Theo dõi trên

“Bão” đất nền đổ bộ xóm núi

27/04/2022, 05:56

Cả xóm có 292 hộ với 1.180 khẩu, hầu như hộ nào cũng bán đất khi “cơn bão” đất nền đổ bộ. Tuy nhiên, trong số đó cũng có những hộ cố giữ lại làm của hồi môn cho con cái hoặc bán một ít để sửa nhà, mua bò, trang trải nợ nần.

20220418_153553.jpg
Ai cũng vào nhà ông Mang Cẩn hỏi mua đất nhưng ông không bán.

 Bán đất trong "cơn bão"

Xóm núi - đó là một khu dân cư thuần đồng bào dân tộc thiểu số, nằm cuối quốc lộ (QL) 28, đoạn km 31 đến km 42 giáp huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, thuộc thôn Dân Hiệp, xã miền núi Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc. Nơi đây như cách biệt với “thế giới bên ngoài” vì muốn đến xóm chỉ có một con đường độc đạo là QL28. Từ Phan Thiết hoặc thị trấn Ma Lâm đến xóm núi phải băng qua đoạn đường vắng dài, bắt đầu từ UBND xã, còn phía Lâm Đồng là rừng núi. Cuộc sống người dân chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi, trồng trọt và đi rừng, số ít đi làm công nhân ở các công ty tại khu công nghiệp.

20220418_154749.jpg
Người dân ở đây chủ yếu chăn nuôi và trồng trọt

Họ quây quần sống bên nhau sau cánh rừng nguyên sinh đầy nhựa sống, nối gót cha ông bám rừng, bám rẫy. Đó là cảm nhận không chỉ của riêng tôi trong hơn 5 lần đến mà còn nhiều người khác ghé đến đây. Lần thứ 4 đến vào tháng 6 năm qua khi “cơn bão” Covid-19 quét qua, cả xóm lo chống dịch. Nhớ hình ảnh cụ Lê Thị Thà, 70 tuổi nói qua hàng rào lưới B40: “Hàng ngày bà nghe đài, họ thông báo không được tiếp xúc với người lạ”. Nên chúng tôi đi đến đâu cũng nhận được ánh mắt dò xét, họ cứ sợ vi rút từ người lạ bay vào mình. Lần thứ 5 tôi đến xóm núi vào một chiều nghiêng nắng mới đây, giữa lúc “cơn bão” đất nền quét qua nhiều nơi. Tôi len lỏi trong xóm tìm “ánh mắt sợ người lạ” năm qua, nhưng chỉ thấy toàn vẻ ôn hòa và nhộn nhịp người, từng đàn gia súc từ mọi ngã đường trở về xóm sau một ngày lao động mệt mỏi. Ông Mang Văn Điếu có dáng người to con, da đen nhánh dẫn đàn bò no tròn trở về chuồng, nhìn tôi như dò hỏi: Đi đâu?. Đọc ánh mắt ấy, tôi đáp: Đi mua đất!. “Đất đâu mà bán. Ai cũng bán, nhưng tôi không bán để lại cho con”, ông Điếu nói.

20220418_154757.jpg
Đàn dê trở về nhà sau một ngày ăn no.

Gia đình ông Điếu là một trong những hộ nằm trong số ít người không bán đất ở đây, vì xóm vỏn vẹn 292 hộ nên mọi động tĩnh ai cũng biết. “Ở đây nhà nào cũng bán đất, người ta đồn đầy. Nhà ông Y Song bán hết đất. Năm qua ông ấy bán một miếng đất có giá 600 triệu đồng, mới đây đã giật mình vì biết người mua đã bán lại cho người khác 3 tỷ đồng. Ông ấy vừa bán tiếp miếng nữa 1,4 tỷ đồng”, chị Mang Thị Thồi, 48 tuổi, chủ một tiệm bán tạp hóa, nơi đông người ra vào mua hàng hóa, hỏi mua đất nói. Bà Thồi cũng đã bán 9 sào đất với giá 480 triệu đồng và giới thiệu tôi có thằng em đang muốn bán 1,4 ha đất với giá 100 triệu đồng/sào. Chuyện giữa tôi và Thồi đang cao trào thì chị Mang Thị Ụ vào quán mua nước uống nói xen vào: Mình mới bán 5 sào đất rẫy 400 triệu đồng, đứa em út mình cũng bán 6 sào đất mặt tiền QL 28 giá 1,2 tỷ đồng. Thồi và Ụ cũng nói đất ở đây đắt, rẻ tùy theo đất, ở mặt đường lớn đắt hơn trong rẫy.

Trong số họ, tôi đặc biệt chú ý cụ Nin, người đang chờ máy cày đến cày diện tích đất gần 1 ha ở đoạn km 35 của QL28 để trồng mè. Miếng đất này bà đã bán, nhưng chủ đất vẫn cho canh tác trên đất, bà nói: “Bán đi cũng tiếc, nhưng bà già rồi, con cái lớn có gia đình. Người ta vào nhà hỏi mua đất, ông chồng bà bảo: Bán đi!. Ông bà đưa ra giá 2 tỷ đồng, họ trả xuống 1,8 tỷ đồng, rồi lại trả xuống còn 1,5 tỷ đồng trừ tiền đi làm thủ tục giấy tờ ra sổ”, bà Nin chia sẻ.

Số ít trụ vững

Những hộ không bán hoặc bán đất một ít, còn để lại sản xuất, làm của hồi môn cho con cái, trụ vững trong “cơn bão” này là rất nhỏ so với những hộ đã bán đất. Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa - Lê Thị Hòa thừa nhận người dân nơi đây bán đất khá nhiều trong những tháng qua. UBND xã Thuận Hòa cũng đã tổ chức họp dân trong xóm tuyên truyền người dân không được ồ ạt bán đất, mà giữ lại để có đất sản xuất. Nếu bán đất lấy tiền tiêu xài thì không nên mà phải đầu tư vào việc gì đó sinh lợi như chăn nuôi bò, dê...

20220418_155637.jpg
Đất mặt tiền QL 28 đã bán hết vì được giá hơn đất rẫy.

Những hộ ấy như ông Mang Văn Điếu, Mang Cẩn, Mang Hiếu... đều có suy nghĩ rất tiến bộ, họ biết là bán đất thì không bao giờ mua lại được cũng như không còn đất sản xuất. Bà Thồi trong số họ bán 4 sào đất lấy tiền giải quyết nợ nần cho con cái và sửa nhà, mua bò. “Tôi có 4 đứa con, đều đã lập gia đình, còn một đứa đang đi học. Cực chẳng đã tôi mới bán vì một thằng lấy vợ ở Gia Bát, Di Linh, đầu tư trồng cafe, nhưng những năm gần đây thất bát dẫn đến nợ nần. Tôi cho nó 65 triệu đồng trả nợ, những đứa khác mỗi đứa 35 – 40 triệu đồng tùy vào hoàn cảnh. Số tiền còn lại tôi sửa nhà và mua bò nuôi”, bà Thồi chia sẻ và quả quyết sẽ không bán đất nữa, giữ lại sản xuất hoặc để lại cho con cái. Bà còn lập luận: Còn trẻ, khỏe đi làm công ty, già thì nghỉ ở nhà, phải có đất canh tác, bán hết lấy gì làm ăn. Với ông Mang Cẩn cũng kiên quyết không bán đất dù nhà ông có tới 3 mẫu đất. Miếng đất nào cũng nằm trên đường lớn, miếng ở QL28 có chiều dài mặt tiền đường hơn 300m. Những ngày qua nhiều người vào nhà, gạ ông bán nhưng ông nói: Tôi bán đi lấy gì sản xuất. Phần lớn những người đến gạ bán đất ở TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đồng Nai... và cả người dân địa phương.

Cảnh người lạ tìm đến xóm núi mua đất trong thời gian gần đây giống ở nhiều nơi khác như thị xã La Gi, Đa Mi, La Dạ... có những dự án đang triển khai hoặc “thai nghén”. La Dạ là điển hình, người ta đổ về mua đất vì liên quan di dời người dân La Ngâu, huyện Tánh Linh qua La Dạ để làm Dự án hồ chứa nước La Ngà 3. Ở xóm núi này liên quan đến nâng cấp mở rộng tuyến đường ĐT 711 từ Thuận Hòa ra QL1A.

UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã có văn bản gửi đến các xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện quản lý chặt chẽ đất đai. Tuyên truyền người dân không nên bán đất, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số, tránh tình trạng thiếu đất sản xuất nảy sinh đói nghèo, phá rừng lấy đất làm rẫy.

GHI CHÉP CỦA NINH CHINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tại Thắng Hải, Công ty Alibaba: Rao bán đất nền trên đất nông nghiệp
BT- Tổng diện tích mà ông Nguyễn Thái Lĩnh gom mua từ 3 người dân hơn 25 ha với hiện trạng là đất nông nghiệp trồng keo lá tràm với số tiền hơn 4,2 tỷ đồng. 
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Bão” đất nền đổ bộ xóm núi