Điều dưỡng Trần Thị Phúc Mai tại Khoa hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện đa khoa tỉnh). Ảnh: Ngọc Lân |
Chưa biết về điều dưỡng
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Phúc Mai cũng có ao ước thi vào các trường đại học ở Sài Gòn như bao bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, cha mẹ làm nông, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, không thể đáp ứng việc ăn học của Mai trong nhiều năm. Cha đã hướng Mai nên học nghề điều dưỡng của Trường Trung cấp y tế Bình Thuận. Trong khi đó, Mai chẳng biết gì về nghề điều dưỡng, nhưng theo lời cha cứ đi học. Khi đi thực tập, một trong những khó khăn của Mai và các bạn khác là bị bệnh nhân không cho tiêm thuốc. Bởi tiêm nhiều lần làm đau bệnh nhân. Sau khi ra trường công tác tại Khoa cấp cứu bệnh viện tư nhân trong thời gian ngắn, Mai chuyển công tác sang làm ở Khoa hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện đa khoa tỉnh) cho đến nay gần 8 năm.
Với Khoa hồi sức tích cực chống độc, nơi tiếp nhận những bệnh nhân rất nặng, thường là trong tình trạng đã nguy kịch, thậm chí cận kề cái chết vô cùng áp lực với bác sĩ, điều dưỡng. Điều dưỡng luôn gần gũi với bệnh nhân, là người trực tiếp theo dõi, chăm sóc và hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của bệnh nhân... trong giây phút cuối cùng khi không có người thân bên cạnh. Đó là cảm nhận, lý giải của Mai về nghề điều dưỡng sau thời gian làm nghề.
Hết lòng với bệnh nhân
Mai kể: Trong đêm trực hôm ấy khá lâu, khoa tiếp nhận một bệnh nhân nơi xa xứ tới Phan Thiết làm ăn, không may bị xuất huyết não và tử vong. Đây là bệnh nhân nghèo, không có tiền đóng viện phí cũng như tiền thuê xe đưa thi thể về quê. Bản thân Mai ủng hộ 100.000 đồng và đưa người nhà bệnh nhân sang các khoa khác tìm sự ủng hộ theo “của ít lòng nhiều” mong có đủ tiền xe. Trường hợp khác, bệnh nhân bị viêm phổi tắc nghẽn mãn tính trong tình trạng suy hô hấp rất nặng, ý thức lơ mơ, mạch nhanh. Bởi nghèo, không có bảo hiểm y tế, điều trị quá tốn kém, gia đình yêu cầu xuất viện đưa bệnh nhân về nhà chờ chết. Mai năn nỉ người nhà cứ để lại điều trị, “còn nước còn tát”. Chuyện tiền nong, Mai sẽ kêu gọi lòng hảo tâm ủng hộ, chính Mai cũng góp phần ủng hộ. Khoa hồi sức này, đa phần bệnh nhân nặng và hoàn cảnh nghèo, nên Mai thường xuyên kêu gọi ủng hộ họ.
Khi chúng tôi hỏi: “Lương điều dưỡng không cao, Mai lại hay ủng hộ cho bệnh nhân như thế ảnh hưởng đến gia đình?”. Mai nói rằng: “Biết rằng lương thấp, tiền lương còn lo cho con cái. Trong khi đó nhiều hoàn cảnh bệnh nhân khó khăn gấp bội lần so với mình, thì không thể làm ngơ. Cứ nghĩ thoáng, hôm nay mình đi chợ nhiều hơn mọi ngày một chút”.
Nhiều áp lực … nhưng yêu nghề
Khoa hồi sức tích cực chống độc, hầu hết là bệnh nhân nặng, bệnh đông nên áp lực lớn cho các nhân viên y tế. Những đêm trực, gần như thức suốt bởi hết bệnh nhân này kêu, lại đến bệnh nhân khác gọi. Có bệnh nhân bị chấn thương sọ não, lên cơn la hét quậy phá suốt đêm. Song, Phúc Mai cũng như các đồng nghiệp thường gặp tình trạng gia đình thân nhân của bệnh nhân bị chấn thương do tai nạn giao thông đến quá đông, không hợp tác tốt giờ giấc thăm nuôi, thay dép, mặc áo choàng của bệnh viện khi vào phòng bệnh nhân. Khi được nhắc nhở, điều dưỡng nhận lại lời la rầy của họ. Thậm chí, thân nhân người bệnh dọa nạt, quát tháo với điều dưỡng khi người bệnh đang cấp cứu.
Không chỉ áp lực trong công việc, bản thân Mai cũng chịu áp lực từ phía gia đình. Nhà cách xa bệnh viện hơn 10km, có những ca trực đêm đi trong trời mưa gió. Chồng đi công tác về chưa kịp, 2 con nhỏ gửi cho hàng xóm. Bởi trời tối, đường nhiều ổ gà, Mai bị té, tới chỗ làm người ướt sũng. Khó khăn là thế, nhưng Mai luôn hoàn thành nhiệm vụ.
Theo Trần Thị Phúc Mai, công việc của điều dưỡng hầu như giống nhau nhưng cách thức làm tùy vào cái tâm mỗi người. Để làm tốt được công việc, cần xem bệnh nhân như người nhà, dành nhiều tình cảm và thật lòng quan tâm đến họ. Mai hoàn thành nhiệm vụ tại khoa, cũng nhờ sự góp sức của tập thể tạo điều kiện tốt cho mình. Đến giờ, Mai vẫn chưa có ý định xin chuyển sang khoa khác, dù rằng làm việc tại Khoa hồi sức tích cực chống độc khá vất vả.
Trang Minh