Theo dõi trên

Nửa duyên thơ nửa gánh tình

08/04/2022, 05:50

Đôi cánh đời tôi, tập thơ của Nguyễn Văn Minh, dày 98 trang, với 52 bài thơ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, xuất bản quý IV – 2021, bìa trang nhã với gam màu xanh thoáng nhẹ.

Một nửa duyên thơ

Anh Nguyễn Văn Minh xuất bản Đôi cánh đời tôi trong mùa chống dịch là tập thơ thứ 6 trong suốt hơn 30 năm sáng tác của anh. Tôi quen thân với anh những 40 năm rồi, từ khi anh cầm quyết định của ty Giáo dục Thuận Hải về dạy chung trường, sinh hoạt chung tổ với tôi ở Trường trung học Phan Bội Châu. Minh có nụ cười hào sản độc đáo khi gặp chuyện đáng cười, nhưng nhiều khi cũng hết sức lặng thầm tư lự, ấy thường là những lúc anh thả hồn lãng đãng vào khoảnh trời tâm trạng sâu kín riêng tư. Anh làm thơ. Thơ anh dung dị, không cầu kỳ hình thức cũng như cách sử dụng ngôn từ, không chạy theo mode thời thượng “Giữa lúc có nhiều giống thơ ngoại quốc nhập qua/ “Hậu hiện đại” và “tân hình thức”, anh xem mình là “Người nông phu thơ trăn trở”, làm sao để cho “mới – cũ giao hòa”, không để “thất truyền hạt giống thơ truyền thống”, nhưng rồi “Nông phu thơ” ấy “chạnh lòng!/ ngẩn ngơ!/ bỡ ngỡ!/ Nghe hồn mình lành lạnh lúc chiều buông!”. (Tâm sự một nông phu thơ). Có lẽ thế nên suốt 6 tập thơ, ngòi bút anh luôn nằm trong mạch thơ truyền thống. 

doi-canh.jpeg
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Đôi cánh đời tôi chuyển tải suy tư góp nhặt cảm xúc những tháng ngày trôi qua, anh xem thơ như duyên nghiệp vận vào lẽ sống của mình, muốn mượn thơ để giao cảm với đời và chia sẻ với em, “Nhưng khổ nỗi sức anh có hạn/ Đành khép mình tạ lỗi với nhân gian”. Nguyên nhân “khép mình” chính là do “mang cái gông nặng lập trường” (Nỗi riêng), để rồi nhận ra “Thơ đã cùng ta chung một chặng đường dài/ Giờ sa mạc hoang vu hồn cỏ dại”, nhưng mà nếu “Không còn thơ lòng ta xa xót mãi/ Cứ ngẩn ngơ như mất một cuộc tình” (Chạnh lòng). Trong cái riêng tư cá biệt nhất để gửi lòng mình vào thơ là bóng hình em, bởi “em bước vào vườn thơ anh/ điềm nhiên sắc hương lấp lánh” (Vườn thơ), đối tượng cảm hứng mà anh neo lòng vào sáng tác, “Thơ là em, em chính là thơ/ Có cả khôn ngoan lẫn dại khờ” (Đôi cánh đời tôi). Đôi cánh ấy một bên vỗ nhịp chở tình vào thơ, một bên mượn thơ chở những tâm tình.

Một nửa gánh tình

Tình trong thơ Nguyễn Văn Minh là gánh nặng với đời. Cái quá khứ xa xưa của một vùng quê nuôi anh khôn lớn với bao vất vả nỗi niềm làm sao quên được. Trong văn học nói chung và thơ nói riêng, xưa nay người sáng tác dành nhiều trang viết về mẹ đầy cảm động, còn hình bóng người cha đi vào văn chương rất ít. Thấp thoáng bắt gặp hình ảnh chiếc khố đầy cảm thương của cha con Chử Đồng Tử trong sáng tác dân gian, hay cái cơ cực đói nghèo rờn rợn về miếng bả chó trong Lão Hạc của Nam Cao sau này. Có lẽ viết về cha có nhiều cái khó để người cầm bút trải lòng hơn viết về mẹ. Nhưng Nguyễn Văn Minh có những vần thơ về cha nghe bồi hồi xao xác chạnh lòng mà chỉ có những người con lớn lên từ vồng khoai gốc rạ quê nghèo mới cảm nhận được: “Bàn chân trần của cha/ Trên đồi nương cháy nắng/ Màu vỏ khoai củ sắn/ Bàn chân trần của cha/ Trên đồng ruộng bao la/ Đầy bùn đen nứt nẻ (…) Trên đường làng mưa sa/ Thoăn thoắt trong chiều tà” (Bàn chân trần của cha). Nhiều khi “Lũ về nước ngập mênh mông/ Áo tơi cha vẫn ra đồng lo toan” (Nhớ mưa xa).

Tình còn mênh mang xúc cảm bóng hình em. Em trong thơ Minh nhắc đến nhiều lần, chắc em ấy là người bạn đời “tháng ngày bươn bả” đã cùng anh năm tháng đi qua mà anh trân trọng, tự hào với những niềm vui khi nhận được: “Những đóa hồng rực rỡ” đã đem lại “Hạnh phúc bất ngờ” (Vợ tặng hoa ngày lễ). Đó là tình cảm niềm tin chân chất: “Đâu cần áo lụa Hà Đông/ Áo thường em chẳng phấn hồng vẫn xinh” (Hằng số tình tôi), để rồi thăng hoa lên đỉnh mộng mơ: “Tình không là tia chớp/ Mà len lỏi dài lâu/ […] Anh không đi qua cầu/ Vẫn trao em chiếc áo/ Anh để trên cành táo/ Trong khu vườn Eva” (Đặc ân đời). Nhưng đôi khi trái tim đa tình của người nghệ sĩ không có bến bờ, hình ảnh em kia là chị ấy hay còn là ai nữa, khó mà hình dung, chỉ anh mới biết, thật là mâu thuẫn, khi “Tình không là tia chớp”, rồi nhận ra tình như tiếng sét ngang tim: “Chỉ là mới gặp nhau đây/ Mà sao hồn đã đắm say hỡi người […] Trải đời bao chuyện bẽ bàng/ Trái tim chai sạn bỗng đa mang tình […] Mai xa sớm ngẩn chiều ngơ!/ Lặn vào vô thức bến bờ yêu thương” (Tia chớp). Trái tim ấy nhiều khi thật đắm say dữ dội: “Yêu em từ thuở dại khờ/ Nay đà tóc trắng mắt mờ còn yêu” (Giật mình). Chắc chị mình đọc những câu thơ này của anh sẽ hả dạ hả lòng biết bao.

Thời gian

Minh xuất bản tập thơ này khi nhẹ bước về hưu đã hơn 5 năm, tuổi đời đã bước qua “bên kia cái dốc” nghiêng bóng về chiều, không còn trẻ nữa, nhưng ước vọng phía trước còn nhiều, đong đầy tâm trạng, nhiều khi “Giật mình thêm một ngày trôi” (Giật mình). Đôi lúc âu lo sâu thẳm nỗi đời với khoảnh khắc thời gian, “Chiều ơi! Chầm chậm nhé/ Ta còn nhiều dở dang”, bởi nhận ra còn “Bao vẻ đẹp trần gian” (Ước) đang bày ra quyến rũ. Ở góc độ này, Minh tỏ ra rất Xuân Diệu “muốn tắt nắng” “muốn buộc gió” (Vội vàng) để giữ lại sắc màu, rất sợ mất hương thơm đang dâng tặng. Nhưng thời gian có kiêng nể đợi chờ một ai, nó lạnh lùng, nghiệt ngã trôi đi. Có lẽ thế nên tính chuẩn mực tỉnh táo ở con người thầy giáo Nguyễn Văn Minh đã can thiệp vào con người nghệ sĩ nhạy cảm để tự điều chỉnh chính mình trước dòng đời với nhiều biến động, để nhận ra chân giá trị, thấy mình còn duyên nợ với nhân gian: “Đời sương gió còn hơn đời tủi hổ/ Nó quyết lao nhanh cho đến tận cuối đường” (Tâm sự con ngựa già).

Đọc những câu thơ lục bát của Nguyễn Văn Minh, tôi thấy vấn vương những dư âm nhẹ nhàng dễ chịu, khi thì nói về vất vả lo toan của mẹ nơi quê nhà: “Chợ xa lòng mẹ héo hon/ Xót xa cây lúa – liệu còn trổ bông” (Nhớ mưa xa), có lúc thẩn thờ tiếc nuối hồn nhiên: “Sớm mai chợt thấy chồi non/ Chạnh lòng mình đã qua con dốc đời” (Tiếc), hay một xúc cảm nhẹ nhàng vương vấn: “Chia tay em khuất bên đường/ Tôi nhìn theo tận phố phường vào đêm” (Gặp trò cũ đồng hương).

V.NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
190 năm Bình Thuận được vua Minh Mạng đổi từ trấn sang tỉnh
Sau khi đánh bại vương triều Tây Sơn, ngày 31/5/1802, Nguyễn Ánh lên ngôi đặt niên hiệu Gia Long, đóng đô ở Huế mở đầu vương triều Nguyễn.
Nổi bật
Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024): Chiến thắng vĩ đại của dân tộc anh hùng
70 năm trước, ngày 7/5/1954, khi ngọn cờ Tổ quốc tung bay trên nóc hầm Đờ Cát Tơ ri, kết thúc 56 ngày đêm chiến đấu oanh liệt của quân dân ta, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta… đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam như một chiến thắng vĩ đại của một dân tộc anh hùng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nửa duyên thơ nửa gánh tình