Niềm vui nhân đôi
Hôm ấy, đoàn của Ban công tác phía Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về huyện Đức Linh để khảo sát các mô hình phụ nữ đang hoạt động trên địa bàn huyện. Khi được Hội Phụ nữ huyện Đức Linh đề cập đến mô hình Hội những người mẹ chiến sĩ tại xã Vũ Hòa, mọi người trong đoàn đều tỏ ý tâm đắc và muốn trực tiếp tìm hiểu thêm về mô hình này. Ngay trong hôm đó, đoàn đã xuống cơ sở và trực tiếp dự buổi sinh hoạt của Hội những người mẹ chiến sĩ. Đoàn đã đánh giá cao về mô hình này, một mô hình mới và đặc biệt. Không chỉ phát huy truyền thống cách mạng anh hùng của những người phụ nữ Việt Nam, mô hình còn đem lại hiệu quả thiết thực trong góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng tại địa bàn. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết đang xem xét và nhân rộng mô hình này đến các tỉnh, thành phía Nam trong thời gian tới.
Bà Tâm và bà Tơ đang thảo luận về công tác hội thời gian tới. |
Bà Đỗ Thị Tâm – Chủ nhiệm Hội những người mẹ chiến sĩ xã Vũ Hòa là người vui mừng nhất. Niềm vui nhân đôi vì mới đây thôi, hội đã được xã có lời khen trong làm tốt công tác tư tưởng cho thanh niên lên đường nhập ngũ. Mỗi năm, Vũ Hòa được huyện giao chỉ tiêu tuyển quân từ 13 đến 16 người và năm nào Hội những người mẹ chiến sĩ xã cũng vận động con em trên địa bàn xã trúng tuyển nghĩa vụ quân sự lên đường nhập ngũ. Để làm gương cho các gia đình khác, họ đã vận động ngay chính con cháu trong gia đình mình sẵn sàng lên đường nhập ngũ, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, năm nào Vũ Hòa cũng thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu giao quân, được huyện đánh giá cao. Ngay lúc đầu, chỉ có 12 hội viên, chỉ có chừng ấy đôi vai của người phụ nữ đã kề lại gần nhau chỉ vì mục đích duy nhất là giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Rồi hội được ra đời, hình thành tự phát như thế và cũng hoạt động âm thầm như thế nhưng bây giờ được công nhận, đánh giá cao làm sao không mừng được. Thành quả, công lao lớn này thuộc về Hội những người mẹ chiến sĩ, những người ngay từ đầu khi hội ra đời đã nghĩ đến chuyện phải hướng con em mình trong xã thành những chiến sĩ nhỏ.
Hiệu ứng 2 triệu đồng
“Đâu chỉ thế, điểm mạnh chính của hội là giúp nhau phát triển kinh tế, cháu à”, bà Đỗ Thị Tâm, Chủ nhiệm hội giới thiệu thêm cho tôi biết về hoạt động hội trong một ngày đầu tháng 9 ngay tại nhà bà ở thôn 5, xã Vũ Hòa. Năm nay, bà Tâm đã 70 tuổi nhưng trông rất trẻ, khỏe so với tuổi. Với cách nói chuyện rất gần gũi, tôi cảm nhận trong giọng nói dịu dàng mềm mỏng của người phụ nữ gốc Bắc ấy là sự kiên nghị, vượt qua khó khăn nghịch cảnh. Họ đang là những “chiến sĩ” trong thời bình, trong cuộc sống có thể ví vững chãi như cây tùng, cây bách. Những ký ức ngày xưa như trở về, nhấp ngụm trà nóng bà Tâm nói với bà Tơ: “Nếu không có 2 triệu đồng tiền vốn vay của Hội những người mẹ chiến sĩ thì chắc cuộc sống của bà cũng không được như bây giờ nhỉ”. Bà Tơ tiếp lời: “ừ, tôi còn nhớ rất rõ, những năm 1978 khi rời quê hương vào xã Vũ Hòa lập nghiệp, lúc đó đối diện với rất nhiều khó khăn. Cả bà và tôi đều phải đi làm thuê làm mướn khắp nơi để nuôi các con ăn học. Sau này, khi thành lập được Hội những người mẹ chiến sĩ, nhờ có nguồn quỹ hội mà nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn như tôi được vay để phát triển kinh tế thoát nghèo”.
Bà Tơ đang chăm sóc đàn gà. |
Xét thấy hoàn cảnh gia đình bà Tơ khó khăn, chồng là liệt sĩ, một mình nuôi hai đứa con thơ dại nên hội đã cho bà vay với số vốn 2 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi 50 con gà lấy thịt. Sau 4 tháng nuôi, chăm sóc, lứa gà lấy thịt đầu tiên xuất chuồng và bà thu lãi khoảng 2 triệu đồng. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, từ đồng vốn tích lũy trong chăn nuôi gà bà đầu tư chăn nuôi thêm heo nái. Với mô hình chăn nuôi trên, không những giúp bà trả hết số vốn vay mà còn có được cuộc sống ổn định hơn và lo cho các con ăn học, tìm được công việc ổn định. Mặc dù ở cái tuổi xưa nay hiếm (78 tuổi), làn da đã hằn nhiều vết nhăn của thời gian nhưng đôi mắt bà Tơ vẫn còn sáng, chân bước đi thoăn thoắt. Hiện bà vẫn duy trì mô hình chăn nuôi gà, heo nái để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Ngoài ra, bà còn gắn bó, nhiệt huyết với với vai trò là Chi hội phó Hội những người mẹ chiến sĩ xã Vũ Hòa từ khi thành lập đến nay và còn tham gia vào công tác Hội Chữ thập đỏ, Hội Người cao tuổi của thôn. Lật những trang sổ ghi chép rõ ràng, cẩn thận về các hoạt động xã hội, tôi cảm thấy khâm phục ý chí và niềm hăng say công tác hội của bà.
Với mức đóng tiền quỹ hội 500.000 đồng/người (đóng nhiều đợt), đến nay Hội những người mẹ chiến sĩ xã Vũ Hòa đang quản lý 32 triệu đồng và đã cho 20 lượt hội viên vay xoay vòng vốn với lãi suất thấp để phát triển kinh tế gia đình. Với số vốn được vay từ 2 đến 5 triệu đồng, đã có nhiều hội viên sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả và từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ngoài bà Tơ, còn có bà Nụ cuộc sống cũng khấm khá lên nhờ vốn vay của hội để chăn nuôi hay bà Dậu vay vốn nuôi con học đại học mầm non và đã ra trường có việc làm ổn định…
“Hội những người mẹ chiến sĩ xã Vũ Hòa ra đời là nơi tập hợp những người mẹ, vợ, con liệt sĩ, những người phụ nữ từng tham gia cách mạng và cả những người mẹ, người vợ chiến sĩ trong thời bình”, bà Tâm cho biết. |
Điểm tựa hậu phương
Hội những người mẹ chiến sĩ xã Vũ Hòa là nơi gắn kết những người phụ nữ được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương giàu truyền thống cách mạng như Thái Bình, Bình Trị Thiên... Sau khi đất nước thống nhất, vì cuộc sống quá khó khăn, họ phải rời quê hương cùng gia đình vào Nam đi kinh tế mới và định cư ở xã Vũ Hòa những năm 1979. Xuất phát từ chỗ cần có chỗ dựa tinh thần, tương trợ, động viên hỗ trợ nhau những lúc khó khăn, gian nguy nhất, Hội những người mẹ chiến sĩ xã Vũ Hòa ra đời vào năm 2004. Từ 12 thành viên ban đầu, đến nay hội đã kết nạp được 70 thành viên tham gia và hoạt động 6 tổ/6 thôn, người ít tuổi nhất là 55, người cao tuổi nhất là 90. Những năm qua, hội đã kịp thời thăm hỏi, động viên các hội viên những khi ốm đau, bệnh tật, thăm tang chế và mừng thọ. Đặc biệt, khi có hội viên qua đời, hội sẽ hoàn trả cho gia đình số tiền 500.000 đồng quỹ hội đã đóng ban đầu. Ngoài ra, hội còn vận động các mạnh thường quân ủng hộ các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa… Chị Trần Thị Ý Nhi – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đức Linh cho biết, từ hiệu quả của mô hình Hội những người mẹ chiến sĩ xã Vũ Hòa đem lại, Hội Phụ nữ huyện Đức Linh đã cho nhân rộng mô hình này ra 5 xã: Trà Tân, Đức Tín, Đức Chính, Nam Chính, Mê Pu với tên gọi Tổ phụ nữ giúp quân đội. Với cách thức hoạt động giống nhau, tuy không quy mô bằng Hội những người mẹ chiến sĩ ở xã Vũ Hòa nhưng bước đầu Tổ phụ nữ giúp quân đội đã hoạt động khá hiệu quả trong tuyên truyền, vận động con em lên đường nhập ngũ hay lo công tác hậu cần cho các chiến sĩ luyện tập tại nơi đóng quân…
Ánh nắng chiều dần tắt, trước khi chia tay những người mẹ chiến sĩ xã Vũ Hòa, tôi nhận được lời mời trở lại đây trong dịp nhân ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 để tham gia buổi sinh hoạt tọa đàm ôn lại truyền thống và giao lưu văn nghệ cùng các mẹ.
T.T