Theo dõi trên

“Nóng” cuộc cạnh tranh Trung Quốc - Australia ở Thái Bình Dương

27/05/2022, 15:23 - Lượt đọc: 270

Các quốc đảo Nam Thái Bình Dương đang trở thành tâm điểm trong các hoạt động ngoại giao của Trung Quốc và Australia.

Chuyến công du của Ngoại trưởng Trung Quốc tới một loạt đảo quốc Thái Bình Dương và lịch trình dày đặc các chuyến thăm sắp tới của chính quyền mới Australia tới các nước trong khu vực cho thấy khu vực này đang trở thành mặt trận mới trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng của Bắc Kinh và Canberra.

Trung Quốc và thỏa thuận an ninh với các quốc đảo

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến thăm 10 ngày tới một loạt quốc đảo Thái Bình Dương gồm Quần đảo Solomon, Kiribati, Samoa, Fiji, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea và Timor-Leste. Chuyến thăm chính thức của ông Vương Nghị diễn ra ngay sau khi nước này đạt được khung thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon gây chú ý với khu vực và sự cảnh giác của Mỹ, Australia.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa tiết lộ liệu bất cứ thông tin gì về việc liệu họ có ký những thỏa thuận tương tự về an ninh với các quốc đảo khác ở Thái Bình Dương hay không. Tuy nhiên, trong cuộc hội đàm chính thức với Ngoại trưởng Solomon Jeremiah Manele ngày 26/5, ông Vương Nghị cho biết, Trung Quốc sẵn sàng cùng với Solomon nâng tầm quan hệ song phương, làm “tấm gương” về tin cậy chính trị và “chuẩn mực” về hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc và các quốc đảo.

Trước đó, trong cuộc gặp với Quyền Thống đốc Quần đảo Solomon Oti, ông cũng mong muốn quan hệ Trung Quốc - Solomon có thể trở thành “hình mẫu hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương”.

Bên cạnh đó, theo nhận định của chuyên gia Trung Quốc, chuyến thăm lần này của ông Vương Nghị “mang nhiều ý nghĩa đối với Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương". Ngoài ý nghĩa về mặt chính trị nhằm định kỳ hóa và thể chế hóa cơ chế Hội nghị Ngoại trưởng Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương, hai bên sẽ “có những đột phá” trong lĩnh vực an ninh. Theo đó, trong tương lai, hai bên sẽ có nhiều sự phối hợp hơn giữa hợp tác phát triển và hợp tác an ninh, bởi theo họ cùng với sự gia tăng ngày càng nhiều của đầu tư, hợp tác kinh doanh và trao đổi con người giữa Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương, Bắc Kinh sẽ cần nhiều hơn sự đảm bảo về mặt an ninh từ phía chính phủ hai bên, bởi theo Trung Quốc tình hình an ninh ở các quốc gia này là đáng lo ngại.

Các chuyên gia cho rằng, hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác cả về chính trị, ngoại giao, kinh tế, an ninh truyền thống và phi truyền thống ở cấp độ song phương và đa phương.

Đặc biệt, những ngày gần đây, nhiều hãng truyền thông quốc tế lớn cho biết là đã tiếp cận được bản dự thảo Thông cáo chung và kế hoạch hành động 5 năm mà Trung Quốc gửi tới 10 hòn đảo ở Thái Bình Dương trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương lần thứ hai do Ngoại trưởng Vương Nghị chủ trì ở Fiji vào ngày 30/5.

Dự thảo này nêu rõ Trung Quốc cùng các quốc đảo Thái Bình Dương sẽ “tăng cường trao đổi và hợp tác trong các lĩnh vực an ninh truyền thống và phi truyền thống”. Trong đó có đoạn: “Trung Quốc sẽ tổ chức đào tạo cảnh sát trung cấp và cao cấp cho các quốc đảo Thái Bình Dương bằng hình thức song phương và đa phương”. Điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể đang tìm kiếm thỏa thuận về đào tạo cảnh sát, hợp tác an ninh và thông tin với 10 quốc đảo ở Thái Bình Dương.

Mặc dù Bắc Kinh chưa xác nhận những điều này, nhưng họ cũng không phủ nhận. Một khi Trung Quốc đã muốn lấy quan hệ với Solomon làm “hình mẫu” cho các quốc đảo khác, thì khả năng Trung Quốc ký kết những thỏa thuận an ninh tương tự với các quốc đảo còn lại ở Thái Bình Dương trong tương lai là điều không quá bất ngờ.

Australia quyết không khoanh tay đứng nhìn

Đồng thời với chuyến công du của nhà ngoại giao Trung Quốc, tân Ngoại trưởng Australia cũng có chuyến thăm đầu tiên tới một quốc đảo Thái Bình dương là Fiji. Chính phủ mới tại Australia đã lên kế hoạch cho lịch trình dày đặc các chuyến công du tới các quốc gia trong khu vực trong vòng 1-2 tháng tới.

Không khó để thấy rằng thúc đẩy quan hệ với khu vực Thái Bình Dương đang là yêu cầu cấp thiết nhất của Australia vào thời điểm này. Điều này có thể nhận thấy rất rõ thông qua việc ngay trong bài phát biểu đầu tiên ngay sau khi nhậm chức Thủ tướng thứ 31 của Australia, ông Anthony Albanese đã đề cập những vấn đề mà Australia sẽ thúc đẩy hợp tác với khu vực trong thời gian tới. Tiếp sau đó, trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Australia, bà Penny Wong cũng dành riêng để gửi đến các quốc đảo Thái Bình Dương.

Qua các tuyên bố 2 nhà lãnh đạo có thể thấy, ưu tiên đầu tiên của Australia trong quan hệ với khu vực đó là thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, vấn đề luôn được các quốc gia Thái Bình Dương cho là đang rất nghiêm trọng và ảnh hưởng không chỉ đến sinh kế mà cả sự tồn tại của các nước này. Thủ tướng Albanese cho biết Australia sẽ đóng vai trò dẫn dắt khu vực trong vấn đề này.

Lĩnh vực thứ hai đó tăng nguồn vốn viện trợ phát triển cho khu vực. Trong chiến dịch vận động tranh cử, Công đảng cam kết sẽ tăng viện trợ cho khu vực Thái Bình Dương thêm hơn 500 triệu AUD và hôm qua (26/5), trong tuyên bố đưa ra khi đang ở thăm Fiji, Ngoại trưởng Penny Wong cũng khẳng định trong những năm tới Australia sẽ tiếp tục đóng vai trò là nhà tài trợ quan trọng cho khu vực. Thứ ba đó là quốc phòng và hàng hải. Thứ tư là thúc đẩy việc đưa người lao động Thái Bình Dương đến Australia làm việc và đẩy mạnh hợp tác trong nhiều vấn đề khác như phục hồi sau đại dịch hay giao lưu nhân dân.

Thông điệp mà Australia muốn gửi đến khu vực thông qua các động thái này chính là việc khẳng định Australia là quốc gia trong khu vực, cùng là thành viên gia đình Thái Bình Dương, vì vậy việc hợp tác giữa Australia với các nước này chỉ khiến mọi thứ tốt đẹp hơn chứ không tạo ra sự xáo trộn trong khu vực vì tương lai của Australia và khu vực gắn liền với nhau.

Những kỳ vọng vào định dạng quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương của Trung Quốc

Hai chuyến công du của hai nhà ngoại giao Trung Quốc và Australia ở cùng một thời điểm là biểu hiện cho thấy rõ sự cạnh tranh công khai và quyết liệt giữa hai nước trong việc gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.

Có thể thấy, chuyến công du lần này của ông Vương Nghị đã bao hàm gần như toàn bộ các quốc đảo thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Đây là điều hiếm thấy từ trước tới nay. Truyền thông Trung Quốc đánh giá đây là “một động thái lớn mới của ngoại giao Trung Quốc”.

Phát biểu tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Solomon, ông Vương Nghị cho biết, mục đích của chuyến thăm là tăng cường trao đổi và tin cậy lẫn nhau, xây dựng đồng thuận, làm sâu sắc hơn tình hữu nghị và mở rộng hợp tác với các quốc đảo.

Trước đó, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ “tăng cường hơn nữa sự tin cậy lẫn nhau về chính trị” giữa Trung Quốc và các đảo quốc Thái Bình Dương, “thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực lên tầm cao mới, tạo động lực mới cho sự phát triển lâu dài của quan hệ giữa hai bên”.

Chuyên gia Trung Quốc cho rằng, nước này có nhiều lợi thế trong mở rộng quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương. Theo họ, các khoản đầu tư từ phương Tây không có nhiều sức hấp dẫn như Trung Quốc, đặc biệt trong xây dựng cơ sở hạ tầng và ngành thủy sản. Bên cạnh đó, với chuỗi công nghiệp hoàn thiện và là một trong những thị trường lớn nhất thế giới, Trung Quốc có thể là điểm đến xuất khẩu đầy tiềm năng cho sản phẩm của các quốc gia này và giúp họ hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong bản danh sách hợp tác giữa Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương công bố hôm 24/5 nhằm nhìn lại những thành quả đạt được giữa hai bên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, hiện tại, quan hệ của Trung Quốc với các quốc đảo Thái Bình Dương đã “bước sang giai đoạn mới phát triển nhanh chóng”. Do vậy, xét ở một góc độ nào đó, chuyến công du của ông Vương Nghị có thể được coi là “chuyến thăm lịch sử” giúp mở rộng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực vốn do Australia và New Zealand chi phối trong nhiều thập kỷ, đặc biệt chuyến thăm được thực hiện trong bối cảnh Mỹ vừa công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - một động thái nhằm thể hiện sự hiện diện mạnh mẽ hơn của nước này tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và được cho là tạo ra một đối trọng khác với Trung Quốc ở châu Á.

Các quốc đảo Thái Bình Dương liệu có bị mắc kẹt?

Có 21 các quốc đảo và vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương với 13 triệu dân số. Đây đều là những nước có dân số nhỏ và nằm rải rác trên nhiều hòn đảo trong một khu vực rộng lớn, nền kinh tế quy mô nhỏ và không đa dạng.

Tuy vậy trong những năm gần đây Trung Quốc đã đầu tư hơn 950 triệu USD cho khu vực và cung cấp gần 1,5 tỷ USD viện trợ phát triển. Với số tiền khổng lồ như vậy, có thể thấy Trung Quốc đã tạo ra những tác động rất lớn không chỉ về mặt kinh tế mà còn tăng cả sự hiện diện và ảnh hưởng trong khu vực.

Trong khi đó, Australia, New Zealand đều bày tỏ sự lo ngại việc Trung Quốc tăng ảnh hưởng trong khu vực sẽ tạo cơ hội để Trung Quốc thiết lập sự hiện diện quân sự, đưa lực lượng ở bên ngoài đến khu vực, biến khu vực này thành nơi cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn, và châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang tại đây.

Vì vậy, hiện các quốc đảo Thái Bình Dương đang đứng giữa với một bên là Trung Quốc, nơi cung cấp nguồn tài chính dồi dào cho các dự án quan trọng và một bên là Australia và New Zealand, hai đối tác truyền thống của các nước Thái Bình Dương.

Nghiêng về phía bên nào cũng sẽ khiến các nước Thái Bình Dương phải đối mặt với những thiệt hại nhất định. Tuy vậy, mới đây, Tổng thống Liên bang Micronesia David Panuelo đã gửi một bức thư tới 21 nhà lãnh đạo ở Thái Bình Dương, trong đó nói rằng bản dự thảo thông cáo chung giữa Trung Quốc với 10 quốc đảo Thái Bình Dương được đưa ra nhân chuyến thăm khu vực của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cần được loại bỏ do lo ngại có thể châm ngòi cho một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới” giữa Trung Quốc và các nước phương Tây. Thực tế này cho thấy, các quần đảo ở Thái Bình Dương bắt đầu tính toán dài hơi hơn trong chiến lược của mình./.

VOV.VN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Mỹ cảnh báo Ukraine về việc sử dụng vũ khí NATO tấn công vào lãnh thổ Nga
Nếu Ukraine sử dụng các loại vũ khí do NATO cung cấp để tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga, điều này có thể gây chia rẽ trong liên minh quân sự và làm leo thang xung đột.
Nổi bật
Đồng chí Dương Văn An giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2020 - 2025
Sáng 18/3/2024, tại Vĩnh Phúc, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc, công bố Quyết định của Bộ Chính trị điều động, chỉ định đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Nóng” cuộc cạnh tranh Trung Quốc - Australia ở Thái Bình Dương