1. Thời điểm này đang vào cao điểm trái cây mùa hè với đa dạng chủng loại và giá cả hạ thấp nhưng giá thanh long ruột trắng vẫn đang ở mức 10.000 -12.000 đồng/kg. Với thanh long hàng mùa, đây là mức giá cao so với mấy năm trở lại đây. Nhưng kịch tính hơn, cách đây chỉ hơn nửa tháng, khi thanh long đang chưa dứt hàng chong điện và chuẩn bị chớm sang hàng mùa, giá thanh long hàng điện có ngày lên đến hơn 30.000 đồng/kg và thanh long hàng mùa lên hơn 20.000 đồng. Đương nhiên, khi sản phẩm có giá thì việc vận hành từ chăm sóc, thu hoạch, mua bán thanh long và cả những dịch vụ kéo theo đều suôn sẻ một cách tự nhiên. Cũng từ đó, mở ra một thị trường lao động nhộn nhịp và là cơ hội cho người nghèo cải thiện thu nhập. Thực tế, giá công mỗi ngày không chỉ tính bằng số tiền cụ thể là 300.000 - 400.000 đồng/người như trước đây nữa mà thời gian qua đã xuất hiện cách tính tiền trên sản lượng, khối lượng làm được.
Vì thế, với người lao động chịu khó cũng có thể kiếm hơn 500.000 đồng mỗi ngày. Thế nên, người nghèo, nếu siêng năng, không bị bệnh tật… thì với thu nhập như vậy cũng khó nói là nghèo, ngay cả không làm liên tục 30 ngày/tháng. Ngay cả đồng bào dân tộc thiểu số ở Hàm Cần, Mỹ Thạnh, trong mùa hạn vừa rồi, cũng nhờ mưu sinh từ làm các dịch vụ xung quanh thanh long ở các xã lân cận mà có thu nhập, vượt qua nỗi khó khăn tại chỗ bởi hạn hán. Giá thanh long của 6 tháng đầu của năm được đánh giá là tương đối ổn định, còn 6 tháng cuối của năm chưa có gì chắc chắn sẽ được như giá tương tự hay thấp hơn nhưng nhà vườn vẫn hy vọng đón sóng giá cao, khi vườn thanh long vốn sẵn mạnh khỏe, cho trái tốt nên vẫn có nhu cầu tuyển người làm. Thế nên, không chỉ lao động tại chỗ mà người dân ở các nơi khác cũng đã và đang đến đây tìm việc.
2. Ở những đợt sóng giá thanh long lên cao trong 6 tháng đầu năm, nhà vườn vùng chuyên canh thanh long Hàm Thuận Nam, dù lúc có trái lúc không, lúc có nhiều, có ít nhưng hầu như nhà nào cũng có thu nhập. Dự đoán của một số lãnh đạo xã trong huyện thì thu nhập bình quân đầu người của người dân ở xã trong năm 2024 sẽ tăng hơn năm ngoái. Thêm hộ khá, giàu. Bớt hộ nghèo được như kế hoạch năm của huyện là 100 hộ. Còn chính xác thu nhập cao hơn bao nhiêu, có bao nhiêu hộ thay đổi vị trí nghèo thì phải đến tháng 10, khi có cuộc điều tra thống kê của Cục Thống kê sẽ biết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, 6 tháng đầu năm, những lớp học nghề ngắn lẫn dài hạn được hình thành xuất phát từ nhu cầu người tham gia đang nghiêng về xây dựng nhà cửa, về cung cấp các kỹ năng cần thiết để nâng cao mức sống. Cụ thể như các lớp về xây dựng dân dụng, dinh dưỡng, nấu ăn, trang điểm…Thường khi có tiền thì người dân mới quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, sắc đẹp, thế nên mới đi học. Thêm củng cố cho cách đánh giá ấy là các phong trào thể dục thể thao, dân ca, dân vũ cũng sôi động, nhất là ở các xã đang trong hành trình xây dựng nông thôn mới nâng cao để về đích cuối năm nay là Hàm Minh, Thuận Quý hay xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu Hàm Cường.
Chị Nguyễn Thị Hoài Thu, ở thôn Minh Hòa, xã Hàm Minh cũng là trưởng nhóm dân vũ trong cái thôn mà người ta đặt là xóm đại gia hay xóm hạnh phúc, cho biết, nhóm có 20 chị em với đủ lứa tuổi, trẻ nhất 35 tuổi, lớn nhất 60 tuổi, cứ đến tối là sinh hoạt nhóm, mở nhạc nhảy và có người hướng dẫn. Nhóm cũng từng đi giao lưu các nhóm dân vũ ở các xã khác trong huyện. Trước, khi chưa hình thành nhóm, mấy chị em cũng nhảy erobic để rèn thêm sự dẻo dai, sau những giờ làm việc mệt nhọc. Chị Thu cho biết nhóm hoạt động với mục đích chính là đoàn kết, vui khỏe nhưng những lúc thanh long có giá thấp quá thì cũng rất khó tụ tập đủ các chị em.
Từ đó để thấy, chính thu nhập từ cây thanh long đã kéo các dịch vụ đi theo, và cũng là động lực mở ra những nhu cầu tinh thần của người dân ở đây. Và thời gian 6 tháng đầu năm nay có thể khẳng định ở vùng thanh long của Hàm Thuận Nam đâu chỉ có làm mà còn mở ra những hoạt động của tinh thần.