Theo dõi trên

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận: Hướng xuất khẩu để nâng cao chuỗi giá trị

03/02/2020, 10:38

BT- Mặc dù phải đối mặt với một số khó khăn trong sản xuất kinh doanh do vừa sắp xếp, tái cơ cấu hệ thống chế biến gỗ nhằm ổn định bộ máy, vừa duy trì hoạt động sản xuất. Bên cạnh, nguồn gỗ nguyên liệu phải mua ngoài ngày càng khan hiếm, giá nhân công, vật tư tăng, sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp cùng ngành trên thị trường đồ gỗ... Tuy nhiên trong năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, các sở ngành hữu quan nên Đảng ủy, tập thể lãnh đạo cùng CBCNV toàn công ty đã điều hành linh hoạt, khắc phục khó khăn, thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2019 của UBND tỉnh giao. Trong đó các chỉ tiêu đều vượt kế hoạch như doanh thu 71,133/70,008 tỷ đồng đạt 100,3% KH năm 2019, lợi nhuận 5,100/3,735 tỷ đồng đạt 129% KH, tăng 48% so cùng kỳ; nộp ngân sách 9,100/6,429 tỷ đồng; thu nhập bình quân 8,2 triệu đồng/người/ tháng, góp phần ổn định đời sống cho toàn thể CBCNV.

Năm 2020 là năm có ý nghĩa lớn, nhiều sự kiện trọng đại. Mục tiêu của công ty là kế thừa thành quả trong năm qua, bảo toàn vốn, tăng thu ngân sách và cải thiện thu nhập, đời sống nhân viên, người lao động. Đồng thời, thực hiện có trách nhiệm phúc lợi xã hội. Xác định mục tiêu mang tầm chiến lược, bằng mọi cách phải nâng cao chuỗi giá trị rừng trồng kể từ khi sau 3 năm công ty được tổ chức FSC (Forest Stewardship Council) cấp chứng chỉ rừng sạch. Tăng cường quản lý rừng và đất rừng. Nâng cao giá trị thu được trên từng diện tích, đơn vị ha. Chế biến gỗ với các giải pháp đồng bộ, nhằm tiết kiệm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của một doanh nghiệp nhà nước.

Nhiệm vụ tỉnh chỉ đạo đơn vị trong thời gian tới là tiếp tục thực hiện lộ trình phát triển, thực hiện Nghị định 118 của Chính phủ về đổi mới, nâng cao hiệu quả của các công ty nông lâm nghiệp theo mô hình chuyển đổi công ty 2 thành viên trở lên. Tuy vậy, khó khăn hiện nay là công tác quản lý đất rừng và lấn chiếm đất rừng sản xuất vẫn còn âm ỉ, kéo dài, chưa giải quyết dứt điểm. Rừng trồng hiện nay do đặc thù của công ty tuy có quy hoạch nhưng chưa xây dựng được cánh rừng gỗ lớn theo chỉ đạo của tỉnh, nhằm ổn định nguồn nguyên liệu cho khâu chế biến sau này. Trong khi đó, lĩnh vực chế biến cạnh tranh gay gắt với các đơn vị trong và ngoài tỉnh về các sản phẩm đồ gỗ. Do đó, hướng trong năm tới, công ty sẽ tập trung xuất khẩu để nâng cao chuỗi giá trị.

Tất cả các giải pháp trên phụ thuộc và đòi hỏi đội ngũ nhân lực cần có kinh nghiệm thông qua đào tạo. Đây là giải pháp mang tính đột phá, chiến lược, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, nâng tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Nhân dịp tết đến, xuân về, bằng những thành tựu trong những năm qua, công ty kỳ vọng và tiếp tục nung nấu mục tiêu xây dựng thương hiệu đồ gỗ của công ty. Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp nhà nước vững mạnh, nâng tầm trong khu vực. Song song, phấn đấu đến hết năm 2020, về cơ bản toàn bộ diện tích rừng tự nhiên và một số diện tích rừng trồng sẽ được giao khoán cho các hộ dân, vừa tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, vừa gắn bó trên địa bàn quản lý nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý bảo vệ rừng…

Kiều Hằng (ghi)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận: Hướng xuất khẩu để nâng cao chuỗi giá trị