Theo dõi trên

Quản lý nợ thuế vẫn nan giải

08/04/2024, 05:29

Ngành Thuế tỉnh đang tập trung xử lý, truy thu nợ thuế để bổ sung ngân sách nhà nước (NSNN), phục vụ đầu tư phát triển và an sinh xã hội của tỉnh.

Xu hướng gia tăng nợ thuế

Thời gian qua, Cục Thuế tỉnh đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế (NNT). Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền nhắc nhở NNT tự giác thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo đúng quy định của Nhà nước; thực hiện các biện pháp mạnh đối với những trường hợp nợ thuế dây dưa, kéo dài.

Hoạt động của DN khó khăn ảnh hưởng đến xử lý nợ thuế.

Quản lý nợ thuế đôn đốc thu kịp thời cho NSNN tiếp tục được xem là nhiệm vụ trọng tâm mà ngành thuế tập trung ngay từ đầu năm 2024. Ngành thuế đã tập trung đôn đốc, áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế quyết liệt đối với các doanh nghiệp (DN) có số nợ lớn. Kết quả đã thu hồi được số tiền thuế nợ đọng của một số DN vào ngân sách nhà nước, nếu so với nợ ngày 31/12/2023 đã giảm 207,5 tỷ đồng. Tuy vậy, tình hình nợ thuế vẫn còn cao, ước tính đến thời điểm 19/2/2024 là 1.428,6 tỷ đồng; trong đó: tổng số nợ về thuế, phí là 744,8 tỷ đồng; tổng thu nợ khả năng thu năm trước thu được là 67,3 tỷ đồng.

Bà Trần Thị Diệu Hoàng – Cục trưởng Cục Thuế phân tích: Tình trạng nợ thuế còn cao nguyên nhân do sau thời gian dịch bệnh tình hình “sức khỏe” của DN giảm sút, gặp nhiều khó khăn. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh không thuận lợi, khả năng tiếp cận vốn vay hạn chế, tình hình thua lỗ kéo dài. Nhiều DN hoạt động cầm chừng, tạm ngừng nghỉ sản xuất kinh doanh dẫn đến nợ thuế có xu hướng tăng cao, gây khó khăn khai thác nguồn thu trên địa bàn. Theo thống kê sơ bộ của cơ quan thuế, những năm gần đây, DN tạm ngừng kinh doanh và đóng mã số thuế năm 2021 là 520 DN thì năm 2022 là 997 DN, đến năm 2023 là 869 DN, riêng 2 tháng đầu năm 2024 là 374 DN…

Nhận định của ngành thuế, tình hình nợ thuế đang có xu hướng tăng cao trong năm 2024, hiện tỷ lệ nợ trên tổng thu ngân sách tỉnh chiếm trên 10%. Nợ thuế tập trung chủ yếu trên các lĩnh vực hoạt động kinh doanh: bất động sản; công nghiệp khai khoáng; xây dựng, bán buôn bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và các động cơ khác; tài chính ngân hàng, bảo hiểm; dịch vụ lưu trú và ăn uống…

Khó khăn trong thu hồi nợ

Theo đánh giá của ngành Thuế, tỷ lệ nợ trên tổng thu vẫn còn cao, nguyên nhân do một số DN nợ thuế, tiếp tục phát sinh thêm các khoản thuế đã hết thời gian gia hạn theo quy định tại Nghị định 12/2023 của Chính phủ. Một số DN có số tiền nợ thuế kéo dài, do có vướng mắc chưa đi vào hoạt động, khai thác, chờ các địa phương giải phóng mặt bằng, giải quyết đền bù, tranh chấp, hoặc chờ phê duyệt phương án điều chỉnh mục đích sử dụng, điều chỉnh diện tích khai thác nên người nộp thuế chưa nộp tiền vào ngân sách nhà nước, cụ thể như: Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn; Công ty cổ phần Xây dựng Công trình giao thông 677; Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Cát Tường… Đồng thời, các khoản nợ tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của doanh nghiệp vẫn tiếp tục phát sinh hàng năm nhưng khó có khả năng thu hồi.

Ngành Thuế phân tích rằng, nhiều DN đang khó trong sự khó khăn chung của nền kinh tế. Lãi suất ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao, thị trường bất động sản giao dịch kém, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán các khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính. Nguồn vốn được sử dụng chủ yếu vào việc tái cơ cấu và tái đầu tư, nên nếu chi trả toàn bộ cho nghĩa vụ thuế thì doanh nghiệp sẽ mất hoàn toàn thanh khoản và không thể tạo ra nguồn tiền thặng dư để đảm bảo vận hành và duy trì hoạt động kinh doanh. Cụ thể như: Công ty Delta Valley Bình Thuận, Công ty TNHH Đầu tư Tân Hà… Bên cạnh đó, một số DN có số tiền thuế nợ phát sinh hàng tháng rất lớn, tuy nhiên, do khó khăn về tài chính và nguồn tiền, DN chỉ nộp được các khoản nợ quá 90 ngày và chấp nhận trả tiền phạt chậm nộp thuế 0,03%/ngày là một trong những nguyên nhân tiền thuế nợ, tiền chậm nộp tăng, cụ thể như: Công ty khoáng sản Sông Bình, Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường; Công ty Cổ phần Tà zon …

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công tác quản lý nợ năm 2024 ngành Thuế đưa ra nhiều giải pháp tập trung thực hiện. Trong đó, Cục Thuế tỉnh triển khai và cụ thể hóa nhiệm vụ thu nợ thuế, xử lý nợ và tiền thuế nợ hàng năm đến từng cán bộ, công chức quản lý nợ của các phòng chức năng văn phòng Cục và các Chi cục Thuế khu vực, huyện, thành phố. Rà soát, phân loại nợ thuế đảm bảo theo đúng tính chất của khoản nợ phân tích nguyên nhân nợ của từng người nộp thuế để áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp với từng trường hợp nợ thuế. Triển khai thực hiện đầy đủ các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế và công khai thông tin theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế…

T.DUYÊN


(1) Bình luận
Bài liên quan
Xử lý, thu hồi 32,5 tỷ đồng nợ thuế
BT- Theo Chi cục Thuế khu vực Bắc Bình – Tuy Phong cho biết, đến nay, tổng số nợ thuế tại chi cục là 32,53 tỷ đồng, trong đó nợ khó thu là 5,86 tỷ đồng, nợ thu hồi ngay là 26,69 tỷ đồng, nợ doanh nghiệp và tổ chức là 18,65 tỷ đồng, nợ hộ kinh doanh 8,03 tỷ đồng. Cụ thể, tại huyện Bắc Bình, tổng số nợ thuế là 15,65 tỷ đồng, trong đó nợ khó thu là 5,165 tỷ đồng, nợ thu hồi ngay là 10,486 tỷ đồng. Huyện Tuy Phong tổng số nợ thuế là 16,91 tỷ đồng, trong đó nợ khó thu là 700 triệu đồng, nợ thu hồi ngay là 16,212 tỷ đồng.
Nổi bật
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh họp nghe báo cáo đầu tư dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ và du lịch - huyện Hàm Thuận Nam
Chiều 31/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh chủ trì họp nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về đầu tư dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ và du lịch - huyện Hàm Thuận Nam (giai đoạn 1) tại xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quản lý nợ thuế vẫn nan giải