Theo dõi trên

Những nguy cơ đặt ra từ cuộc khủng hoảng chính trị ở Pakistan

13/04/2022, 08:59

Thủ tướng Pakistan - Imran Khan bất ngờ bị bãi nhiệm và một chính phủ mới nhậm chức là thông tin thu hút sự chú ý ở khu vực. Tình hình tại Pakistan lúc này rất ngổn ngang về mọi mặt, đặt ra những thách thức mới cho tân Thủ tướng Shehbaz Sharif.

Thách thức với tân Thủ tướng Pakistan

Việc cựu Thủ tướng Imran Khan bị phế truất cuối tuần qua được coi là một bước ngoặt, mở đường cho hệ thống chính trị tại Pakistan thiết lập lại trật tự mới và bắt đầu giải quyết những vấn đề kinh tế xã hội đang rất cấp thiết trong nước. Tuy nhiên, nói là vậy, nhiệm vụ đó không hề dễ dàng với tân Thủ tướng Shehbaz Sharif cùng Chính phủ mới sắp ra mắt tại Islamabad. Tình hình tại Pakistan lúc này rất ngổn ngang về mọi mặt. Đó là một nền kinh tế trên bờ vực đổ vỡ. Đó là văn hóa chính trị ngày càng độc hại và chia rẽ giữa các đảng phái, giữa cánh lập pháp và hành pháp. Đó là mối quan hệ đối ngoại căng thẳng và kém tin cậy với các đối tác lớn. Đó là chưa kể nền quản trị công sai lầm trong chính sách và hệ thống hành chính không ổn định. Đây là những thứ mà tân Thủ tướng Sharif sẽ phải đối mặt trong những tháng tới.

pakistan.jpg
Tân Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif. Ảnh: Reuters

Có 3 nhóm vấn đề hiện tồn tại mà chính phủ mới sẽ phải đối mặt. Thứ nhất, ông Shehbaz Sharif sẽ phải lãnh đạo một liên minh cầm quyền khá lộn xộn về mặt thành phần. Các thành viên trong liên mình này thậm chí còn mâu thuẫn về lợi ích. Họ chỉ tập hợp lại với lý do duy nhất là muốn lật đổ cựu Thủ tướng Imran Khan. Và khi đã hoàn thành chương trình nghị sự một điểm duy nhất đó, rất khó để có thể đoàn kết họ lại cùng làm việc, giải quyết các vấn đề của đất nước. Các nhà quan sát tại Pakistan cho rằng sẽ không có chính trị gia nào trong liên minh này chịu hy sinh lợi ích chính trị của mình. Và vì thế, khối chính trị cầm quyền sẽ bị giằng co, lôi kéo theo các hướng khác nhau.

Thử thách thứ hai với chính quyền mới là thời gian. Trước mắt, Thủ tướng Shehbaz Sharif có thể giữ được liên minh phức tạp này trong vòng vài tháng để triển khai các biện pháp kinh tế khẩn cấp, thực hiện một số biện pháp chính trị và pháp lý để đảo ngược các quyết sách của cựu Thủ tướng Imran Khan. Nhưng rất khó để liên minh này tồn tại tới tận tháng 8 tới, khi mà Quốc hội khóa này kết thúc nhiệm kỳ. Pakistan nhiều khả năng sẽ phải tổ chức bầu cử sớm. Và để chuẩn bị cho cuộc bầu cử đó, một nội các lâm thời sẽ đứng ra đảm nhận công việc từ tháng 6 (nếu kịch bản bầu cử vào tháng 9) hoặc vào tháng 9 (nếu kịch bản bầu cử vào tháng 12). Với lịch trình hạn hẹp như vậy, khó có thể kỳ vọng nhiều vào kết quả khả quan.

Một nhiệm vụ đáng chú ý nữa là việc Chính phủ liên minh mới có thể muốn loại bỏ các vị trí chủ chốt trong chính quyền Trung ương, và địa phương vốn được coi là thân cận với cựu Thủ tướng Imran Khan. Trong số này có cả các vị trí Tổng thống, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hạ viện. Đồng thời tại ít nhất 4 tỉnh, các đảng trong liên minh cầm quyền cũng có thể sẽ phải vận động để giải tán cơ quan lập pháp địa phương và tổ chức bầu cử sớm để có thể lên nắm quyền tại các địa phương này. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng vào thời điểm và bối cảnh hiện tại.

Tất cả các nhiệm vụ đó là quá lớn, nhưng chúng vẫn chưa khẩn cấp bằng bài toán kinh tế đang rất ngổn ngang ở phía trước. Vấn đề của Pakistan hiện tại là đồng nội tệ rupee tiếp tục đà mất giá so với đồng USD. Dự trữ ngoại hối đã xuống tới ngưỡng nguy hiểm và được dự báo sẽ sớm cạn kiệt. Lạm phát cũng là một vấn đề kinh tế lớn khi các khoản trợ cấp sẽ sớm phải kết thúc. Khi đó giá điện và nhiên liệu sẽ sớm tăng mạnh, tác động tới đời sống người dân. Ngay cả khi Pakistan thu xếp được các khoản vay tạm thời vài tỷ USD từ các nhà tài trợ như Saudi Arabia, Trung Quốc, UAE hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đó cũng chỉ là các biện pháp ngắn hạn, chưa thể giải quyết được vấn đề cốt lõi của khủng hoảng kinh tế.

Sự dịch chuyển chính sách đối ngoại

Chính phủ tiền nhiệm của ông Shehbaz Sharif từ năm 2018 đã bày tỏ quan điểm “không thân thiện với Mỹ”, đồng thời xích lại với Trung Quốc và gần đây là Nga.

Quan hệ đối ngoại của Pakistan với các cường quốc và cả các láng giềng trong 4 năm vừa qua có nhiều bất ổn và thiếu sự cân bằng. Chính quyền của cựu Thủ tướng Imran Khan đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc bằng việc tham gia sâu vào Sáng kiến Vành đai và Con đường, tăng cường các kết nối kinh tế với Bắc Kinh thông qua các khoản vay, các dự án hạ tầng. Trong khi đó, chính quyền Islamabad lại có nhiều bất đồng với đồng minh Mỹ, đặc biệt trong hợp tác chống khủng bố và xử lý các vấn đề liên quan tới Afghanistan. Với nước láng giềng Ấn Độ, Pakistan duy trì chính sách khá cứng rắn và cắt đứt đối thoại, đặc biệt liên quan tới vấn đề lãnh thổ tranh chấp Kashmir. Quan hệ chính trị căng thẳng giữa đôi bên khiến các hoạt động hợp tác song phương bị đình trệ.

Trong một tuyên bố chính thức mới nhất, chính phủ mới của Pakistan đã phát đi mong muốn duy trì mối quan hệ mang tính xây dựng và tích cực với Mỹ; thúc đẩy các mục tiêu chung là hòa bình, an ninh, phát triển tại khu vực. Đây là động thái nhằm đáp lại việc Mỹ hoan nghênh ông Shehbaz Sharif trở thành Thủ tướng mới của Pakistan. Cải thiện quan hệ với Mỹ có thể là một ưu tiên của Islamabad thời gian tới. Pakistan và Mỹ vẫn còn nhiều mối ràng buộc lợi ích, và vì thế có thể sẽ sớm tìm ra giải pháp “làm ấm” lại sự hợp tác. Tuy nhiên, thực tế sẽ kiểm nghiệm cách điều chỉnh chính sách đối ngoại của Pakistan theo hướng cân bằng hơn sẽ như thế nào.

Ảnh hưởng của bất ổn chính trị tại Pakistan đến khu vực

Những căng thẳng chính trị ở Pakistan được cho vẫn chưa dừng lại khi đã có 100 nghị sĩ từ chức để phản đối tân Thủ tướng. Điều này làm dấy lên nguy cơ bất ổn chính trị kéo dài ở Pakistan.

Pakistan là một trong hai quốc gia tại Nam Á sở hữu vũ khí hạt nhân. Nước này cũng là một trong những quốc gia Hồi giáo lớn, giữ vị trí địa chính trị quan trọng tại Nam Á, cũng như tiếng nói thế giới Hồi giáo. Bất ổn chính trị và khủng hoảng kinh tế nếu kéo dài tại đây sẽ tạo ra nhiều hệ lụy lâu dài với khu vực.

Trước tiên là bài toán an ninh. Pakistan là nước láng giềng có nhiều mối liên hệ nhất với Afghanistan hiện đang do lực lượng Taliban cầm quyền. Bản thân trong lãnh thổ Pakistan cũng đang có nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan và các các phần tử khủng bố ẩn náu. Bất ổn chính trị và đời sống người dân đi xuống sẽ kéo theo các phong trào phản kháng trỗi dậy, khủng bố tận dụng được thời cơ để xuất hiện và gây ra các vụ việc. Những bất ổn này sẽ không chỉ gói gọn trong lãnh thổ Pakistan mà sẽ còn để lại hệ lụy với các quốc gia láng giềng như Afghanistan hay Ấn Độ./.

VOV.VN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Mỹ yêu cầu nhân viên không thiết yếu rời khỏi lãnh sự quán tại Thượng Hải
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 11/4 đã yêu cầu các nhân viên làm nhiệm vụ không thiết yếu rời khỏi lãnh sự quán Mỹ tại Thượng Hải, Trung Quốc do số ca mắc Covid-19 tăng mạnh tại thành phố này và tác động của các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt.
Nổi bật
Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024): Chiến thắng vĩ đại của dân tộc anh hùng
70 năm trước, ngày 7/5/1954, khi ngọn cờ Tổ quốc tung bay trên nóc hầm Đờ Cát Tơ ri, kết thúc 56 ngày đêm chiến đấu oanh liệt của quân dân ta, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta… đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam như một chiến thắng vĩ đại của một dân tộc anh hùng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những nguy cơ đặt ra từ cuộc khủng hoảng chính trị ở Pakistan