Theo dõi trên

Nước mắm Phan Thiết tham gia hội chợ thời Pháp thuộc

21/04/2023, 05:40

Theo thống kê của chính quyền thuộc địa, đến những năm 1940 nghề làm nước mắm ở Bình Thuận đã rất phát triển, nắm giữ vị trí “trung tâm sản xuất nước mắm chính của Đông Dương”. Một trong những yếu tố mang lại thành công đó là các hàm hộ biết tận dụng cơ hội quảng bá thương hiệu khi gửi sản phẩm của mình tham gia các cuộc hội chợ triển lãm do chính quyền thuộc địa tổ chức.

Vài nét về các hội chợ - triển lãm Hà Nội thời Pháp thuộc (*)

Cuộc triển lãm đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 15/3/1887. Theo tinh thần cuộc họp của Hội đồng Thuộc địa trước đó (ngày 2/5/1886) thì mục đích là để triển lãm các mặt hàng tự nhiên hoặc gia công của Bắc kỳ; sau khi kết thúc, các sản phẩm này sẽ được dùng để làm một bảo tàng canh nông, thương mại và kỹ nghệ sau này.

nuoc-mam-1-.jpg

Với nghị định ngày 18/11/1897, Toàn quyền Paul Doumer quyết định hàng năm sẽ tổ chức tại Hà Nội một hội chợ nhằm trưng bày các sản phẩm kỹ nghệ, khuyếch trương sự giàu có và giới thiệu các nguồn tài nguyên của Đông Dương. Người châu Âu cũng được phép tham gia, với điều kiện sản phẩm của họ được sản xuất theo kiểu cách của người bản xứ. Đến năm 1903, với thông tư ngày 15/4, các hội chợ được tổ chức không dừng lại ở tính chất của một cuộc thi tài giữa các địa phương mà phải góp phần “kích thích những luồng giao lưu buôn bán mới”, “thúc đẩy người Việt mở rộng phạm vi quan hệ của họ và tăng cường trao đổi hàng hóa”.

Các cuộc triển lãm – hội chợ Hà Nội được tổ chức tại khu vực trường đua ngựa cạnh đại lộ Gambetta và gần ga Hàng Cỏ (nay là khu vực Cung Văn hóa Hữu Nghị trên đường Trần Hưng Đạo) mà ta thường gọi là Khu Đấu xảo. Tuy nhiên các hội chợ ở Bắc kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX chỉ diễn ra theo từng lúc và cách xa nhau. Mãi đến năm 1918 bắt đầu mới được tổ chức đều đặn đến năn 1941 là năm cuối cùng.

Hội chợ Hà Nội năm 1918 được tổ chức từ ngày 15 - 31/12, có 15 công ty thương mại của các thương nhân ngoại quốc và Việt Nam. Điều đặc biệt, đây là lần đầu tiên các tỉnh Trung kỳ đăng ký tham gia (cùng với Nam kỳ, Lào, Campuchia và Vân Nam), với 7 gian trưng bày. Sang Hội chợ năm 1919 (từ ngày 14 đến 28/12) đã tăng lên 10 gian. Năm 1932, do khó khăn về kinh phí (từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1929) nên các thương nhân Trung kỳ, Nam kỳ và Campuchia không tham gia. Đến Hội chợ năm 1934 (diễn ra từ ngày 25/11 - 9/12), các tỉnh Trung và Nam kỳ mới tham gia trở lại với các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: bắp, bột gạo, nước mắm, bún… và các sản phẩm thủ công (vải lụa, chiếu tre, chiếu cói…). Cũng như các tỉnh, thương nhân Bình Thuận cũng có gian triển lãm riêng.

Do tính chất mới mẻ của nó, các hội chợ triển lãm được tổ chức ở Hà Nội thu hút rất đông các doanh nghiệp tham gia và người dân đến mua sắm và vui chơi, giải trí. Phản ánh không khí cuộc triển lãm năm 1902 tờ Le Bangkok Times cho biết: “Dân chúng thành phố và nông thôn tận dụng cơ hội vào không mất tiền duy nhất để đến đây, không phải là hàng trăm mà là hàng nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn… Trong số họ người ta thấy những người Việt vui vẻ và thong dong, những người Bắc kỳ giản dị và hiền lành với khuôn mặt điềm tĩnh và tròn trịa”. Còn tờ Courrier d’Haiphong ngày 30/3/1923 thì viết rằng: “Mặc dù ban tổ chức đã quảng cáo rất muộn do nhiều nguyên nhân khác nhau những số đơn xin tham gia hội chợ đã có rất nhiều, số lượng người đến xem hội chợ cũng rất đông… Có tới hàng chục nghìn người bản xứ đến Hà Nội dịp này và người ta thấy xen lẫn với các thương nhân Trung và Nam kỳ là người nước ngoài, gồm người Anh, người Hà Lan và người Hoa”.

Nước mắm Phan Thiết tại Hội chợ Hà Nội

Như đã trình bày ở trên, kể từ Hội chợ Hà Nội năm 1918, cùng với Nam kỳ, Campuchia, Lào và Vân Nam, thì Trung kỳ cũng lần đầu được tham gia. Lần này, Bình Thuận có gian hàng duy nhất là nước mắm của Công ty Liên Thành.

screenshot_1682030573.png
Trang Catalogue giới thiệu nước mắm Trung kỳ in trong L'Annam à la Foire de Hanoi 1929 (An Nam tại Hội chợ Hà Nội 1929) - Ảnh: TVQG Pháp.

Liên Thành là công ty nước mắm có quy mô lớn đầu tiên của tỉnh Bình Thuận, thành lập ngày 6/6/1906 tại làng Đức Thắng. Sáng lập viên là các ông Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh (2 người con của nhà yêu nước Nguyễn Thông), Hồ Tá Bang, Trần Lệ Chất, Nguyễn Hiệt Chi và Ngô Văn Nhượng. Liên Thành ra đời nhằm phát triển kinh tế dân tộc, bảo vệ quyền lợi của các thương nhân Việt Nam. Hoạt động của công ty không chỉ dừng lại trong tỉnh Bình Thuận mà còn vươn ra một số tỉnh Trung và Nam kỳ, sang cả Nam Vang (Campuchia).

Theo ghi chép của ông Hồ Tá Khanh (con trai cụ Hồ Tá Bang), được sự khuyến khích của Công sứ Bình Thuận, năm 1918 Liên Thành đăng ký tham gia lần này. Theo đó, công ty đã chọn loại nước mắm hảo hạng, đóng trong 10 thùng thiếc (mỗi thùng 20 lít), rồi thuê hãng tàu Messageries Maritimes (còn gọi là Đầu ngựa) chở ra tham gia. Cũng theo ghi chép trên, khi thấy nước mắm Liên Thành “thiên hạ nô nức giành mua mỗi người một hai chai. Nhờ dịp này, Liên Thành được quảng cáo sản phẩm của mình tại đất Thăng Long và công ty cũng nhờ đó mà được bà con ở đất Bắc biết nhiều thêm”.

Đến tháng 4/1922, Liên Thành tiếp tục cử ông Trần Lệ Chất mang nước mắm sang Pháp dự hội chợ thuộc địa, tổ chức tại Marseille với mục đích thăm dò và tìm kiếm thị trường tiêu thụ bên ngoài. Tuy nhiên, “quảng cáo bán nước mắm cho ngoại quốc lúc bấy giờ vô hiệu quả”. Tuy không đạt được kỳ vọng, nhưng bước đầu làm cho người dân ở châu Âu biết đến nước mắm. Trong một bài viết đăng trên Nam Phong tạp chí (số 65, tháng 11/1922), nhà báo Phạm Quỳnh (người có tham gia hội chợ Marseille) cho biết: “Người Tây nếm cơm An Nam nhiều người khen ngon; thứ nhất là khen nước mắm của ta, nói rằng trong các thứ nước chấm không gì bằng nước mắm”.

Nếu như năm 1918 Liên Thành là doanh nghiệp duy nhất, thì sang các năm sau số hàm hộ nước mắm tham gia hội chợ có tăng thêm. Ví như Hội chợ năm 1928, Bình Thuận có 2 cơ sở tham gia là nước mắm Liên Thành và nước mắm của hàm hộ Hồ Vinh ở Mũi Né.

Theo Catalogue niêm yết của ban tổ chức hội chợ 1928, nước mắm Liên Thành có 3 mức giá, lần lượt là: 0$25, 0$35 và 0$40/chai. Còn nước mắm của ông Hồ Vinh có 2 loại, với mức giá là 0$25 và 0$40. Sang năm 1929, Bình Thuận có 3 cơ sở tham gia là: nước mắm Liên Thành chi nhánh Thiềng Đức (có giá 0$25 và 0$35), nước mắm của ông Trần Gia Hòa ở Phú Tài (0$25 và 0$35) và nước mắm hộ ông Trương Lễ Nghi ở Đức Thắng (0$25 và 0$30).

Cùng với nước mắm, tại Hội chợ năm 1929, Bình Thuận còn có sản phẩm khác là đệm buồm (Nattes a voile) của làng Thiện Chánh (nay thuộc khu vực Phú Hài) được chào bán với giá 0$30/tấm.

Tạm kết

Qua việc tổ chức các hội chợ triển lãm cuối thế kỷ XIX đầu XX, chính quyền thực dân Pháp bước đầu đã đạt được ý đồ của mình trong việc vơ vét tài nguyên của thuộc địa để mang về làm giàu cho chính quốc. Không những thế, đây còn là cơ hội để hàng hóa Pháp xâm nhập vào thị trường nước ta. Về mặt khách quan, các hội chợ triển lãm đã mở ra cho các thương nhân Việt một quan niệm mới trong hoạt động thương mại. Góp phần thúc đẩy sản xuất và trao đổi hàng hóa giữa các vùng miền, các địa phương. Tham gia hội chợ triển lãm là cách hữu hiệu để quảng bá hình ảnh nước mắm Phan Thiết – Bình Thuận đến người tiêu dùng. Đồng thời, đây cũng là dịp để các cơ sở nước mắm gặp gỡ và học hỏi những tên tuổi lớn trong ngành.

(*): Phần này có tham khảo và trích dẫn một số tư liệu từ bài viết “Triển lãm và Hội chợ ở Hà Nội trước năm 1945” của tác giả Vũ Thị Minh Hương, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 2. 2000.

ĐỖ THÀNH DANH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phát động phong trào đọc sách cho hơn 700 học sinh Thuận Quý
BTO- Chiều 19/4, tại Trường tiểu học và trung học cơ sở Thuận Quý (Hàm Thuận Nam), Đoàn lãnh đạo vụ đơn vị thuộc các Ban Đảng Trung ương phía Nam và các nhà tài trợ, cùng cấp ủy, chính quyền huyện Hàm Thuận Nam đã phát động phong trào đọc sách nhân Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2023.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nước mắm Phan Thiết tham gia hội chợ thời Pháp thuộc