Theo dõi trên

Nợ thuế còn cao

11/06/2024, 05:04

Thời gian qua, ngành thuế tỉnh đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đôn đốc, thu hồi nợ thuế vào ngân sách nhà nước, tuy nhiên hiện tình hình nợ thuế vẫn còn cao.

Khó khăn thu hồi nợ thuế

Theo đánh giá của Cục Thuế tỉnh, số tiền nợ đọng thuế những tháng đầu năm đang có xu hướng tăng. Tổng nợ thuế toàn tỉnh đến ngày 6/5/2024 là 1.947,5 tỷ đồng, trong đó: Tổng số nợ về thuế, phí là 1.036,4 tỷ đồng; tổng thu nợ khả năng thu năm trước ước thu được là 144,2 tỷ đồng. Nếu so với nợ ngày 31/12/2023 tăng 311,4 tỷ đồng, tăng 19%. Tỷ lệ nợ chiếm 21,6% so với dự toán thu năm 2024, tỷ lệ nợ về thuế, phí chiếm 11,5%.

Ngành thuế tăng cường các giải pháp chống thất thu thuế, tăng thu thuế giảm nợ đọng.

Nguyên nhân tỷ lệ nợ trên tổng thu vẫn còn cao do tiền thuế nợ dưới 90 ngày tăng 341,8 tỷ đồng chủ yếu tăng từ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ hoạt động sản xuất kinh doanh và thuế TNDN từ chuyển nhượng bất động sản hết hạn nộp nhưng người nộp thuế chưa kịp thời nộp vào NSNN dẫn đến nợ tăng cao. Một số doanh nghiệp có số tiền thuế nợ phát sinh hàng tháng rất lớn tập trung chủ yếu ở thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên… Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính và nguồn tiền, doanh nghiệp chỉ nộp các khoản nợ quá 90 ngày hoặc chờ đến khi cơ quan thuế ban hành Quyết định cưỡng chế thì mới thực hiện nộp số tiền thuế nợ cưỡng chế là một trong những nguyên nhân tiền thuế nợ, tiền chậm nộp tăng. Các trường hợp này, Cục Thuế đã đẩy mạnh công tác cưỡng chế nợ thuế nhưng số tiền thuế nợ thu hồi được còn thấp so với số tiền thuế nợ phát sinh.

Về nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, khoản nợ tiền thuê đất hàng năm của doanh nghiệp đã bỏ địa chỉ kinh doanh nhưng căn cứ theo quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh, cơ quan thuế vẫn phải lập bộ tiền thuê đất dẫn đến số nợ thuế và tiền chậm nộp tăng cao nhưng không có khả năng thu hồi. Khoản tiền thuế nợ từ ứng dụng quản lý trước bạ, nhà đất, tiền sử dụng đất của hộ, cá nhân được chuyển dữ liệu lên hệ thống quản lý thuế tập trung TMS nhưng người nộp thuế không có khả năng thanh toán. Về nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, một số doanh nghiệp có số tiền nợ thuế kéo dài, do có vướng mắc chưa đi vào hoạt động, khai thác, chờ các địa phương giải phóng mặt bằng, giải quyết đền bù, tranh chấp, hoặc chờ phê duyệt phương án điều chỉnh mục đích sử dụng, điều chỉnh diện tích khai thác.

Thu nợ từ biện pháp cưỡng chế còn thấp

Theo Phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế Cục Thuế tỉnh, để giảm nợ đọng, ngay từ đầu năm, Cục Thuế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và theo dõi sát sao tình hình quản lý nợ, cưỡng chế nợ tại các đơn vị trong toàn ngành. Toàn ngành đã ban hành 614.848 lượt thông báo tiền thuế nợ, 544 quyết định cưỡng chế tài khoản, số tiền thuế nợ đã ban hành theo quyết định cưỡng chế là 2.485,8 tỷ đồng; 65 quyết định cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn, số tiền thuế nợ đã ban hành theo quyết định cưỡng chế là 329,3 tỷ đồng; 25 công văn đề nghị thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, số tiền 0,3 tỷ đồng; 10 công văn gửi cơ quan thuế ngoài tỉnh đề nghị phối hợp cưỡng chế nợ thuế đối với doanh nghiệp vãng lai với số tiền thuế nợ quá 90 ngày là 113,03 tỷ đồng (trong đó 4 công văn được gửi lần 2, lần 3).

Mặc dù Cục Thuế đã áp dụng các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo quy định nhưng nợ đọng thuế vẫn còn cao. Trong 4 tháng đầu năm, toàn ngành đã thu được là 144,2 tỷ đồng tiền nợ thuế; trong đó, thu nợ năm trước chuyển sang là 35,2 tỷ đồng. Trong đó: Thu bằng biện pháp quản lý nợ là 118,3 tỷ đồng, thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 25,9 tỷ đồng, đạt 20,5% so với chỉ tiêu thu nợ thuế được giao (144,2 tỷ đồng/704,8 tỷ đồng). Số nợ thuế thu được từ các biện pháp cưỡng chế tài khoản còn rất thấp do theo phản hồi từ ngân hàng tài khoản người nộp thuế không có số dư hoặc số dư chỉ đủ đảm bảo phí duy trì tài khoản… Đối với các doanh nghiệp bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn, cơ quan thuế phải hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện xuất hóa đơn lẻ theo quy định của pháp luật để đảm bảo duy trì việc phục vụ hoạt động sản xuất, trả lương nhân viên…

Thời gian tới, để hoàn thành nhiệm vụ công tác quản lý nợ được giao các phòng chức năng và Chi cục Thuế tập trung cụ thể hóa nhiệm vụ thu nợ thuế, xử lý nợ và tiền thuế nợ hàng năm đến từng cán bộ, công chức quản lý nợ của các phòng chức năng. Tiếp tục tập trung rà soát các trường hợp bỏ địa chỉ kinh doanh; rà soát, phân loại nợ thuế đảm bảo theo đúng tính chất của khoản nợ và có đầy đủ hồ sơ phân loại theo đúng hướng dẫn. Đồng thời, thực hiện đầy đủ các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế và công khai thông tin theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước. Tuyên truyền, vận động người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước cũng như tăng cường phối hợp với UBND các cấp và các cơ quan liên quan trên địa bàn xử lý nợ thuế…

T.DUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Quản lý nợ thuế vẫn nan giải
Ngành Thuế tỉnh đang tập trung xử lý, truy thu nợ thuế để bổ sung ngân sách nhà nước (NSNN), phục vụ đầu tư phát triển và an sinh xã hội của tỉnh.
Nổi bật
Sơ kết công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng 6 tháng đầu năm
BTO- Sáng 24/6, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị sơ kết công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của ngành Kiểm tra Đảng tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Quang - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nợ thuế còn cao