Trồng dưa lưới công nghệ cao. Ảnh: Đ.Hòa |
Phác thảo nông nghiệp tuần hoàn
Những năm qua, kinh tế của tỉnh tăng trưởng cao, ổn định và chuyển biến tích cực, nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn (28,72%) giá trị tăng thêm trong cơ cấu GRDP tỉnh. Đó là kết quả của cả một quá trình triển khai chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Và điểm nổi bật là nông dân, các doanh nghiệp trong tỉnh đã tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, hóa lý nên chất thải, phế phụ phẩm được tái chế, làm nguyên liệu đầu vào cho nuôi trồng, chế biến nông, lâm thủy sản đạt kết quả bước đầu. Cụ thể, như trong trồng trọt, các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu hướng dẫn nông dân sử dụng phân hữu cơ, cải tạo đất, kỹ thuật canh tác như: “Thâm canh cây lúa theo phương pháp SRI” 250 ha tại huyện Tuy Phong và Hàm Thuận Bắc; chong đèn cây thanh long ra hoa trái vụ, hiệu quả gấp 2 - 3 lần so chính vụ; sản xuất thanh long tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh, mô hình dưa lưới 4 lứa/năm, không phụ thuộc thời tiết, năng suất cao (4 tấn/1.000 m2); xây dựng quy trình nuôi trồng “đông trùng hạ thảo” giá trị kinh tế cao; sử dụng rơm rạ bón gốc thanh long, sản xuất nấm; ứng dụng côn trùng và chế phẩm E.M vào nông nghiệp khép kín; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học phòng trừ sâu bệnh cây lúa, giảm thiểu tác hại của thuốc với môi trường, góp phần giúp nông nghiệp phát triển bền vững...
Còn trong chăn nuôi, đã chuyển đổi chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, gia trại, ứng dụng công nghệ mới có kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường; liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến chế biến. Một số trang trại quy mô lớn áp dụng công nghệ cao, chế phẩm sinh học E.M nuôi heo, gà, cá nước ngọt, tôm hầm khí biogas, phát điện đã và đang được sử dụng có hiệu quả kinh tế. Các mô hình như vườn - ao - chuồng, vườn - ao - chuồng - biogas, vườn - ao - chuồng - rừng là những mô hình kinh tế tuần hoàn bước đầu áp dụng có hiệu quả. Ngoài ra, công nghệ khí sinh học - biogas được áp dụng phổ biến trong quản lý, xử lý chất thải tại 40 trang trại nuôi heo quy mô vừa và lớn, 2 nhà máy chế biến tinh bột mì xử lý chất thải hiệu quả... Từ đây có thể thấy, mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở một số lĩnh vực có lợi thế mới là bước đầu và đang mở ra cơ hội lớn theo hướng phát triển bền vững.
…và để phát triển
Thách thức lớn của kinh tế tuần hoàn là tư duy về sử dụng công nghệ tái chế, tái sử dụng còn chậm, đa phần doanh nghiệp, các hộ dân còn thói quen khai thác tài nguyên, tối đa hóa sản lượng, bỏ phế thải sau thu hoạch còn lớn... Nông nghiệp truyền thống phổ biến, chưa quan tâm nhiều đến phân hữu cơ, bảo vệ đa dạng sinh học...; liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ chưa thành chuỗi, chi phí logistics cao, thâm dụng lao động lớn; chưa có chuyên gia và chuyên ngành đào tạo. Đặc biệt, cần có bộ tiêu chí nhận diện, đánh giá, phân loại mức độ, hiệu quả và phát triển kinh tế tuần hoàn bảo đảm bền vững. Để phát triển kinh tế tuần hoàn, trước hết Chính phủ có hành lang pháp lý, lộ trình, định hướng phát triển nền nông nghiệp bền vững với sự tham gia của toàn xã hội; nghiên cứu, hệ thống quản lý, sản xuất và các công nghệ tương thích.
Thứ hai, xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, áp dụng khoa học công nghệ vào các ngành, đặc biệt là xử lý rác thải để tái tạo nguyên liệu mới. Chẳng hạn như việc xử lý xỉ than tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân làm ra sản phẩm sử dụng trong các công trình giao thông, cấu kiện đê chắn sóng…
Thứ ba, thu hút có chọn lọc dự án đầu tư tại địa phương trên cơ sở xem xét các yếu tố về quy mô sản xuất, công nghệ sản xuất, kỹ thuật môi trường và vị trí thực hiện dự án.
Thứ tư có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, gắn liền với phát triển công nghệ, kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0 là yếu tố quan trọng quyết định thành công khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Điều đó cho phép, giảm thải ô nhiễm, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Thứ năm, làm tốt công tác tuyên truyền, làm thế nào để doanh nghiệp cần nỗ lực phát triển các chuỗi cung ứng thân thiện với môi trường. Đặc biệt, giáo dục nâng cao ý thức của người dân; thuyết phục người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm. Về việc phân loại rác thải tại nguồn, tạo điều kiện cho công tác thu gom, vận chuyển đưa vào tái sử dụng, tái chế được thuận lợi và dễ dàng hơn, góp phần bảo vệ môi trường.
Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống kinh tế được phục hồi và tái tạo theo thiết kế, dựa trên 3 nguyên tắc chính: Bảo tồn và tăng cường vốn tự nhiên, tối ưu hóa năng suất tài nguyên và thúc đẩy hiệu quả của hệ thống. Trong đó, duy trì và tăng cường vốn tự nhiên thông qua kiểm soát các tài sản hữu hạn và cân bằng các dòng tài nguyên tái tạo với các mức độ là phục hồi, chuyển hóa, trao đổi; tối ưu hóa năng suất tài nguyên thông qua tuần hoàn các sản phẩm, các linh kiện và vật liệu để sử dụng được ở mức độ cao nhất, thúc đẩy hiệu suất toàn hệ thống bằng cách tối thiểu hóa các ngoại ứng tiêu cực. |
Hồ Trung Phước