Theo dõi trên

PCI 2021, Bình Thuận vươn lên vị trí 21: Vượt lên trong khó khăn

27/04/2022, 17:49

Năm 2021, một năm quá khó khăn, đặc biệt khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 gây ra nhiều mất mát, đau thương… Tại Bình Thuận, Covid-19 đã làm đình trệ nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm ảnh hưởng lớn đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Song cũng từ trong khó khăn ấy, với sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy và chính quyền các cấp, Bình Thuận đã vượt lên mọi gian khó để tiếp tục hành trình đưa tỉnh nhà phát triển. Chỉ số PCI của tỉnh năm 2021 được xếp hạng 21 là sự đánh giá đúng mức từ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó tính năng động của chính quyền cấp tỉnh đã ghi điểm trong sự vươn lên này.

dsc_6487.jpg

7.04 điểm cho tính năng động của chính quyền tỉnh

Sáng 27/4/2022, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức họp báo, công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021. Trong bảng xếp hạng PCI 2021, Bình Thuận đứng thứ 21/63 tỉnh, thành phố, tăng 13 bậc, đạt 65,96 điểm, tăng 2,67 điểm so với năm 2020, thuộc nhóm khá của cả nước. Nếu đặt kết quả đó trong 5 năm trở lại đây thì đây được xem là sự vượt trội nhất cùng với mức tăng cao nhất, được 13 bậc. Lùi lại năm 2018, năm khiến ai cũng nhớ, khi PCI Bình Thuận đã vươn lên vị trí 22/63 tỉnh, thành, lặp lại thứ bậc trên bảng xếp hạng PCI 2013 của tỉnh. Nhưng sang năm 2019, PCI Bình Thuận đã rớt 9 bậc, xếp ở vị trí 31/63. Rồi năm 2020, tiếp tục rớt 3 bậc, PCI Bình Thuận đứng thứ 34/63. Trên cơ sở nhiều vướng mắc ấy mà nổi lên như vướng titan, vướng cả cách làm việc chưa khoa học của đội ngũ cán bộ công chức… cộng thêm năm qua, dịch Covid-19 bùng phát lan rộng ở nông thôn lẫn phố thị nên kết quả PCI 2021 trên của Bình Thuận được ví như lội dòng nước ngược...

Bằng chứng trong 10 chỉ số PCI 2021, Bình Thuận có 06/10 chỉ số tăng điểm là Tiếp cận đất đai; Tính minh bạch; Chi phí không chính thức; Tính năng động của chính quyền tỉnh; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự. Trong đó đáng chú ý, chỉ số Tính năng động của chính quyền tỉnh đạt 7,04 điểm, cao nhất trong 5 năm qua tính từ 2017 đến năm 2020 với điểm số lần lượt là 5,34 điểm, 5,66 điểm, 6,52 điểm và 6,16 điểm. Vì sao có sự vượt trội ấy trong bối cảnh khó khăn chủ quan lẫn khách quan bủa vây?

Theo lãnh đạo của Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Bình Thuận, sự đánh giá tốt ấy của cộng đồng doanh nghiệp dành cho chỉ số này xuất phát từ các vấn đề tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2021. Nổi lên là hoạt động đối thoại với doanh nghiệp của Chủ tịch UBND tỉnh được tổ chức đều đặn, linh hoạt từ các tháng trong năm, bất chấp có lúc dịch bùng phát mạnh. Qua đó, đã tháo gỡ những vướng mắc, hỗ trợ kịp thời của doanh nghiệp. Bên cạnh là sự ứng phó của chính quyền trong giải quyết những nảy sinh liên quan đến dịch Covid-19 như cấp vắc xin cho doanh nghiệp kịp lúc, bảo đảm hoạt động liên tục; giải quyết các chính sách chế độ liên quan đến người lao động… Từ đây, doanh nghiệp cảm nhận rất rõ tính năng động của chính quyền tỉnh nên cho điểm cao hơn mọi năm.  

826e00c1ffa33efd67b2-1-(1).jpg

Nhờ 2 giải pháp mới?

Bên cạnh sự năng động trên là những quan tâm khác của chính quyền đối với doanh nghiệp lẫn môi trường cho sản xuất kinh doanh nên các chỉ số khác có điểm số cao nhất trong 5 năm qua. Đó là Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp với 7,69 điểm; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự được 6,35 điểm; Tiếp cận đất đai được 6,98 điểm và Tính minh bạch 6,93 điểm. Ở khía cạnh khác, có 04/10 tiêu chí giảm điểm gồm Gia nhập thị trường; Chi phí thời gian; Cạnh tranh bình đẳng; Đào tạo lao động nhưng mức độ giảm cũng không có khoảng cách lớn so với các năm trước.

Từ đây, nhận định của những người quan tâm đến cải cách hành chính của tỉnh là có cơ sở, khi cho rằng cách nhìn nhận, đánh giá thực trạng cải cách hành chính cũng như hướng giải quyết xử lý, tác động để cải thiện thực trạng đó đang đi đúng đường. Thể hiện rõ qua 2 việc mới triển khai thực hiện trong năm 2021. Đó là đối thoại, giải quyết những trở ngại, vướng mắc của doanh nghiệp theo định kỳ hàng tháng và triển khai PCI xuống cấp sở, ngành, địa phương, đồng thời trong quá trình đó tìm ra điểm chưa được để khắc phục nhanh. Bên cạnh, tỉnh đã quyết liệt trong thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính cũng như cải thiện môi trường kinh doanh nên góp phần tạo ra kết quả PCI 2021 của tỉnh với sự lội ngược dòng như trên.

Ngoài ra, một thực tế khác là trong bối cảnh chung của năm 2021, tỉnh, thành nào trong cả nước cũng nỗ lực để giữ và tăng vị trí PCI qua thực hiện tốt 10 chỉ số thành phần nên sự tăng 13 bậc của PCI Bình Thuận 2021 này đã minh chứng thêm hướng đi trên là đúng. Từ đây có thể kỳ vọng những năm sau, Bình Thuận vào tốp 20 hay xa hơn tốp 10 trong bảng xếp hạng PCI, để qua đó xây dựng một Bình Thuận ngang tầm với tiềm năng.

Trong năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức 10 lần đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp trong triển khai dự án và trong quá trình hoạt động. Qua đó đã tiếp nhận 81 kiến nghị của doanh nghiệp và các hiệp hội, cụ thể đến nay đã giải quyết 51 kiến nghị, còn 30 kiến nghị đang thực hiện. Phần lớn các kiến nghị đang thực hiện rơi vào những dự án chưa thể triển khai, do các vướng mắc về đất đai, do nằm trong vùng thăm dò, khai thác titan, vướng quy hoạch phân khu, quy hoạch chung…

BÍCH NGHỊ


(0) Bình luận
Bài liên quan
“Bão” đất nền đổ bộ xóm núi
Cả xóm có 292 hộ với 1.180 khẩu, hầu như hộ nào cũng bán đất khi “cơn bão” đất nền đổ bộ. Tuy nhiên, trong số đó cũng có những hộ cố giữ lại làm của hồi môn cho con cái hoặc bán một ít để sửa nhà, mua bò, trang trải nợ nần.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
PCI 2021, Bình Thuận vươn lên vị trí 21: Vượt lên trong khó khăn