Theo dõi trên

Những nốt u hoài từ “Xót tiếng rao đêm”

01/12/2023, 04:55

“Xót tiếng rao đêm” là tên của bài thơ được in trong Thi tập: “Trăng quê khuyết nửa” của nhà thơ Võ Thị Hồng Tơ, Nhà Xuất bản Văn học xuất bản năm 2006.

Võ Thị Hồng Tơ là một nhà thơ nữ rất quen thuộc của Bình Thuận. Chị đã từng nhận được nhiều giải thưởng về thơ, cả trong và ngoài tỉnh. Năm 2017, chị đã nhận được giải C Giải thưởng Văn nghệ Dục Thanh với tập thơ: “Một thoáng xanh xưa”.

tap-tho.jpg

Toàn bài thơ “Xót tiếng rao đêm” là những nốt trầm buồn, là sự thấu cảm sâu sắc của nhà thơ trước tiếng rao của một người phụ nữ bán xôi đêm mưa.

Âm hưởng chủ đạo của bài thơ là tiếng rao. Tiếng rao - lời mời đã được nhà thơ nhắc đến sáu lần trong bài. Đó là: “tiếng rao đêm”, “lời mời”, “tiếng rao khản”, “mời”, “rao”, “em rao”. Tiếng rao ấy gợi những nỗi xúc động rất mạnh trong lòng nhà thơ. Là tiếng rao “mệt lả”, “khản”... Tiếng rao ấy, từ nợ áo cơm phải ngược xuôi muôn ngả, là những nốt u hoài, điệu rưng rưng trong lòng người nghe.

Cùng là phụ nữ, nhà thơ đã có những cảm thông sâu sắc với người phụ nữ trong đêm mưa, đèn đã cạn dầu, đi khắp các ngả đường, với gánh xôi lệch trên vai, vì miếng cơm manh áo. Cảm xúc của nhà thơ tăng dần, mạnh dần theo tiếng rao đêm. Nếu mở đầu bài thơ là: “Xót lòng bởi tiếng rao đêm”, “Thấm mềm tim tôi”; thì giữa bài thơ, đã là: “Đốt lòng tôi điệu rưng rưng”. Từ cảm giác đau rát, đầy thương cảm ban đầu, đã đến lúc lòng tác giả như muốn cháy lên vì những âm điệu u buồn được cất lên từ những tiếng rao khàn giọng.

5 khổ của bài thơ đã được nhà thơ thể hiện bằng những ngôn từ giàu hình ảnh, cô đọng, hàm súc, đậm tính nghệ thuật: “Bước chân em cõng lời mời chan sương”, “Cơn mưa chan ướt lỗ lời”, “Vọng vào giấc ấm niềm đau nỗi đời”, “Nốt trầm em cắt nửa chừng cơn mơ”, “Như đàn chỉ một cung ngân/ Mà nghe đắng nghẽn giữa vần vũ mây”... Nếu tiếng rao lúc đầu, chỉ là vọng vào giấc ngủ của nhà thơ, thì sau đó, giọng rao này đã cắt đi cơn mơ của một tâm hồn nhạy cảm. Gánh xôi vẫn trên đường trong đêm mưa. Nhà thơ quặn đau về sự vất vả của người phụ nữ trong những tháng ngày tiếp theo của cuộc đời.

Hai mươi dòng thơ lục bát, dưới tài ngắt nhịp linh hoạt của nhà thơ, để câu sáu, khi thì nhịp 2/1/3 (Xót lòng/ bởi/ tiếng rao đêm), khi thì nhịp 2/2/2 (Áo cơm/ xô lệch/ vai người); câu tám có lúc nhịp 3/3/2 (Đèn khuya lay/ giữa mười phương/ cạn dầu), có lúc 4/4 (Mà nghe đắng nghẽn/ giữa vần vũ mây), lại có lúc nhịp 3/2/3 (Tiếng rao khản/ nắm xôi/ mời người dưng), làm bài thơ đầy biến hóa trong nhịp điệu. Nhà thơ đã rất chủ động, linh hoạt trong sử dụng ngôn từ, trong cách ngắt nhịp. Thể thơ lục bát được tác giả sử dụng đã góp phần chuyển tải được những cảm xúc dâng tràn của nhà thơ.

Tác giả Võ Thị Hồng Tơ, với những dòng thơ trau chuốt, giàu cảm xúc, lại chan chứa yêu thương trong “Xót tiếng rao đêm”, đã khiến người đọc dễ đồng cảm với những nỗi niềm ưu tư trước những cảnh đời khó khăn cùng chị.

MINH TRÍ


(0) Bình luận
Bài liên quan

Đoàn công tác của Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc thăm và làm việc tại tỉnh Bình Thuận
BTO-Sáng nay (29/11), tại trụ sở UBND tỉnh, Đoàn công tác của Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc do ông Jung Yeong Sik – Phó Lãnh sự làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc về các nội dung đảm bảo an toàn cho du khách Hàn Quốc tại Bình Thuận.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những nốt u hoài từ “Xót tiếng rao đêm”