Những khó khăn
Ở bên ngoài nhìn vào tưởng rằng công việc của ngành thanh tra đơn giản chỉ làm công tác thanh tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng... nhưng khi tìm hiểu hoặc ở trong cuộc mới thấy không phải vậy. Họ có rất nhiều việc phải làm như: Trình UBND tỉnh cũng như Chủ tịch UBND tỉnh các dự thảo quyết định, chỉ thị; kế hoạch 5 năm và hàng năm; các văn bản khác về lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; Kiểm tra, giám sát nội bộ nhằm ngăn chặn hành vi tham nhũng trong hoạt động thanh tra; Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc lãnh đạo sở, ngành, UBND huyện, thị trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; Giúp UBND tỉnh tổng hợp tình hình công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn toàn tỉnh; Thanh, kiểm tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện, thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của UBND tỉnh trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo; Xác minh, kết luận và kiến nghị việc giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh khi được giao...
Với khối lượng công việc như vậy, nhưng đội ngũ làm công tác này mỏng, nhất là kể từ sau khi thực hiện Nghị quyết 108 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế. “Ngành thanh tra hiện có 34 biên chế, trước đây có 5 phòng nghiệp vụ, nay sáp nhập còn 3 phòng... Lo nhất ở cấp huyện, thiếu nhiều biên chế. Ở các sở, ngành có thể điều phối, nhưng với cấp huyện rất khó”, Chánh Thanh tra tỉnh Trần Văn Hải nêu trăn trở tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng mới đây.
Do vậy, quá trình thực hiện nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn, bởi thực tế nói thì rất dễ, nhưng khi làm mới thấy khó. Chẳng hạn, vấn đề khiếu nại, tố cáo, những năm gần đây nổi lên nhiều, khi xác minh, xử lý, giải quyết phải có sự phối hợp giữa các ban, ngành có liên quan, chỉ cần một ngành không phối hợp tốt sẽ bị ách tắc kéo dài vụ việc... Cùng với đó, công tác làm báo cáo phục vụ Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh... liên tục và gấp gáp, trong khi số liệu làm báo cáo không có sẵn phải chờ sở, ngành, các địa phương. Thêm vào đó, hiện nay theo Thông tư 05 của Thanh tra Chính phủ phải báo cáo kịp thời trên hệ thống dữ liệu Thanh tra Chính phủ... Đó là phần nhỏ trong khối lượng công việc phải làm của ngành thanh tra.
Vượt khó
Dù khó khăn, ngành thanh tra tỉnh vẫn nỗ lực cố gắng sắp xếp công việc cho hợp lý để hoàn thành nhiệm vụ. Họ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc bằng cách chủ động, có biện pháp để giải quyết dứt điểm các vụ việc mới phát sinh ngay từ cơ sở, không để phát sinh điểm nóng. Giải quyết nhiều vụ việc khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp cho công dân; phát hiện sai phạm thông qua giải quyết đơn tố cáo xử lý ngay theo quy định.
Ngành thanh tra hiện đang tập trung kiểm tra, rà soát giải quyết các vụ việc khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo sở, ngành có liên quan đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật giúp nhân dân hiểu sâu hơn các quy định của pháp luật về tiếp công dân, quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc thực hiện các nội dung khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định góp phần hạn chế người dân khiếu nại, tố cáo vượt cấp. “Bên cạnh đó, ngành đã đề nghị UBND tỉnh quan tâm, có ý kiến yêu cầu cơ quan tham mưu tổ chức đối thoại trong giải quyết khiếu nại để khắc phục việc chậm ban hành quyết định giải quyết khiếu nại cho tổ chức, cá nhân”, ông Hải kiến nghị.