăn sáng. Có hôm mẹ đổi món bung bắp già. Kể ba điều bốn chuyện chán chê mẹ kết luận “công nhận hồi xưa khổ thiệt ha!”. Tôi phải quay mặt đi hướng khác len lén chùi nước mắt. Cái hồi mẹ còn mạnh tay mạnh chân thì thiếu thốn khó khăn, ăn chỉ mong no bụng, giờ kinh tế khá giả hơn thì mẹ lại bệnh đau suốt phải kiêng cữ đủ thứ chẳng dám ăn gì. Hồi xưa cứ nghĩ chỉ cần mình cố gắng làm việc đến khi có tiền sẽ lo cho mẹ đủ đầy hơn xưa, ai mà ngờ khi kinh tế ổn định thì mẹ chẳng còn sức khỏe để hưởng thụ nữa.

Nằm trong bệnh viện đúng dịp mưa dầm tháng 7. Có mấy giọt mưa tạt vào cửa kính bám riết chẳng chịu rơi, trông như những giọt lệ. Trời khóc điều chi mà rỉ rả ngày đêm khiến lòng người thêm sầu. Trong giấc ngủ chập chờn giữa không gian đặc mùi thuốc sát khuẩn, tôi mơ về rổ bắp nếp vừa luộc còn đương bốc khói nghi ngút, có con nhỏ háu ăn bốc vội cái bắp to phải xuýt xoa vì nóng phỏng tay, cả nhà được một phen cười no bụng. Tôi cũng ngoặt nghẽo cười hòa cùng mẹ, cùng chị, cùng em. Hôm đó, hình như là một ngày mưa dầm thì phải…

NGỌC VY


(0) Bình luận
Bài liên quan
Lễ đón nhận Lễ hội Dinh Thầy Thím vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
BTO-Sáng 14/7, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp UBND thị xã La Gi tổ chức lễ đón nhận Quyết định của Bộ trưởng Bộ VHTTDL đưa Lễ hội Dinh Thầy Thím vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một trong những hoạt động kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992 - 2022).
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những ngày tháng 7