Anh Hàn Đức Hòa và con trai bên chậu cây bon sai. |
Chơi cây giữ chí
Cuối năm, chúng tôi có dịp ghé quán cà phê Nét Việt - nơi sinh hoạt của các thành viên câu lạc bộ (CLB) sinh vật cảnh Phan Thiết, nằm trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh. Nơi đây được xem là địa điểm lý tưởng với dòng Cà Ty uốn lượn, hàng cây cổ thụ vươn bóng mát rượi bên sông. Trong khuôn viên quán là vô số sắc xanh của cây cảnh đang đọng giọt sương mai. Từng dãy bonsai được các thành viên mang đến để trưng bày, tạo dáng và trao đổi kinh nghiệm chăm sóc. Theo quan sát của chúng tôi, đa số các loại bonsai ở đây thuộc loại trung, mini và “siêu mini” như linh sam, sam núi, sam hương hồng ngọc, dương…
Như thường lệ, đều đặn mỗi sáng cuối tuần, các thành viên CLB lại tụ hội ở quán cà phê này, mỗi nhóm có một giờ khác nhau tùy theo điều kiện thời gian. Mới 7 giờ sáng, anh Hàn Đức Hòa - một thành viên CLB có niềm đam mê cây cảnh hơn chục năm vui vẻ đón chúng tôi. Vừa nhâm nhi ly cà phê sáng, trên tay anh là chậu bonsai mini và cây kềm cắt. Bàn tay anh nhẹ nhàng, chậm rãi tỉa từng chiếc lá nhỏ xíu của cây sam núi. Thỉnh thoảng, anh ngắm nghía từ nhiều phía để tạo dáng cho cây. Anh Hòa cho biết, hiện nhà anh có hơn 50 cây bonsai các loại, với nhiều dáng như thác đổ, dáng trực, dáng cây bài, dáng bay, dáng cây quái...
“Chỉ cần chiếc kềm, vài đoạn dây nhôm…và chuyên tâm vào cây, đã giúp tôi gửi gắm nỗi niềm của mình, để tạm quên cuộc sống bận rộn với công việc áp lực. Cũng xuất phát từ niềm đam mê cây cảnh, tôi đã tìm được những người bạn tâm giao trên khắp mọi miền và giúp tôi rèn được chữ “nhẫn” trong cuộc sống, đúng như câu “chơi cây giữ chí” mà tôi thường nghe trong giới chơi cây cảnh…”- anh Hòa tâm sự.
Kết nối đam mê
Anh Vũ Công Định nhà ở thôn Xuân Tài, xã Phong Nẫm, vốn là người đam mê tiểu cảnh, non bộ đã nhiều năm nay. Với niềm đam mê và kinh nghiệm của mình, 2 năm nay anh mở tiệm bán cây cảnh và thiết kế, trang trí hòn non bộ trên đường Lê Duẩn (TP. Phan Thiết). Anh Định cho biết, chơi bonsai tốn khá nhiều thời gian và công sức, tiền bạc, nhưng giá trị của từng loại cây sau khi được chăm sóc, tạo dáng hoàn thành cũng có giá trị riêng của nó. Tùy loại, kích cỡ và thời gian chăm sóc, tạo dáng, bình quân giá bán mỗi cây đến tay người chơi từ năm triệu đến hàng chục triệu đồng. Thậm chí, theo chia sẻ của một thành viên khác như Tống Duy Long, những cành phôi sau khi tìm mua về (chủ yếu tìm trên rẫy, núi ở nhiều miền đất khác nhau), giai đoạn chăm sóc từ phôi đến khi cây thành hình, tạo dáng có thể kéo dài 5 - 10 năm. Sau đó, chủ nhân sẽ tìm cho cây một chiếc chậu hợp dáng, mang tính nghệ thuật và dĩ nhiên giá của những loại cây này cũng khá cao, chẳng hạn sam núi chỉ lớn bằng chiếc cốc đã trên 10 triệu đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Phương - Chủ nhiệm CLB sinh vật cảnh Phan Thiết, hiện đang làm giám đốc một công ty chuyên sấy khô thanh long cho biết, ở Bình Thuận phong trào chơi bonsai hiện lên đến hàng trăm người. Riêng CLB sinh vật cảnh Phan Thiết vẫn duy trì khoảng 20 thành viên và hoạt động 7 năm nay. Theo ông Phương, lý do gắn kết những “nghệ nhân” nghiệp dư chỉ đơn giản là chung niềm đam mê. Giữa bộn bề lo toan cuộc sống, chơi cây cảnh được xem là một thú vui tao nhã, kết nối nhiều người với nhau. Ngoài những cây có vóc dáng tự nhiên, người chơi còn tự tạo thế cho cây, tạo thành một bức tranh thiên nhiên thu nhỏ để gửi gắm tâm hồn, tình cảm của mình vào đó…
Tết đến xuân về, những “nghệ nhân” đam mê bonsai như những chú ong cần mẫn, uốn tỉa để có những dáng cây như ý, đặt trang trọng trong ngôi nhà vào những ngày xuân. Tết này, CLB sinh vật cảnh Phan Thiết dự định sẽ phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức triển lãm sinh vật cảnh, để phục vụ nhu cầu du xuân của người dân, góp phần tô điểm sắc xanh cho cuộc sống...
Kiều Hằng