Theo dõi trên

Nôn nao khô nướng

18/10/2024, 06:19

Xứ sát biển, đồ tươi ngon thì nhiều mà chẳng hiểu sao chỉ thèm khô. Khô phải là khô nhà phơi mới được, khô chợ chỗ thì mặn đắng (để lâu khỏi hư), chỗ thì ngọt sợt (do tẩm đường).

Chỉ có khô nhà phơi là vừa miệng, lại ngon vì mới gỡ vỉ. Má hay biểu: “cá tươi hổng ăn, thèm chi mà lạ kỳ đời, quanh năm suốt tháng cứ cá khô hoài bây”. Má nói đúng chớ hổng nói sai, nhưng chẳng hiểu sao ăn hoài chẳng ngán. Nhất là cá vụ nam, đem xẻ phơi con khô béo ngậy, nướng trên than hồng dậy mùi thơm lại kèm tiếng xèo xèo của mỡ chảy ra rớt xuống. Khô nóng. Cơm nóng. Thêm dĩa rau muống luộc thì y bài. Nhiêu đó thôi cũng đủ vét sạch đáy nồi cơm rồi.

istockphoto-958887298-2048x2048.jpg

Má biểu ướp cá phơi khô đừng tẩm nhiều gia vị, chỉ cần chút muối ớt là đủ, giữ được vị ngon ngọt của thịt cá. Khoái nhất cái món khô cá ảo một nắng má làm. Trời ơi, ngon gì mà ngon lạ ngon lùng. Nó hay nửa đùa nửa thiệt khen khô cá ảo một nắng là loại khô thượng hảo hạng, làm má cười ngặt nghẽo: “thôi thôi, khỏi nịnh đi ông tướng, muốn ăn nói đại tui phơi, cần chi phải nịnh”. Vậy là mỗi lần đi chợ gặp cá ảo, má thường mua nhiều dành để phơi khô và quết chả. Cái món chả cá được người ta liệt vào hàng đặc sản xứ này nhưng nó hổng thích vì dầu mỡ nhiều. Nó thích cái vị mộc mạc tự nhiên của khô hơn. Vị cay của ớt hòa quyện vị ngọt của cá, thêm cái béo ngậy của cá tháng bảy, mèn ơi sao mà cuốn hút người ta quá chừng quá đất.

Nhất là những chiều mưa, trong cái hơi lạnh ngoài trời phả vào, được ăn một bát cơm nóng, con khô mới nướng thơm nức mũi thì ngon không có sơn hào hải vị nào sánh bằng. Nhưng cái giống khô nó cũng lạ đời, chỉ khô mới gỡ vỉ là ngon, còn để lâu lại mất đi cái thơm ngon của cá. Bởi vậy mỗi lần phơi, má chỉ phơi chừng một hai ký cá tươi mà thôi. Một ký cá tươi đem làm sạch, bỏ đầu, xẻ bụng, róc xương phơi một nắng chỉ còn chừng ba lạng, nó ăn hai bữa là sạch trơn. Bởi lúc nào trong nhà cũng có cá mới gỡ vỉ vì má chiều thằng con hảo ăn khô nên cặm cụi phơi hoài. Má chiều đến độ sau này khi đã lớn tuổi, nhà đã mua nồi chiên không dầu, má vẫn cần mẫn nhóm bếp lò chỉ để nướng mấy con khô cho thằng Út.

Bởi vậy cái hồi thằng con má cưới vợ, nó chẳng biết đụng móng tay làm việc nhà, vợ khóc bù lu bù loa năm lần bảy lượt kêu khổ đòi về nhà mẹ đẻ. Má biết chuyện chẳng rầy con dâu, chỉ nhỏ nhẹ biểu: “thằng Út nó đàn ông, không biết làm việc nhà là chuyện thường, giờ bây là vợ nó, bây chỉ dạy cho nó chớ có gì đâu mà hơi tí đòi bỏ”. Hình như vợ chỉ chờ câu nói đó của má, liền lập tức bắt tay vào công cuộc dạy chồng. Nó bắt đầu biết quét nhà, lau nhà, biết nấu ăn, giặt giũ, biết cả làm cá. Lúc đó nó mới thấm thía hết nỗi khổ của má mỗi khi phải ngồi cả tiếng chỉ để làm cá, xẻ phơi. Lúc đó mới ứa nước mắt thương má một đời khó nhọc vì con.

Ngày gỡ vỉ mẻ cá đầu tiên trong đời tự tay làm, nó gói phân nửa chạy hơn sáu chục cây số về khoe với má. Má mừng rơi nước mắt, nhóm lò nướng cá, nấu cơm nóng, luộc mớ cà hái sau vườn. Má khen hoài khô ngon làm nó mắc cỡ. Biết thừa má thương thì khen vậy chớ khô nó phơi mặn chằng chẳng kém gì khô ngoài chợ, vậy mà vẫn thấy vui. Mấy lần sau rút kinh nghiệm, giảm bớt gia vị, khô ăn vừa miệng ngon hơn. Vậy mà chẳng hiểu sao thực hành bao nhiêu lần khô vẫn chẳng thể ngon như vị khô má phơi. Phải chăng trong khi cặm cụi ngồi cắt, xẻ, róc xương từng con cá, má đã tẩm ướp hết tình thương của mình vào trong đó, nên khi nướng khô mới thơm cào ruột cào gan người ta đến vậy. Để qua bao nhiêu tháng năm, nó tìm hoài mà chẳng bao giờ gặp được cái vị khô như vị khô má phơi.

Chiều nay, mưa đột ngột tuôn xối xả làm thằng con má phải tạt vô hiên nhà người ta trú mưa. Hơi mưa thấm vào da lạnh buốt. Bỗng nghe thoảng mùi khô nướng. Trời ơi, nỗi nhớ má lại cồn cào, thèm bữa cơm gia đình hồi đó, có ba, có má, có hai, có nó, có dĩa khô nướng tứa mỡ.

Không dưng khóe mắt cay xè. Cái dáng má ngồi cặm cụi nướng khô hiện ra. Và, nụ cười, trời ơi, nụ cười độ lượng yêu thương xiết bao. Nghe đâu đây vẳng giọng má mắng yêu “tổ cha bây, ngày nào cũng đòi khô nướng”.

Là mưa hay là nước mắt? Là tiếng mưa rơi hay tiếng nức nở lòng người?

Chẳng biết…

Mưa vẫn cứ tuôn hoài…

KHÁNH NGÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Khai mạc Lễ hội văn hoá - du lịch Dinh Thầy Thím
BTO-Tối 16/10, tại sân khấu khuôn viên Dinh Thầy Thím (thị xã La Gi, Bình Thuận), đã diễn ra lễ Khai mạc Lễ hội văn hoá - du lịch Dinh Thầy Thím năm 2024.
Nổi bật
Kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10): Phụ nữ, gia đình và bình đẳng giới trong thời đại 4.0
Người phụ nữ của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 được gán cho rất nhiều trọng trách nặng nề, vừa phải phát triển sự nghiệp vừa chăm lo cho tổ ấm gia đình mình. Thế nhưng, với phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” của người phụ nữ Việt Nam các chị luôn nỗ lực khẳng định vị thế trong gia đình, cộng đồng và xã hội.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nôn nao khô nướng