Nhớ lại một bài hát từ thời kháng chiến chống Pháp: “Ai bảo chăn trâu là khổ? Chăn trâu sướng lắm chứ?”.
Bọn chăn trâu quần áo tả tơi, đầu trần chân đất, tóc khét nắng, da màu bùn, vai mang cái mo cau gói cơm, tay cầm roi mây, giắt cái ná thun, khỏi cần đem theo nước, chỗ nào trâu uống được là tụi nó uống được! Chăn trâu cũng có “số má”, chọc trời khuấy nước trên đầu nào biết có ai! Hồi nhỏ khi nghe bài hát này, bọn nó hỏi: Ai sáng tác vậy? Người ấy có đi chăn trâu đâu mà biết sướng hay khổ? (nhạc phẩm “Em bé quê” của nhạc sĩ Phạm Duy).
Láo thật, bọn này dám hỗn với bậc trưởng thượng, bậc tiền nhân. Nhưng nghĩ lại… nó cũng có cái lý của nó. Chăn trâu nó khổ như… con trâu, “Ngồi mình trâu phất ngọn cờ lau và miệng hát nghêu ngao”… để trâu vào ăn lúa à? Chăn không khéo để trâu ăn lúa thiên hạ là chết toi đấy! Chăn trâu cũng có những thằng lưu manh, nhưng lưu manh rất… dễ thương, tôi là một trong những thằng chăn trâu lưu manh trong đám dễ thương ấy!
Dưới con mắt văn nghệ sĩ, chăn trâu, được vẽ qua thơ, nhạc, hội họa… nghĩa là tất cả những hình ảnh tốt đẹp dành cho bọn chăn trâu (xin lỗi, tôi dùng chữ “bọn” vì không ai gọi là em, anh, ông… chăn trâu, tất cả là bọn, hay thằng!).
“… Em bé thơ ơi, trên mình trâu nắng em ước mơ những gì…” (Phạm Thế Mỹ).
Quả thật, hình ảnh chăn trâu đẹp lắm, ít nhất là đẹp qua thơ ca, nhưng không biết tại sao, người đời đã vô tình hay cố ý trút lên đầu bọn chăn trâu nào là: Đồ thứ chăn trâu, bọn chăn trâu, lũ chăn trâu, ngu như chăn trâu… Ô hay, chăn trâu nào có tội tình chi?
Từ những năm 60 trở về trước, chăn trâu đâu có dễ, đâu có trâu để mà chăn? Chỉ có điền chủ, người giàu mới có trâu, họ cho mướn trâu để cày bừa, người nghèo đi chăn trâu thuê để cuối năm đổi lấy lúa, và những thằng theo bọn chăn trâu để… bắt dế, bắt chim, bắt cá và thành lập băng nhóm đá banh, đánh lộn và lén vào vườn, rẫy bẻ trộm trái dưa, trái ổi…
Những dòng nhạc nói về chăn trâu của một thời mỗi khi có dịp nghe lại đã khơi dậy trong tôi nỗi nhớ quê nhà, nhớ cái thời chăn trâu “đầu đội trời, chân đạp đất”, tiêu hao sinh lực trong những ngày hè chói chang nắng, rét run với hai hàm răng đánh bò cạp trong những chiều mưa giông trắng xóa ruộng đồng, và hoang phí tuổi thơ một cách vô tư như đàn trâu gặm cỏ.
Chăn trâu thời kháng chiến sao mà nó khổ như… trâu. Có đôi khi phải chăn ban đêm, vì ban ngày sợ máy bay Pháp bắn, và ban ngày muốn lùa trâu sang một cánh đồng khác, phải canh chừng máy bay và lùa thật nhanh. Tôi nhớ cánh đồng nước lợ và cây mắm gần sở muối sau Cửa Cạn (nay thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam), nơi đây máy bay Pháp bắn một đàn trâu năm bảy chục con chết đen đồng. Ngày ấy quê tôi không ai ăn thịt trâu, vì “con trâu là đầu cơ nghiệp” chỉ có quà quạ kền kền ngày đêm rỉa rói chỉ còn lại những cặp sừng và những bộ xương to như khủng long mà mỗi lần có dịp đi ngang qua đây không khỏi rùng mình!
“Ai bảo chăn trâu là khổ/ Chăn trâu sướng lắm chứ!...”. Muốn biết chăn trâu sướng hay khổ, hãy đi chăn trâu một lần cho biết. Nhưng hình như trâu ở thế kỷ 21 này trâu ở trong… lò nhiều hơn ở ngoài đồng.
Và bây giờ, hơn nửa thế kỷ đã đi qua, nhưng tôi không thể nào quên, một hình ảnh đẹp và hồn nhiên, ngày đó những đứa trẻ i tờ chăn trâu như chúng tôi có bổn phận và trách nhiệm hàng ngày phải ghi nhớ trong thời khắc biểu:
“… Lùa trâu nhốt chuồng gánh nước nữa là xong
Khoai lùi bếp nóng ngon hơn là… vàng!”.
Bạn có bao giờ ăn khoai lùi tro? Bây giờ giờ chỉ có khoai lang nướng, làm gì có tro để mà lùi? May ra còn ở những vùng quê chưa đô thị hóa. Hãy ăn khoai lang lùi một lần để biết là nó “ngon hơn là vàng?”.